Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Bị tạm giữ bằng lái vẫn được điều khiển xe

03/10/2012 07:34
Theo quy định mới, khi bị tạm giữ giấy tờ xe, người vi phạm luật giao thông chỉ bị xử phạt về việc chạy xe không có giấy tờ nếu quá hẹn không đi nộp phạt.
Lưu ý này được nêu rõ trong Nghị định 71/2012 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010) sẽ có hiệu lực từ ngày 10-11. Cụ thể, khoản 2 Điều 15 Nghị định 71 quy định: “Để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định...

Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ”.

Theo Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT (đơn vị tham gia soạn thảo Nghị định 71), khi các cá nhân vi phạm luật giao thông thì cơ quan chức năng có thể tạm giữ các giấy tờ như giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe (GPLX)… để bảo đảm việc thu tiền phạt. Trong thời gian bị tạm giữ các giấy tờ này, tài xế vẫn được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Chỉ khi nào quá thời hạn ghi trong biên bản mà tài xế chưa đến để nộp phạt và vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện thì mới bị phạt về lỗi không có giấy tờ xe.

Bị tạm giữ bằng lái vẫn được điều khiển xe ảnh 1

Tài xế vẫn được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian bị tạm giữ các giấy tờ khi chưa hết hạn nộp phạt. Ảnh: HTD

“Giả sử anh vi phạm giao thông vào ngày 1-10 và bị CSGT giữ lại bằng lái cho đến ngày 10-10 để bảo đảm việc xử phạt. Như thế, từ ngày 1 đến ngày 10 anh vẫn được phép chạy xe mà không bị xử phạt lỗi không có bằng lái. Nhưng nếu sang ngày thứ 11 mà anh chưa đến nộp phạt để lấy lại giấy tờ thì khi tham gia giao thông anh sẽ bị phạt lỗi không có bằng lái” - ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, giải thích thêm.

Từng có tranh cãi do quy định không rõ

Báo Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài viết phản ánh các ý kiến khác nhau xung quanh quyền điều khiển xe của người vi phạm giao thông bị tạm giữ bằng lái để đảm bảo việc nộp phạt. Các bài viết này xuất phát từ một vụ cụ thể ở Quảng Ngãi: Sau khi bị lập biên bản vi phạm “chở quá số người” và bị tạm giữ GPLX thì tài xế tiếp tục chạy và gây ra tai nạn. Công ty bảo hiểm từ chối thanh toán viện lẽ vào thời điểm xảy ra tổn thất, người điều khiển xe không xuất trình được GPLX hợp lệ. Lý do này không được chủ xe chấp thuận viện lẽ tại thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế chỉ bị tạm giữ GPLX để CSGT giải quyết việc vi phạm giao thông chứ không phải không có GPLX hay bị tước GPLX.

Do Nghị định 34/2010 và nhiều văn bản liên quan không đề cập đến việc này nên có cơ quan nói tài xế trên đúng, có cơ quan nói tài xế trên sai. Đơn cử, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng “khi người lái xe bị cơ quan thẩm quyền tạm giữ GPLX nhưng vẫn điều khiển phương tiện trong tình trạng không có GPLX là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ”. Trong khi đó, Công an huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) thì cho rằng người lái xe vẫn được quyền điều khiển phương tiện…

Không phạt khi chờ ra quyết định

Theo chúng tôi, về nguyên tắc, khi bị tạm giữ GPLX để đảm bảo việc nộp phạt thì tài xế không được lái xe. Tuy nhiên, trước giờ chúng tôi vẫn có sự du di để tài xế được điều khiển xe trong thời gian chờ nộp phạt. Tới đây, với Nghị định 71/2012 chúng tôi sẽ có cơ sở pháp lý để không phạt những người thuộc trường hợp nêu trên về lỗi không có GPLX.

Một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Đồng Nai

DUY ĐÔNG ghi

Sẽ nghiên cứu thêm Nghị định 71

Khi thực hiện Nghị định 34/2010, chúng tôi không cho phép người bị tạm giữ GPLX được điều khiển các loại xe cơ giới cho đến khi nộp phạt xong. Lực lượng tuần tra, kiểm soát chỉ chấp nhận cho họ xuất trình biên bản vi phạm để điều khiển xe từ nơi vi phạm về nhà ở hoặc cơ quan. Trường hợp phát hiện họ vẫn tiếp tục điều khiển xe sau đó thì lực lượng tuần tra, kiểm soát sẽ lập biên bản xử lý lỗi điều khiển phương tiện không có GPLX.

Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu Nghị định 71/2012 để triển khai thực hiện vào tháng 11. Tạm thời chúng tôi chưa có ý kiến về việc tới đây trong thời gian bị tạm giữ GPLX tài xế có được sử dụng biên bản vi phạm để điều khiển xe hay không.

Đại tá TRẦN HOÀI BẢO, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Tiền Giang

HÙNG ANH ghi

THÀNH VĂN/Pháp luật TPHCM