Phát hiện loài mực "ma cà rồng" ăn rác thải trong lòng đại đương

27/09/2012 10:52
TV (theo livescience)
(GDVN) - Loài mực ma cà rồng (tên khoa học là Vampyroteuthis infernalis), sống tại vịnh Monterey, California, có một tập tính kì lạ đó là ăn rác thải biển.
Mặc dù được mệnh danh là mực ma cà rồng nhưng loài mực này lại không phải là loài hút máu nguy hiểm dưới đại dương. Trên thực tế, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng sinh vật bí ẩn này là chiếc máy nghiền rác của đại dương.
Nghiên cứu này cho biết mực ma cà rồng dùng những chiếc tua dài và nhỏ của mình để vớt những mảnh vụn lơ lửng trong nước từ mắt hay chân của loài giáp xác đến những con ấu trùng. Sau đó chúng được đưa vào bên trong phần thân chứa chất nhầy trước khi tiến hành tiêu hóa thức ăn.
Nhà khoa học Henk-Jan Hoving tại Viện nghiên cứu tại vịnh Monterey, California cho biết đây là phát hiện thú vị đầu tiên về các động vật thân mềm như mực ống, bạch tuộc, mực nang.
“ Đây là ghi chép đầu tiên về loài động vật thân mềm rằng chúng không ăn những sinh vật sống”, Hoving nói cho biết trên tờ LiveScience.

Loài mực bí ẩn


Mực ma cà rồng (có tên khoa học là Vampyroteuthis infernalis ) trưởng thành có chiều dài 30cm và phân bố rộng rãi nhưng lại ít được biết đến.Ngay cả tuổi thọ của chúng cũng là một điều bí ẩn.

Tên của chúng xuất phát từ màu đen của thân, mắt đỏ và lớp màng dính liền giữ các xúc tua. Mực ma cà rồng cần ít khí ô xy để thở vì vậy chúng phát triển mạnh trong môi trường có nồng độ oxy thấp hơn 5 % môi trường xung quanh.
Ngoài ra, mực ma cà rồng còn có một khả năng đặc biệt là phát sáng. Chúng sử dụng ánh sáng tự phát từ cơ thể để hòa lẫn với những tia nắng mặt trời lọt xuống đáy biển.
Cùng với 8 chiếc xúc tu, mực cà rồng còn có thêm hai sợi tua dài và mảnh.Các nhà nghiên cứu từ lâu đã nghi ngờ rằng những chiếc tua dài này giúp con mực tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây là nghiên cứu đầu tiên làm sáng tỏ vấn đề thắc mắc này.
Tiến sĩ Hoving cùng các cộng sự đã được quan sát con mực ma cà rồng trong phòng thí nghiệm và tập trung so sánh đoạn băng ghi hình về loài mực ma cà rồng được tìm thấy giữa năm 1992 và năm 2012 trong môi trường tự nhiên tại vịnh Monterey trong suốt 1 ngày.
Hoving cho biết đây là lần đầu tiên ông được chứng kiến cảnh loài mực này tiêu hóa thức ăn khi các nhà khoa học thả thêm một chút thức ăn vào bể chứa con mực ma cà rồng. Loài vật này đưa những chiếc tua ra và kéo các mẩu thức ăn về phía những xúc tu của mình. Sau đó nó cuộn miếng thức ăn trong miệng rất nhanh.
Sau khi Hoving tiến hành kiểm tra hệ tiêu hóa của loài mực này tại viện bảo tàng, ông bắt đầu ghép các thông tin với nhau.

Thay vì chứa những con cá hay những loài giáp xác đã được nhai kỹ bên trong dạ dày như hầu hết các những loài động vật thân mềm khác, dạ dày của mực ma cà rồng chứa nhiều rác sinh vật hỗn tạp như: trứng cá, một vài chiếc râu, mắt, chân của loài giáp xác, ấu trùng và thậm chí là cả phân ấu trùng. Những rác thải này dược dính với nhau bởi chất nhầy bên trong phần thân con mực.


Chiến lược tiêu hóa thức ăn

Một cuộc kiểm tra giải phẫu loài mực lạ này đã tiết lộ rằng các phần giác trên các xúc tu không có nhiệm vụ hút mà chỉ tiết ra chất nhầy.
Rác thải biển bao gồm xác động vật giáp xác, trứng, ấu trùng thậm chí cả sứa trôi nổi trong nước đều bị vơ lại bởi các tua mảnh của con mực.

Sau đó con mực sẽ kéo những mẩu thức ăn là rác thải biển vào phần thân và nhào trộn chúng bằng những xúc tu, phần tiết ra chất nhầy. Một bộ phần phụ giống như ngón tay được gọi là lông gai lại tiếp tục đưa thức ăn vào trong miệng con mực.
Cách ăn bị động này khiến cho con mực có thể sống trong môi trường nước có nồng độ oxy thấp, Hoving cho biết. Mực ma cà rồng có quá trình trao đổi chất rất thấp và chứa một lượng protein đặc biệt bám chặt các phân tử oxy trong hệ hô hấp.
Với những hiểu biết này, các nhà khoa học thể nghiên cứu và chỉ ra được rằng loài mực này phát triển nhanh như thế nào và tuổi thọ của chúng là bao lâu.
“Phát hiện này một lần nữa lại cho thấy động vật thân mềm có khả năng thích nghi rất tốt bằng nhiều cách khác nhau trong môi trường biển. Chúng sống rất tốt trong các vùng biển trên thế giới.

Một điều đáng ngạc nhiên rằng một vài loài động vật thân mềm thậm chí còn tìm cách để sống trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, nơi mà các loài động vật khác luôn tìm cách trốn tránh”, Hoving cho biết thêm.
TV (theo livescience)