Tu-22M3 sống lại 'bản năng' diệt tàu sân bay

27/09/2012 20:04
Theo Đất Việt
Theo Bộ Tư lệnh Hải quân Nga, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của không quân nước này bắn trúng mục tiêu giả định trong cuộc tập trận của Hạm đội Phương Bắc.
Với cuộc bắn thử này, Tu-22M3 đã quay trở lại nhiệm vụ chiến đấu quan trọng nhất của nó: Hủy diệt các tàu chiến mặt nước của đối phương từ trên không, đặc biệt là tàu sân bay.

“Trước đây, Tu-22M3 được biên chế trong Không quân Hải quân Nga. Nhưng từ 2011, chúng được chuyển giao cho Không quân Nga. Bây giờ các phi công trên bộ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của Hải quân”, quan chức đại diện Hải quân Nga cho biết.

Về vấn đề này, Tư lệnh Không quân Nga cho biết, nước này sẽ trang bị khoảng 40 máy bay Tu-22M3 để thực hiện nhiệm vụ chống tàu.
 
“Trên thực tế, máy bay được thiết kế như là một "sát thủ tàu sân bay". Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiệm vụ này trở thành thứ cấp và nhìn chung Không quân Hải quân như là "con nuôi”, ông này nói.

"Sát thủ diệt tàu sân bay" Kh-22 treo dưới cánh và bụng Tu-22M3.
"Sát thủ diệt tàu sân bay" Kh-22 treo dưới cánh và bụng Tu-22M3.

Tu-22M được chế tạo năm 1969 ở đỉnh điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ, máy bay này mang tên lửa siêu âm Kh-22, được thiết kế với mục đích tiêu diệt tàu sân bay trong cụm tàu sân bay chiến đấu xung kích Mỹ và được mệnh danh “vũ khí khủng khiếp ở mọi giới hạn”.

Tuy nhiên, đến năm 2012, chức năng chống tàu của các máy bay Tu-22M3 hầu như không được sử dụng. Lần tập trận trên biển gần nhất vào năm 1989.

Chính vì thế, việc huấn luyện “khả năng” chống tàu của những phi công Tu-22M3 được chuyển từ lực lượng Hải quân sang Không quân phải làm lại từ con số không.

“Đến trước năm 2012, các phi công của không quân thậm chí còn không thực hiện bài tập lý thuyết bay trên biển. Chúng tôi chỉ bay thực hành tấn công các mục tiêu trên đất liền.

Bây giờ chúng tôi đã biết làm thế nào để tìm tàu đối phương. Trong tháng 4/2012, đã thực hành phóng tên lửa Kh-22N tới các mục tiêu trên mặt biển”, một trong những phi công lái Tu-22M3 nói với Izvestia.

Cũng theo phi công này, từ đầu năm 2012 đến nay, hàng tháng các phi đội Tu-22M3 đều thực hiện các chuyến bay tuần tra và huấn luyện trên biển Nhật Bản và biển Barents.

“Trong tương lai, Tu-22M3 sẽ săn các tàu nổi còn máy bay chiến lược mang tên lửa Tu-95 và Tu-160 sẽ công phá các hải cảng và căn cứ Hải quân”, Tư lệnh Hải quân cho biết.

Theo ông, máy bay Tu-22M3 có thể phát hiện và tấn công các tàu của đối phương trong bán kính 2.000 km từ sân bay của chúng. Còn các máy bay chiến lược Tu-95MS, Tu-160 với tên lửa hành trình mới nhất Kh-101 có thể công phá căn cứ của đối phương được bảo vệ “chắc chắn” từ khoảng cách đến 10.000 km từ vị trí phóng.

Khả năng tấn công này không thể có trên các tàu bề mặt của lực lượng Hải quân, ngoại trừ các cuộc tấn công hạt nhân.

Theo ông Vladimir Shcherbakov, Tổng biên tập Tạp chí Take-off, các máy bay tầm xa của Không quân làm tăng khả năng chiến đấu của Hải quân Nga lên một vài lần.

“Trong Hải quân Nga cần phải có tàu ngầm và máy bay mang tên lửa để tiêu diệt nhóm tàu tấn công của đối phương ở vùng biển xa xôi. Bây giờ đội tàu ngầm đã giảm xuống đáng kể và không thể giải quyết vấn đề này…thì những máy bay ném bom tầm xa là yếu tố duy nhất có giải quyết vấn đề này”,  Vladimir Shcherbakov nói.

Tên lửa hành trình tầm xa Kh-22 do cục thiết kế Raduga nghiên cứu phát triển từ những năm 1960 "chuyên trị" tàu sân bay Mỹ.

Tên lửa có khối lượng phóng 5,8 tấn, lắp đầu đạn nổ thường 900kg hoặc đầu đạn hạt nhân 350-1.000 kiloton.

Tên lửa đạt tầm bắn 400km, dẫn đường bằng hệ định vị quán tính và radar chủ động pha cuối.

Theo Đất Việt