Nước mắt mặn chát nơi cửa khẩu do thương lái TQ ép giá

31/07/2011 23:51
(GDVN) – Có mặt tại cửa khẩu Lạng Sơn, tận mắt nhìn thương lái TQ chọn từng thùng hàng, mới thấy hết nỗi khó nhọc và nước mắt mặn chát của những người dân Việt.

(GDVN) – Có mặt tại cửa khẩu Lạng Sơn, tận mắt nhìn thương lái Trung Quốc đang chọn từng thùng hàng, rồi trả giá, kỳ kèo bớt một thêm hai mới thấy hết được nỗi khó nhọc và nước mắt mặn chát của những người dân Việt.

>> Thương lái TQ vét cạn sản vật rừng, cả làng 20 năm ăn đong gạo

Những ngày qua, lượng xe chở hoa quả đổ về Lạng Sơn ngày càng tăng, xếp hàng dài nơi cửa khẩu Tân Thanh. Hàng nghìn tấn nông sản có thể phải đổ bỏ. Tình trạng tắc nghẽn nông sản từ nhiều năm trước vẫn tái diễn, không ít tư thương Việt vẫn khóc ròng khi bị ép giá nơi cửa khẩu.

Mỏi mắt chờ thông quan

Cửa khẩu Tân Thanh những ngày tháng 7/2011, cả trăm chiếc xe tải chở nông sản phủ kín bạt trong bến đang đậu kiểm hàng, đợi lệnh xuất phát sang chợ Pò Chài (Trung Quốc). Hầu hết các xe hàng này đều không có hợp đồng mua bán từ trước, chỉ khi hàng sang tới chợ Pò Chài, chủ hàng mới tất tả đi tìm mối bán.

Còn trên những tuyến phố ở thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc), xe chở vải thiều của Việt Nam đỗ la liệt, thương nhân Trung Quốc tha hồ mặc cả. Đặc biệt, cứ tới mùa thu hoạch dưa hấu, mỗi ngày ước tính lại có khoảng 200 - 300 xe chở dưa, xấp xỉ 20 tấn/xe từ các nơi đổ về cửa khẩu Tân Thanh để xuất khẩu sang Trung Quốc gây nên tình trạng ách tắc. Hiện tượng này đã lặp đi, lặp lại nhiều năm nhưng tới nay vẫn chưa có giải pháp nào khắc phục.

a
Xe chở hàng nằm dài ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Ảnh:TTX)

Vào đầu năm 2011, chứng kiến cảnh trên 300 xe ô tô chở hàng trăm tấn hàng nông sản xuất khẩu bị ùn tắc, người dân đứng ngồi không yên tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Tới đầu tháng 4/2011, vẫn còn trên 400 xe ôtô trọng tải lớn vận chuyển hoa quả từ nhiều vùng miền trong nước phải nằm chờ bên đường, kéo dài gần 3km.

Ông Nguyễn Vượng, Chi cục Trưởng Chi cục Hải Quan Tân Thanh, đã cho biết: Trong số lượng xe bị ách tắc chờ thông quan, có khoảng 80% số xe là vận chuyển các loại hàng hoa quả như thanh long, dưa đỏ, nhãn, chuối xanh...

Một trong những nguyên nhân dẫn tới hàng bị ách tắc do lực lượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ thực vật đối với các mặt hàng nông sản có xuất xứ từ Việt Nam đang nhập khẩu qua cửa khẩu khu vực Pò Chài (Bằng Tường, Trung Quốc); hoặc do chủ hàng Trung Quốc quyết định mua số lượng hàng hoa quả trong ngày.

Từ thực trạng này, việc buôn bán tự phát nên dẫn đến bị ép giá, hàng bán chậm. Thêm vào đó, khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh đã nhiều năm đánh mất cơ hội vàng bởi hàng trăm xe ôtô hàng hóa xuất và nhập của Việt Nam đều phải sang khu Pò Chài để thực hiện trao đổi hàng hóa; mọi khoản thu lệ phí xuất nhập khẩu, dịch vụ kiểm dịch, bốc xếp hàng hóa... đều do lao động Trung Quốc đảm nhận và thu lợi từ dịch vụ biên mậu.

Xót ruột cảnh "may nhờ, rủi chịu"

Nói về công việc đem hàng nông sản đi bán qua cửa khẩu, anh Nguyễn Trọng Hữu - một tư thương có nhiều năm buôn vải thiều từ Bắc Giang sang Trung Quốc, nhận xét: Nó chẳng khác gì cảnh “đem ngan, đem gà ra chợ huyện bán vậy. May nhờ, rủi chịu”.

Cùng quan điểm trên, bà Lê Thanh Ngọc - giám đốc một công ty ở tỉnh Bình Thuận, người đã có thâm niên 10 năm thu mua thanh long rồi tổ chức xe đưa ra cửa khẩu biên giới Tân Thanh (Lạng Sơn) cũng cho rằng: “Bán tiểu ngạch hên xui lắm. Được chợ thì đắt giá, ế sẽ bị ép. Nhưng phải chịu, vì mình phải tìm cách để bán được hàng cho nhà vườn, tạo công ăn việc làm cho công nhân, tài xế... Chứ không đóng xe, thanh long nằm lại nhà vườn không tiêu thụ hết, công nhân mất việc”, bà Ngọc than thở.

Sợ thối, chủ hàng phải dỡ dưa hấu chất đống bên lề đường tại cửa khẩu Tân Thanh.

 Sợ thối, chủ hàng phải dỡ dưa hấu chất đống bên lề đường tại
cửa khẩu Tân Thanh.

Có mặt tại cửa khẩu Lạng Sơn, tận mắt nhìn thương nhân Trung Quốc đang chọn từng thùng hàng, rồi trả giá, kỳ kèo bớt một thêm hai mới thấy hết được nỗi khó nhọc và nước mắt mặn chát của những người dân Việt.

Ông Trần Mạnh Tiến, một tư thương 51 tuổi, quê ở Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) thở dài: “Gặp dịp xe hàng sang nhiều, họ chê ỏng chê eo, thậm chí đồng loạt ngưng mua hoặc mua vào nhỏ giọt để ép giá. Lắm hôm, giá mỗi kg vải thiều được tư thương Trung Quốc trả chỉ bằng với giá vải thu mua tại Bắc Giang. Cầm chắc lỗ, nhưng vẫn phải bán. Vì nếu đánh ngược về vải hỏng nhiều, lỗ càng thêm lỗ”, ông Tiến nói.

Thêm vào đó, cảnh tư thương cùng tài xế nằm dài trên chiếc container chờ ngày bán đã không còn quá hiếm hoi tại các cửa ngõ thu mua.

Anh Vũ Tiến Thanh, một thương lái thu mua thanh long xuất khẩu, quê Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) cho hay: Anh cùng tài xế container nằm tại đây đã hai hôm rồi nhưng thương lái Trung Quốc vẫn bảo phải chờ vì họ chưa bán hết hàng. Theo anh Thanh, vài ba chuyến đầu thương nhân Trung Quốc tính giá thu mua và thanh toán tiền một lần ngay sau khi cân thanh long. Tới các chuyến tiếp theo, phía thương lái Trung Quốc nói buôn bán lâu dài nên tin nhau và cho họ nợ tiền gối đầu tới chuyến sau sẽ trả. Và cũng đã có chuyến sau viện cớ hàng bị hư hỏng nhiều nên khi trả tiền lại bớt đầu, bớt đuôi.

Với khuôn mặt mệt mỏi, anh Tuấn – lái xe chở dưa hấu, sau nhiều đêm thức trắng bảo vệ hàng than thở: "Đoàn xe của chúng tôi chở dưa từ Bình Định ra đến đây đã 5 ngày. Tình hình này, ít nhất cũng phải vài ngày nữa may ra mới đến lượt xe sang Trung Quốc giao hàng". Lật tấm bạt đậy thùng xe chất đầy dưa hấu, Tuấn cho biết: "Mấy ngày nay, trời đổ mưa, dưa hấu ủ trong rơm lại phủ kín bạt nên đã bắt đầu thối. Vài ba ngày nữa mà không xuất được thì cả xe dưa gần 20 tấn này chỉ còn nước đổ bỏ".

Trong khi đó, theo một tư thương chuyên lấy hàng Trung Quốc về bán tại các chợ đầu mối ở Hà Nội lại cho biết: Các doanh nghiệp, thương lái phía Trung Quốc điều tiết lượng hàng tiêu thụ tương đối hài hòa, nên phía chợ đường biên của họ ít khi gặp phải tình trạng hoa quả, nông sản phải chờ đợi vài ba ngày trời để tiêu thụ như ở ta.

Không những thế, “tại chợ Pò Chài, nơi mà các tư thương người Việt vẫn thường qua đánh hàng, hoa quả xuất đi đều được các thương lái, các doanh nghiệp thực hiện khá đầy đủ các thủ tục về bao bì, tem, mác xuất xứ của sản phẩm. Nên phần nhiều đã khiến người mua yên tâm và khó mà trả giá rẻ như các “chiêu bài” của thương lái Trung Quốc áp dụng khi mua hàng của ta”.

Đau lòng điệp khúc “hàng thừa”, vì đâu?

Có thể thấy, tình trạng ách tắc nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh đã phần nào đó thể hiện năng lực dự báo của các cơ quan quản lý nhà nước chúng ta còn kém. Lẽ ra, phải có quy hoạch trồng cây gì, nuôi con gì trên diện tích bao nhiêu là thích hợp. Thực tế, người nông dân chỉ biết sản xuất chứ không thể cân đối, dự báo được nhu cầu thị trường.

a
Nông dân không nên chạy theo phong trào.
Mặt khác, cũng phải thấy rằng, một phần lỗi thuộc về nông dân do nóng vội, không nắm bắt đầy đủ thông tin, chưa nghiêm chỉnh thực hiện sản xuất theo quy hoạch. Trong tổ chức sản xuất, họ cũng chủ yếu là làm theo kinh nghiệm, chỉ lo chạy theo giá bán mà chưa biết tận dụng, khai thác lợi thế riêng trong việc chuyển đổi, cân đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều nơi, nông dân thiếu đầu tư chiều sâu cho khâu chế biến, bảo quản, để sản phẩm làm ra có chất lượng cao hơn, đủ sức cạnh tranh và tránh được điệp khúc "hàng thừa".
Sự việc hàng nghìn tấn nông sản đang ứ đọng tại cửa khẩu Tân Thanh có khả năng trở thành phế thải lại một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh về lối làm ăn tự phát theo phong trào của người nông dân.

Trước “thảm cảnh” hàng ùn, cửa khẩu tắc, ngoài đề xuất sớm được hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở khu vực cửa khẩu, Hải quan Lạng Sơn đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này.

Ở cấp quản lý, các bộ ngành có liên quan cần có sự phối hợp với các tỉnh có mặt hàng hoa quả xuất khẩu số lượng lớn như dưa hấu, thanh long, vải, na… để có kế hoạch xuất hàng theo các hợp đồng thương mại lớn, có sự điều tiết vào thời điểm thu hoạch rộ; có sự phối hợp, hoạch định chính sách thương mại lâu dài với phía Trung Quốc và kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nắm được những chính sách giữa hai bên khi có sự thay đổi hoặc diễn biến cụ thể của thị trường hàng hóa.

Về lâu dài, hoạt động xuất khẩu mặt hàng hoa quả tươi sang Trung Quốc cần có một Hiệp hội đứng ra để điều tiết, giải quyết thủ tục xuất khẩu theo hợp đồng ngoại thương, hướng dẫn doanh nghiệp tìm đối tác ký hợp đồng trước khi vận chuyển hàng hoá lên biên giới; tiến tới hàng hóa cần được phân loại, bảo quản, đóng gói, có nhãn mác, bao bì để bảo vệ thương hiệu…

Xem lại những hình ảnh người dân khóc ròng chờ xuất dưa hấu sang Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán 2011:

 

Nên tìm thêm nhiều thị trường

TS.Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: Dù xuất khẩu nông sản của ta sang Trung Quốc có tăng nhưng cũng nên cân nhắc lại việc xuất đi bao nhiêu là đủ, giá cả thế nào để có lợi cho dân cũng cần tính toán. Nếu thấy cầu lớn, mình xuất nông sản đi ồ ạt thì cũng là điều không thuận lợi cho dân.

Hiện nay nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước láng giềng rất nhiều. Đơn cử như trái thanh long xuất sang Trung Quốc đến 80%. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ dừng lại một thị trường. Điều này không có lợi cho doanh nghiệp vì hay bị ép giá. Chúng ta nên có nhiều thị trường mới hơn.


Khởi Sự (Tổng hợp)

Tin bài liên quan:

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ: Điêu đứng "độc chiêu" phá giá

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ khiến dân Việt Nam điêu đứng

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ: Hành động nhỏ, “dụng ý” lớn?

>>T S.Nguyễn Minh Phong bày chiêu đối phó “bẫy” thu mua của TQ

>> Bà Phạm Chi Lan “bắt mạch” những “ngón đòn hiểm ác” của thương lái TQ

alt