Vì ma túy, ba lần đỗ đại học vẫn chưa tốt nghiệp

02/10/2012 20:15
Theo Công lý
Giỏi là điều ai cũng công nhận về năng lực của Hữu nhưng những ngông cuồng đã biến anh từ một sinh viên thành kẻ mất hết tương lai.
Điểm đến cuối cùng của Trịnh Đình Hữu, sinh năm 1981, quê ở Duy Tiên, Hà Nam là cơ sở giáo dục Thanh Hà bởi hành vi trộm cắp vặt mà nguyên nhân xuất phát từ những cơn nghiện ma túy. Sống mũi cao trên khuôn mặt sáng sủa vậy mà Hữu đánh mất tất cả…
Thi gì đỗ nấy

Hữu sinh ra trong một gia đình công chức và khá giả, đã thế lại là con trai út, độc nhất nên từ nhỏ luôn được yêu chiều. Bố làm cán bộ ngân hàng, mẹ là kế toán, Hữu thừa hưởng gen của cha mẹ nên học rất giỏi các môn tự nhiên. 
Thế nhưng sống trong sự chiều chuộng và ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người đã khiến tính cách cậu học trò này trở nên tự cao tự đại, luôn cho mình là đúng và muốn gì phải được nấy. 
Bằng chứng của việc luôn muốn mọi người làm theo ý mình của Hữu là việc cậu từ chối thi ĐH Ngoại thương chỉ vì không thích học cùng trường với chị gái. Trong nhóm có mấy bạn học kém hơn, nộp hồ sơ thi vào ĐH Công nghiệp, Hữu cũng thi cùng, bỏ ngoài tai mọi lời can gián của bố mẹ. 

Các trại viên đang lao động cải tạo.
Các trại viên đang lao động cải tạo.
Tới ngày nhập trường, Hữu về Thái Nguyên chơi với bạn và bỗng bốc đồng muốn về đây học với bạn nên bỏ luôn ĐH Công nghiệp, đợi năm sau thi vào ĐH Thái Nguyên. Tuy nhiên, học được 1 năm, Hữu lại thấy chán và muốn được về Hà Nội học. Cậu nộp hồ sơ thi ĐH Mỏ địa chất và lại lần nữa trúng tuyển.
Cứ ngỡ quá tam ba bận, Hữu sẽ chăm chỉ đi hết con đường đã chọn nhưng chỉ được năm đầu tiên chăm chỉ rồi Hữu bắt đầu a dua theo chúng bạn, chơi điện tử, lô đề, cá độ bóng đá. 
Tiền gia đình cho so với những sinh viên khác, có nhiều hơn thật nhưng với cơn nghiện nét, cá độ thì chẳng thấm vào đâu nên Hữu bắt đầu vay nợ, cắm quán, đến năm thứ 4 thì số tiền nợ nhiều đến nỗi gia đình phải bán cả nhà đi, mới trả đủ. 

TBT Nguyễn Phú Trọng nói về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

TBT Nguyễn Phú Trọng nói về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

Chàng sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội ba lần vượt qua nỗi đau

Chàng sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội ba lần vượt qua nỗi đau

Mất nhà vì con, đến hy vọng cuối cùng là Hữu lấy được cái bằng đại học cũng không thành vì trốn và nợ môn quá nhiều. Bị đuổi học, Hữu không dám về quê vì sĩ diện mà nói dối bố mẹ là sẽ tìm việc ở Hà Nội để kiếm sống.
Trong lúc bế tắc, Hữu tặc lưỡi cho dòng đời xô đẩy để rồi nghiện thêm một thứ chết người nữa là thuốc lắc. Ngày ngủ, đêm lên vũ trường, hôm nào không có tiền thì nằm nhà xem bóng đá để cá độ,… Hữu trở thành kẻ nghiện ngập, sống bám vào người yêu là một ả cave kiếm tiền chủ yếu bằng nghề bán thuốc lắc. 
Triền miên với những ảo giác nhưng rồi có một ngày Hữu chợt bừng tỉnh và ý thức về cuộc sống của mình với nguy cơ nếu không cương quyết rất dễ dính vòng lao lý. Trốn chạy về nhà ở Lai Châu, Hữu quyết tâm làm lại cuộc đời với hồ sơ dự thi ĐH sư phạm.
Đến những trượt dài vì ma túy
Đam mê nào cũng có sức quyến rũ và lôi kéo. Tuy nhiên với những kẻ không có nghị lực và quyết tâm thì mọi sự cố gắng đều trở thành uổng phí trước những sai lầm, biết mà không sửa được. Với Hữu cũng thế.
Phải khó khăn lắm, Hữu mới dời Hà Nội lên Lai Châu sống và sự cách ly ấy đã giúp chàng thanh niên vốn thông minh tìm lại được chính mình. Do có kiến thức vững từ ngày còn học phổ thông nên sau 6 năm bôn ba hết trường này trường khác, Hữu vẫn thi đậu vào trường ĐH sư phạm. 
Hữu đã khóc vì sung sướng bởi nghĩ rằng mình đã gượng dậy được, lấy lại những gì đã mất. Vui nhất là bố mẹ Hữu. Sau biến cố bán nhà trả nợ cho con, ông bà phải lang bạt lên Lai Châu tìm cuộc sống mới, trong lòng vẫn không thôi kỳ vọng về đứa con út bé bỏng. Thế nên cái tin Hữu dứt được ma túy, thi đỗ đại học đã khiến mọi người mừng rỡ.
“Lắm lúc em cảm thấy không hiểu nổi mình bởi tại sao quyết tâm thi đại học thì làm được mà chỉ mỗi việc đoạt tuyệt với ma men thì lại yếu mền đến thế”, Hữu tâm sự. Cậu bảo đã có lần bố Hữu lên thăm, xoa đầu con bảo tại sao lúc khao khát thi trường này, học trường kia thì mãnh liệt thế mà lại không thể rũ bỏ được những thói hư tật xấu. 
Cứ tưởng sau rất nhiều biến cố, vấp ngã và sai lầm, Hữu đã đứng dậy được thì phải quyết tâm làm lại nhưng rồi vẫn thế. Một lần nữa vươn lên làm lại, cũng lại là lần nữa Hữu nhanh chóng đạp bỏ ước mơ của mình.
Nhịn được gần hết 4 năm làm sinh viên sư phạm, tới kỳ cuối cùng do học hành căng thẳng, Hữu lại tìm đến ma túy và nhanh chóng nghiện lại. Bị phát hiện, Hữu bị đuổi học và sau rất nhiều cố gắng rồi vấp ngã, lần này thì anh ta không còn sức lực để chống cự lại những thèm muốn của bản thân. 
Hữu buông xuôi tất cả, trong đầu lúc nào cũng chỉ có một ước muốn là có tiền để thỏa mãn cơn nghiện. Tiền trong nhà đội nón ra đi, hết thì anh ta bắt đầu nhòm ngó tới hàng xóm, nhiều khi chỉ là con gà, con chó hay cái máy bơm,…nghĩa là tất cả những gì có thể bán được một cách nhanh nhất.
Chỉ khổ cho bố mẹ Hữu, vì sợ hàng xóm đi báo chính quyền nên chỉ cần ai nói mất trộm là te tái đi vay mượn để trả nợ cho con. Tuy nhiên của cải và sức người cũng có hạn. Tới khi không còn sức xoay nổi tiền trả nợ cho con thì bố mẹ Hữu đành gạt nước mắt, nhìn đứa con nối dõi của dòng tộc bị đưa đi cơ sở giáo dục vì trộm cắp vặt quá nhiều.
Đại úy Lê Văn Bộ, quản giáo phân trại 1 nơi Hữu đang cải tạo cho rằng Hữu hư một phần do sự giáo dục của bố mẹ. Từ bé được nuông chiều thích gì được nấy đã tạo cho Hữu thói quen ích kỷ, không bao giờ nghĩ tới người khác. 
Theo anh Bộ, thời gian đầu vào cơ sở, tính hiếu thắng, sự sĩ diện đã khiến Hữu trở nên mặc cảm, tự ti và sống khép kín nhưng được cán bộ quản giáo động viên, phân tích nên tư tưởng đã yên tâm cải tạo.
Hữu bảo những lúc thấy các trại viên vì nghiện nặng, cả đêm vào nhà tắm dội nước, cai vã, anh lại thấm thía những mất mát mà mình đã trải qua. Khi được cán bộ cho trợ giảng lớp xóa mù chữ, tham gia biên soạn bài giảng về kiến thức pháp luật, hòa nhập cộng đồng, Hữu cảm nhận được sự tin tưởng mà các thaầy cô ở đây dành cho nên hăng hái tham gia. Hữu bảo sau lần đi cơ sở về, sẽ quyết tâm học một nghề nào đó để kiếm sống, làm người có ích chứ không sống phí hoài như trước nữa.
Chẳng biết có phải Hữu đã quyết tâm thực hiện lời hứa hay bởi anh ta được tận mắt chứng kiến cảnh một số trại viên vì thuốc lắc mà trở nên điên loạn, lúc nào cũng bị cùm tay, chân mà sợ hãi. 
Dù là lý do gì thì với một kẻ kiêu căng như Hữu, san sẻ với người khác suy nghĩ của mình cũng là tiến bộ rồi. Mong sao Hữu thực hiện được lời hứa của mình, trở thành người có ích cho xã hội để trí thông minh vốn có của anh ta không bị bỏ phí.
Theo Công lý