“Mẹ làm thân trâu, thân ngựa cũng không để các con nghỉ học”

09/10/2012 06:48
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - “Đời mẹ khổ, mẹ chấp nhận. Mẹ sinh ra các con, mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy các con ăn học đàng hoàng. Mẹ sẽ không để bất cứ cái khổ nào ảnh hưởng đến việc học của các con. Dù mẹ có phải còng lưng đi làm thuê, làm thân trâu, thân ngựa mẹ cũng cố gắng kiếm tiền cho các con đi học. Nên mẹ xin các con chịu khổ, chịu đói cùng mẹ và thương lấy mẹ mà học cho giỏi”.
Nghị lực của cô bé mồ côi, nhà nghèo.

Nguyễn Thị Thu Dung, cô bé có dáng người nhỏ bé đến từ Kỳ Anh - Hà Tĩnh là tân sinh viên lớp Báo in - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Dung mồ côi cha từ nhỏ, lại là chị cả trong gia đình có ba chị em nên vốn tính tự lập. Mặc dù ở nông thôn, nhưng gia đình em lại không có lấy một mảnh vườn, khoảnh ruộng. Tất cả số tiền chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào công mẹ vất vả làm thuê kiếm được. Cuộc sống trăm bề khó khăn.

Tân SV HV Báo chí và Tuyên truyền mơ ước học giỏi để hoát nghèo. (Ảnh: Đỗ Quyên Quyên)
Tân SV HV Báo chí và Tuyên truyền mơ ước học giỏi để hoát nghèo. (Ảnh: Đỗ Quyên Quyên)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Công việc của mẹ Dung rất nặng nhọc, không ổn định, nhất là vào những ngày mưa không có việc làm. Những đồng lương còm cõi không nuôi nổi gia đình Dung. Sức khỏe của mẹ Dung không được tốt, lại thường xuyên làm việc nặng nên đêm về, khi trái gió trở trời mẹ thường đau lưng, nhức đầu. Thế nhưng, mẹ vẫn không dám đi khám bệnh vì sợ chi phí đắt đỏ. Nhà nghèo, để có tiền đi học, bốn mẹ con phải thắt chặt tối đa tiền chi tiêu. Bữa cơm hàng ngày không dám ăn thịt, chỉ có duy nhất một bát cà muối, nước mắm hoặc một bát canh suông. Ăn bữa sáng là xa xỉ. Đầu năm học mới, tết đến chị em Dung cũng không được diện quần áo mới mà chỉ xin quần áo cũ để mặc.
Dung còn nhớ, ngày học cấp II, khi em phải học xa nhà, mẹ đã nhường chiếc xe đạp duy nhất trong gia đình cho em đi. Còn mẹ phải đi bộ gần 4 km để đến nơi làm việc. Sau đó, mẹ đã bán đôi khuyên tai vàng của bà ngoại tặng mẹ ngày đi lấy chồng, kỷ vật mẹ vẫn coi là quý giá nhất để mua thêm một chiếc xe đạp.
Thương mẹ, thương các em, Dung muốn nghỉ học để phụ giúp gia đình, nhưng khi đó mẹ chỉ khóc và nói: “Đời mẹ khổ, mẹ chấp nhận. Mẹ sinh ra các con, mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy các con ăn học đàng hoàng. Mẹ sẽ không để bất cứ cái khổ nào ảnh hưởng đến việc học của các con. Dù mẹ có phải còng lưng đi làm thuê, làm thân trâu, thân ngựa mẹ cũng cố gắng kiếm tiền cho các con đi học. Nên mẹ xin các con chịu khổ, chịu đói cùng mẹ và thương lấy mẹ mà học cho giỏi”.

Học giỏi để thoát nghèo

Nhớ lời mẹ dặn, Dung luôn cố gắng chăm chỉ học tập. Nhiều năm liền em được tuyên dương, khen thưởng. Năm học lớp 12, Dung đoạt giải nhì kỳ thi HSG tỉnh môn lịch sử. Đây cũng là môn học Dung yêu thích nhất. Ước mơ của Dung sau này là trở thành cô giáo dạy sử. Nhưng do điều kiện xin việc sau khi ra trường khó khăn nên Dung quyết định thi vào HV Báo Chí và Tuyên truyền. Trong kỳ thi này Dung xuất sắc đoạt 24 điểm, khối C.

Nỗi buồn lo lấn át nềm vui khi Dung nghĩ đến số tiền đóng học phí, trang trải cuộc sống sinh viên. Dung cho biết, trước đó, dự định của Dung thi Đại học chỉ là để biết năng lực của bản thân. Bởi Dung xác định hoàn cảnh gia đình của em rất khó khăn, học Đại học là một điều không thể.

Số tiền lương mỗi tháng mẹ Dung nhận được chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng. Trong khi đó dưới Dung còn hai em đang học. Tổng số tiền của ba chị em nhập học là 5 triệu đồng, gấp 5 lần tháng lương của mẹ. Dung tâm sự: "Em gái thứ hai học rất giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em bị suy dinh dưỡng, người gầy còm, ốm yếu. Em học xa, ở nhà em gái phải lo mọi chuyện, thương lắm".

Không đồng ý với quyết định nghỉ học của Dung, mẹ khuyên bảo em nên đi học để thoát nghèo, có cuộc sống tốt đẹp. Cô gái nhỏ xách ba lô lên Hà Nội mà lòng nặng trĩu, số tiền ít ỏi em mang theo nhập học hoàn toàn là do vay mượn từ hàng xóm.  Gặp Dung ở KTX HV Báo chí và Tuyên truyền, vừa nói chuyện với tôi, Dung vừa khóc. Dung dự định một năm sẽ về quê hai lần, vào dịp tết và nghỉ hè cho đỡ tốn chi phí. Nhiều lần nhớ mẹ và em vẫn không dám gọi điện về vì khi đó hai mẹ con chỉ biết khóc mà thôi. Thời gian hiện tại Dung sẽ cố gắng học tập, luyện nói giọng miền Bắc để dễ hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Sau đó, Dung sẽ đi làm thêm để trang trải cuộc sống, bởi ước mơ lớn nhất của mẹ em là nhìn thấy những đứa con thành đạt.
Đỗ Quyên Quyên