Những điều ít biết về nguyên Phó chủ tịch ACB Lê Vũ Kỳ

29/09/2012 07:32
DC (tổng hợp)
(GDVN) - Từng giữ nhiều vai trò quan trọng trong các cơ quan nhà nước trước khi gia nhập ACB và trong suốt thời gian làm việc tại ngân hàng này ông Lý Vũ Kỳ, người vừa bị khởi tố cũng được biết đến là người đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng...
Như Báo điện tử Giáo dục Việt nam đã thông tin, ngày 27/9/2012, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Á Châu (ACB). Cũng trong vụ này, cơ quan điều tra còn khởi tố bị can đối với 3 người khác là ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nguyên Chủ tịch ACB; Trịnh Kim Quang (SN 1954, ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh), ông Phạm Trung Cang (SN 1954 ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh).
Cựu Phó chủ tịch ACB Lê Vũ Kỳ, 1 trong 4 bị can mới bị khởi tố để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cựu Phó chủ tịch ACB Lê Vũ Kỳ, 1 trong 4 bị can mới bị khởi tố để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Cả 4 bị can đều bị khởi tố để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể hơn là 4 cá nhân nêu trên bị khởi tố vì liên quan tới vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TPHCM và TP.Hà Nội. Trước đó, trong thông cáo ngày 19/9, khi ông Lê Vũ Kỳ cùng một số lãnh đạo khác đã có đơn gửi ban lãnh đạo ACB xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT với “lý do cá nhân", ACB cũng đã cho biết, ông Kỳ và các ông còn lại đều có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB, đã bị khởi tố, bắt giam) ủy thác 19 nhân viên ngân hàng nhận hơn 718 tỉ đồng của ACB để gửi vào Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Viettinbank). Theo Cơ quan điều tra, xét thấy các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang có nhân thân tốt, có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng và xét mức độ hành vi vi phạm, Cơ quan điều tra đã thống nhất với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao áp dụng biện pháp cấm rời khỏi nơi cư trú và cho tại ngoại. Sinh năm 1956 tại Hà Nội, hiện đang sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội, ông Lê Vũ Kỳ có bằng Tiến sỹ Toán-Lý - Đại học Tổng hợp Matxcova - Nga. Ông Lê Vũ Kỳ được biết đến là người từng giữ nhiều các vai trò quan trọng trong không ít cơ quan nhà nước. Từ năm 1984 đến năm 1986, ông Kỳ là cán bộ nhà máy Z181 (Bộ Quốc Phòng); Từ năm 1987 đến năm 1988, ông là cán bộ làm việc tại Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia. Từ năm 1989 đến năm 1992, ông Kỳ đảm nhiệm cương vị Quyền Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT; Từ năm 1992 đến năm 1993, ông chuyển về làm Cán bộ Tổng Công ty Dệt - May Việt Nam; Từ năm 1993 đến năm 1996, ông Kỳ giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc xí nghiệp liên doanh Việt Nga (Rosvietipex) thuộc Tổng Công ty Dệt - May Việt Nam (Vinatex) Từ năm 1996 đến năm 1997, ông là Quyền Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất xuất nhập khẩu Thiên Nam.
Các ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang. Ảnh Dân Trí
Các ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang. Ảnh Dân Trí

Từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của ACB Bắt đầu gia nhập ACB từ năm 1997 ông Kỳ giữ nhiều chức vụ quan trọng. Trong thời gian 11 năm, từ năm 1997 đến năm 2008, ông giữ cương vị Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Từ năm 2008, ông Kỳ là Phó chủ tịch ACB.   Và cũng từ tháng 8/2009, ông Lê Vũ Kỳ bắt đầu giữ Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS). Ngoài ra, vị lãnh đạo này còn là thành viên thường trực HĐQT, thành viên thường trực Ủy ban Tín dụng, thành viên Ủy ban Nhân sự, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư và Phó chủ tịch Hội đồng xử lý rủi ro của ACB. Còn theo thông tin trên Infonet, Năm 1997, ông Kỳ về ACB phụ trách mảng Công nghệ thông tin đúng vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.  Vị này từng chia sẻ những khó khăn trong thời kỳ đầu triển khai chương trình Core Banking tại ACB là "một cuộc cải cách, thực hiện nửa vời thì không chỉ mất tiền bạc, thời gian mà còn ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng". Năm 2006, cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB Lê Vũ Kỳ còn được Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) trao giải Nhà lãnh đạo Công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc khu vực Đông Dương. Ngày 19/9, ông Lê Vũ Kỳ cùng một số lãnh đạo khác đã có đơn gửi ban lãnh đạo ACB xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT với “lý do cá nhân". Theo công bố sau đó, của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS), ông Lê Vũ Kỳ được chấp thuận thôi chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên kể từ 21/9. Người thay thế ông Kỳ ở vị trí này sẽ là ông Bùi Tấn Tài. Trao đổi với VnExpress.net khi đó, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khi đó đã cho biết ACBS là công ty con của ACB, sau khi ông Kỳ từ chức tại ACB, chức vụ của ông này ở ACBS cũng bị miễn nhiệm. Trước khi bị khởi tố, ông Kỳ sở hữu 1.130.590 cổ phiếu ACB (0,12%), tính theo giá cổ phiếu ACB ngày 20/9 tương đương hơn 17 tỷ đồng. Con gái ông Kỳ là bà Lê Nguyệt Ánh sở hữu 1.999.455 cổ phiếu ACB, tương đương gần 31 tỷ đồng.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

DC (tổng hợp)