Nghẹn ngào cảnh hai chị em ruột mắc tan máu bẩm sinh

03/10/2012 16:13
Thu Hòe
(GDVN) - Đến Viện Huyết học  – Truyền máu Trung ương, không ai không biết đến hai chị em ruột Nguyễn Thu Phương và Nguyễn Hoàng Anh bởi bệnh tình trầm trọng và hoàn cảnh vô cùng đáng thương của hai bé.
Đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, không một ai không biết đến hai chị em Nguyễn Thu Phương và Nguyễn Hoàng Anh bởi bệnh tình trầm trọng và hoàn cảnh vô cùng đáng thương của hai bé. Phương và Anh cùng mắc phải căn bệnh tan máu bẩm sinh từ lúc mới chào đời, phải nằm viện trường kì và có thể sẽ ra đi bất cứ lúc nào…

Hai chị em Thu Phương và Hoàng Anh tại phòng viện 602
Hai chị em Thu Phương và Hoàng Anh tại phòng viện 602

Chúng tôi gặp hai chị em Thu Phương và Hoàng Anh tại phòng bệnh 602, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vào một buổi chiều thu se lạnh của Hà Nội. Thu Phương năm nay 16 tuổi nhưng chỉ nhỉn hơn đứa trẻ lên 10 chút xíu. Khuôn mặt em lúc nào cùng buồn rười rượi, xanh xao, nhợt nhạt, yếu ớt không chút sức sống. 16 tuổi lẽ ra Thu Phương đã trở thành một thiếu nữ duyên dáng, trẻ trung đầy khao khát và mơ ước như bao bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng, căn bệnh tan máu bẩm sinh quái ác đã cướp đi của em cái quyền trở thành thiếu nữ, cướp đi sự trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ… và cản trở những ước mơ, dự định tương lai của em.

Bé Nguyễn Hoàng Anh, 8 tuổi đang ngồi mệt mỏi, khép mình trong lòng mẹ hướng ánh mắt nhìn vị khách lạ. Hoàng Anh là con trai út trong nhà. Cũng giống với chị gái Thu Phương, Hoàng Anh từ lúc sinh ra đã mắc phải căn bệnh tan máu bẩm sinh. 4 tuổi, em bắt đầu phải ở viện nhiều hơn ở nhà, uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Nhìn cậu bé với khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, ngoan ngoãn không ai nghĩ em lại đang mang trong mình một căn bệnh quái ác đến thế. 

Một tay ôm cậu con trai bé bỏng vào lòng, một tay vuốt ve mái tóc của con gái, chị Vũ Thị Vui kể về tình trạng bệnh tật của hai đứa con và hoàn cảnh khốn khó của gia đình mà nước mắt không ngừng rơi.

“Từ khi sinh ra Thu Phương và Hoàng Anh đã rất yếu. Các cháu hay sốt, da xanh, ăn bao nhiêu cũng không béo, khỏe lên được. Lúc đó, gia đình cũng chỉ nghĩ đơn thuần là các cháu bị suy nhược cơ thể do thiếu dinh dưỡng nên không đưa đi thăm khám ở bệnh viện nào. Mãi đến năm 2008, tình trạng sức khỏe của hai cháu ngày càng có những dấu hiệu bất thường hơn, vợ chồng tôi mới đưa cả hai cháu đi khám ở bệnh viện huyện. Tại đây các bác sỹ kết luận cả hai chị em bị bệnh tan máu bẩm sinh và ngay lập tức được điều chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Thu Phương nhập Bệnh viện Bạch Mai còn Hoàng Anh thì nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Hai vợ chồng tôi phải cắt cử nhau chăm con và chạy đi chạy lại ở hai bệnh viện…”, chị Vui nghẹn ngào nói.

Mẹ Vui biết bao lần ôm hai con rồi òa khóc
Mẹ Vui biết bao lần ôm hai con rồi òa khóc

Kể từ khi phát hiện bệnh, tháng nào 4 vợ chồng con cái cô Vui cũng phải tay xách nách mang khăn khói đưa con lên Hà Nội chữa bệnh. Năm 2010, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được thành lập, hai chị em Thu Phương và Hoàng Anh mới được nằm điều trị chung ở một  bệnh viện. Anh Nguyễn Văn Thục, bố của hai em cũng thu xếp được thời gian để về chăm nom đồng ruộng và đi làm thuê làm mướn kiếm tiền chạy chữa cho hai con...
Nhớ lại cái ngày nhận được tin hai đứa con cùng mắc phải căn bệnh tan máu bẩm sinh quái ác, chị Vui giọng run run: “Lúc đó dường như trời đất sụp đổ trước mặt. Chồng tôi ngã quỵ ngay tại bệnh viện. Đưa con lên Hà Nội mà anh không thể lê nổi bước chân, mọi người phải dìu lên ô tô. Cùng lúc cả hai đứa con rứt ruột đẻ ra cùng bị bệnh hiểm nghèo lòng dạ bố mẹ nào chịu đựng nổi. Tôi thì chỉ biết khóc. Cứ nhìn thấy con là ruột gan như đứt từng khúc, từng đoạn…”

Gần 5 năm nay, tháng nào hai chị em Thu Phương và Hoàng Anh cũng phải nhập viện điều trị. Mỗi lần nhập viện, chưa tính viện phí, tiền thuốc, chi phí cho ăn uống, đi lại cũng mất cả chục triệu đồng. Nhiều lần đưa 2 con nhập viện, vợ chồng chị  Vui phải chạy long tóc gáy mới vay mượn được vài triệu đồng đưa con đi. Những chi phí sau đó lại phải lần mò vay mượn chỗ nọ đập chỗ kia dần dần. 

Kể về hoàn cảnh gia đình mình, chị Vui nói trong hai hàng nước mắt: “Cả gia đình 7 miệng ăn nhưng chỉ chòng chọc trông vào mấy xào ruộng khoán. Nhà lại có bố mẹ già đã gần đất xa trời, 3 đứa con thì hai đứa ốm đau, quặt quẹo quanh năm. Hai vợ chồng tôi ngoài làm ruộng và chăn nuôi ra không có bất cứ một nghề phụ nào khác. Lúc nông nhàn, chồng tôi thường theo người ta đi làm phụ hồ. Trong làng, ai thuê gì anh cũng làm. Từ khi phát hiện hai con bị bệnh, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ đi. Vay ngân hàng nhiều quá, giờ Nhà nước không cho vay nữa… Nhiều khi thấy cuộc sống bế tắc và bị dồn đến chân tường.”

Ngồi bên cạnh thấy mẹ khóc, Thu Phương cũng nước mắt ngắn dài: “Cháu thương bố mẹ lắm! Cháu biết bố mẹ không có tiền nhưng vẫn cố gắng đi vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho hai chị em cháu. Nhiều đêm cháu tỉnh giấc thấy mẹ đang ngồi khóc một mình. Cháu chỉ mong mình nhanh khỏi bệnh để bố mẹ không phải vất vả như thế nữa… Nếu phải lựa chọn 1 trong hai chị em được khỏi bệnh, cháu sẽ nhường cho em Hoàng Anh được khỏi bệnh. Em Hoàng Anh là con trai duy nhất trong nhà…” 

Ôm cả hai con vào lòng, chị Vui nghẹn ngào: “Cứ đi ra đường nhìn thấy con cái người ta khỏe mạnh, đi học bình thường mà xót con như bị ai cào cấu ruột gan. Lúc đó chỉ mong có một phép màu nào đó xuất hiện để 2 con được khỏe mạnh trở lại. Cứ nghĩ đến câu nói của Hoàng Anh khi cháu mới 4 tuổi “Mẹ ơi! Con muốn sống để nuôi bố mẹ lắm! Nhưng con bị bệnh, nếu không khỏi và chết trước thì không nuôi được bố mẹ…” mà không sao ngăn được nước mắt.

''Dù không có, dù có phải còng lưng kiếm tiền, vợ chồng tôi vẫn quyết tâm chạy chữa cho hai con. Chúng là nấm ruột của mình, là cuộc sống, là tương lai của bố mẹ… Mong ước lớn nhất của vợ chồng tôi chỉ là 2 con được khỏi bệnh và sống khỏe mạnh bên bố mẹ. Hai con cố gắng ăn khỏe để nhanh khỏi bệnh. Bố mẹ lúc nào cũng ở bên các con.”

1. Chị Vũ Thị Vui
Địa chỉ: Phòng bệnh 602, Tầng 6, Viện Huyết học Truyền máu Trung Ương

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam 
- Địa chỉ: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
- ĐT: 04.6261.0666 – 04.6261.0888
 
3. Qua Ngân hàng
- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy.
- Swift Code: VBAAVNVX
- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn 


Thu Hòe