Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Chỉ thị không mời cưới quá 300 người: Về cơ bản, người dân ủng hộ

09/10/2012 16:21
Tuệ Minh
(GDVN) - Chiều 9/10, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo. Đại diện Thành ủy Hà Nội khẳng định chỉ thị về số lượng khách mời dự tiệc cưới không quá 300 người là không mới.
Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc thực hiện chỉ thị số 11 ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu: “Chỉ thị này không phải là mới. Cách đây 14 năm, Hà Nội đã ban hành một Chỉ thị 34 ngày 26/3/1998 cũng về vấn đề này”. 

Ông Long khẳng định: “Dù có những phản ứng nhưng chỉ thị 11 này nhắm trước hết là vào đối tượng cán bộ là Đảng viên. Với các tầng lớp nhân dân thì tuyên truyền vận động. Nhiều địa phương quy định còn “rắn” hơn Hà Nội. Ví dụ như ở Hà Tĩnh quy định cấm uống rượu buổi trưa, ở Kontum không được uống rượu trong giờ làm việc… Mỗi địa phương có một đặc thù khác nhau. Ở Hà Nội trong thời gian tới sẽ có những đám cưới mẫu. Về cơ bản người dân ủng hộ chỉ thị này của Thành ủy Hà Nội”.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 3/10, Thành ủy Hà Nội đã ra chỉ thị số 11 – CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội TP thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), cùng với việc đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đã đạt được những kết quả nhất định. 
Thành ủy cho rằng, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về việc thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới đã được nâng lên đáng kể. Trong đó, có những địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả, như quận Hà Đông, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một bộ phận nhân dân và cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp không gương mẫu, vẫn tổ chức cưới linh đình, phô trương, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cán bộ, đảng viên và nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Theo Thành ủy lý giải, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu còn nặng nề, song chủ yếu là do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Cùng với đó là việc thực hiện không kiên quyết, thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên; thiếu chế tài xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp; chưa tạo được dư luận mạnh mẽ, phê phán các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức việc cưới... 
Chỉ thị nêu rõ: Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của TP phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tổ chức cưới cho con, hay bản thân, thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần “vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”.

Số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người). Đồng thời, không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc. Không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp... TP khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc cưới.
Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị cán bộ, đảng viên thuộc các Đảng bộ, các cơ quan Trung ương trên địa bàn TP hưởng ứng, gương mẫu thực hiện tổ chức cưới theo tinh thần trên. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của TP xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức tuyên truyền, quán triệt để đảng viên gương mẫu và nghiêm túc thực hiện; vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.

Đặc biệt, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội liên hiệp Thanh niên TP cần làm tốt công tác tuyên truyền, động viên tuổi trẻ xung kích đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị. Cần biểu dương kịp thời những điển hình thực hiện tốt việc cưới văn minh, tiến bộ; phê phán những biểu hiện phô trương, tốn kém, trái với thuần phong mỹ tục cũng như việc lợi dụng tổ chức cưới để trục lợi…


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Tuệ Minh