Xây nhà khang trang, thu nhập chục triệu/tháng nhờ... câu lươn

27/09/2012 12:49
Theo Kiến thức
Nhìn căn nhà hai tầng khang trang của anh Hoàng Khắc Phúc, ít ai biết rằng chủ nhân ngôi nhà đó chỉ là một anh thợ câu lươn.

Đã từ nhiều đời nay, câu lươn là nghề chính kiếm sống với người dân làng Quan Trung, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Anh Tuấn bắt đầu buổi câu lươn.
Anh Tuấn bắt đầu buổi câu lươn.
Nghề gia truyền của làng
Chúng tôi gặp anh Hoàng Khắc Tuấn, thôn 3, làng Quan Trung, khi anh đang cùng nhóm thợ câu lươn trong làng đạp xe trở về nhà. “Hôm nay trời mưa, thời tiết xấu nên nhóm thợ chúng tôi về sớm. Từ sáng đến giờ mỗi người câu được hơn một cân lươn thôi. Kể câu đến tối ít nhất phải được vài ba cân lươn”, anh Tuấn cho biết.
Vừa đi đường anh Tuấn vừa đọc cho tôi nghe một đoạn bài vè nói về nghề câu lươn mà cha ông truyền lại. Đến đám trẻ trong làng cũng có thể đọc vanh vách bài vè đó: Ai về thăm đất làng lươn /Dừng chân ngắm cảnh bên lưng núi Là/ Sông Chu tựa dải ngân hà/ Miền quê trai gái đậm đà thủy chung.
“Làng chúng tôi trước đây nghèo lắm, không có nghề phụ, ruộng đồng thường xuyên mất mùa, việc đói ăn xảy ra như cơm bữa. Chính vì thế những người đàn ông, con trai trong làng rủ nhau đi câu lươn. Có cụ cao niên 60 - 70 tuổi vẫn ra đồng câu lươn như những trẻ con mới lớn”, anh Tuấn cho hay.
“Gia đình tôi trước đây có 5 anh em, đến vụ thu hoạch lúa chỉ đủ ăn được vài tháng lại đói. Đói quá chỉ biết trông cậy vào việc đi câu lươn. Mấy bố con tôi câu cả ngày mới đổi được chục bò gạo, hôm nào được ít chỉ đổi lấy bột sắn về trộn với cơm. Nhà nào có bột sắn để ăn là sướng lắm rồi”, anh Tuấn nhớ lại.

Anh Tuấn bắt đầu buổi câu lươn.
Anh Tuấn bắt đầu buổi câu lươn.

Ngủ giữa cánh đồng để câu lươn
Anh Tuấn cho biết, trước đây người trong làng đi câu lươn chủ yếu là đi bộ, bây giờ mới có xe đạp, xe máy để đi. Cứ tờ mờ sáng, sau khi ăn cơm xong mọi người trong làng tập trung trước con đê đầu làng cùng đi câu lươn. Không quản ngại đường sá xa sôi, hễ nơi nào câu được nhiều lươn là mọi người tìm đến. Đồ nghề câu lươn cũng đơn giản, chỉ cần bẻ lưỡi câu bằng dây thép nhỏ, buộc vào đoạn dây cước, đào giun cho vào túi, xách chiếc giỏ thế là có thể lên đường hành nghề.
“Hai bố con tôi trước đây có ngày đạp xe vài chục cây số để câu lươn. Ban đầu thì đi câu ở các huyện Triệu Sơn, Yên Định. Sau đó đi xuống Hoằng Hóa, Hậu Lộc. Có hôm lươn háu ăn, bố con tôi mải miết câu, khi ngẩng mặt lên thì trời đã tối. Hai bố con quyết định đi kiếm cái gì đó ăn tạm, ngủ qua đêm giữa cánh đồng để sáng mai câu tiếp. Chưa bao giờ tôi câu được nhiều như thế. Cứ đặt lưỡi câu vào lỗ là lươn đã cắn mồi, chỉ việc kéo lươn lên. Vì thế chỉ trong hai ngày, hai bố con tôi câu được gần 10 kg lươn”, anh Tuấn kể trong niềm vui sướng.
Anh bảo, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời câu lươn của anh. Nghề câu lươn cũng cần phải có cái duyên. Nếu để câu chơi đứa trẻ chăn trâu cũng có thể câu được, nhưng đã xác định nó là cái nghiệp của mình thì dù mưa rét vẫn phải xông pha ra đồng để câu. Kinh nghiệm câu là quan trọng nhất, đã là thợ thì phải biết cánh đồng nào có loại lươn nào, ứng với từng loại mồi và lưỡi câu.
“Vào đầu tháng hai, cuối tháng 7 là mùa sinh sản của lươn, khi đó lươn ngoài ruộng sẽ di chuyển vào bờ để làm lỗ đẻ trứng và nở con. Đây là hai tháng người thợ câu lươn có thể mang lại thu nhập tốt nhất trong năm. Vào mùa sinh sản lươn rất đói mồi, người thợ không cần nhử mồi lâu, lươn đã cắn mồi rồi”, anh Tuấn cho hay.
Người thợ dầm mưa đi câu lươn.
Người thợ dầm mưa đi câu lươn.

Bức xúc vì dùng kích điện để tàn sát lươn

Anh Tuấn tự hào mình là một trong những “câu thủ” có tiếng trong làng Quan Trung. Anh khoe: “Tính ra mỗi ngày, tôi câu ít nhất cũng được 3kg lươn, giá trung bình 100.000đ/kg, một ngày thu nhập cũng được 300.000đ (tương đương mỗi tháng chục triệu đồng). Nhờ vào câu lươn mà tôi mới có điều kiện cho con cái ăn học, trang trải cuộc sống. Nghề này khá hơn nhiều so với công việc tay chân khác. Nó vừa nhàn hạ, vừa có thu nhập tương đối ổn định. Quan trọng là mình làm chủ được thời gian, khi nào khoẻ thì làm, mệt thì nghỉ”.

Nhìn căn nhà hai tầng khang trang của anh Hoàng Khắc Phúc, ít ai biết rằng chủ nhân ngôi nhà đó chỉ là một anh thợ câu lươn, thường lang thang ra ruộng, bới đất tìm lỗ câu lươn. Đến anh Tuấn, một “câu thủ” cũng phải tôn anh Phúc lên làm “sư phụ” trong nghề.
 
Phúc giỏi nghề và toàn tâm, toàn ý vào việc câu lươn. Ruộng vườn vợ chồng anh chỉ làm vài sào lấy gạo ăn. Mọi người trong làng rất ít khi thấy anh Phúc ở nhà. Cứ tờ mờ sáng là anh buộc giỏ vào xe lên đường đi câu. Anh Phúc thường đi câu ở tận huyện Nga Sơn, Hà Trung, những miền đất hứa mà có lẽ chính những thợ trong làng cũng ít ai đặt chân đến. Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 4, 5 ngày; số lươn anh câu được ít nhất cũng từ 10 - 15kg.

Dân làng đều tấm tắc thán phục Phúc. Nhiều người bảo, cơ ngơi Phúc xây dựng lên là từ con lươn dưới đất mà mọc thành ngôi nhà cao tầng. Vài năm về trước gia đình anh vẫn thuộc diện nghèo của làng, vẫn đói ăn, đứt bữa như bao gia đình khác.

“Con lươn đã làm thay đổi đời sống người dân quê tôi rất nhiều, giúp cho các hộ trong thôn có của ăn của để, có điều kiện cho con cái ăn học. Mấy năm gần đây, người dân ở nhiều nơi đã dùng kích điện để tàn sát lươn. Vì thế, số lượng lươn đang giảm dần. Nhìn thấy việc đó chúng tôi bức xúc và xót xa lắm”, anh Tuấn tâm sự.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!



Theo Kiến thức