Lịch sử thăng trầm của họ tên lửa huyền thoại Scud (kỳ 1)

15/10/2012 10:34
Theo Đất Việt
Trước khi nổi tiếng thế giới, Scud phải trải qua thời gian dài hoàn thiện. Đã có nhiều mẫu nghiên cứu của họ tên lửa này ít biết đến trong thời gian hơn 30 năm phát triển.
Trong lịch sử phát triển tên lửa đạn đạo thế giới, Scud là cái tên không thể bỏ qua. Đây là là loại tên lửa đạn đạo được dùng trong chiến tranh nhiều hơn bất kỳ loại tên lửa nào khác. Đồng thời, Scud cũng là “bệ phóng” chương trình tên lửa của nhiều quốc gia trên thế giới.

Kỳ 1: Thế hệ đầu 'im hơi lặng tiếng'

Trong tài liệu phương Tây, Scud là thiết kế bắt nguồn từ tên lửa đạn đạo của người Đức, V-2. Ý kiến này không hẳn sai, vì chương trình tên lửa Liên Xô và Mỹ đều bắt nguồn từ V-2.

Nguồn gốc từ V-2

Sau khi đánh bại phát xít Đức, trong năm 1945, Liên Xô gửi một đội chuyên gia tới thu thập công nghệ tiên tiến của Đức, gồm tên lửa V-2. Khi đó, đây là một loại vũ khí có độ chính xác kém nhưng chính khả năng vươn xa cùng với sức công phá mạnh đã “hút hồn” cả Mỹ và Liên Xô.

Tại Đức, các chuyên gia Liên Xô chỉ thu nhặt được một số chuyên viên kỹ thuật trong chương trình tên lửa V-2. Hầu hết những người cốt cán, như “cha đẻ” V-2 Von Braun được Mỹ "rước" đi từ trước.

Các nhân viên người Đức được vào làm việc tại Viện nghiên cứu tên lửa NII-88 (OKB-1) dưới sự lãnh đạo của Đại tá Sergei Korolev - người sau này đã đặt nền móng quan trọng cho công cuộc chinh phục không gian vũ trụ của Liên Xô.

Với những tài liệu được phục hồi cùng bộ phận rời tên lửa V-2, nhóm nghiên cứu Xô – Đức đã tái tạo các mẫu tên lửa V-2, đặt tên mới R-1 (tầm bắn 270km, lắp đầu đạn nặng 785kg).

Tên lửa đạn đạo đầu tiên do Liên Xô sản xuất, R-1 (Mỹ định danh là SS-1A).
Tên lửa đạn đạo đầu tiên do Liên Xô sản xuất, R-1 (Mỹ định danh là SS-1A).

Trong 11 lần bắn thử nghiệm năm 1947-1948, tên lửa R-1 đánh trúng mục tiêu 5 lần, tỉ lệ này được cho có thể chấp nhận được.

Scud thực ra là cái tên do NATO đặt định danh tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-11 và R-17 do Liên Xô sản xuất. Dù vậy, cái tên Scud dường như được dùng rộng rãi hơn nhiều so với cái tên “khai sinh” của loại tên lửa này.
Tuy nhiên, R-1 không bao giờ được đón nhận từ tướng lĩnh Quân đội Liên Xô do gặp vấn đề nhiên liệu động cơ (khó sản xuất, khó bảo quản) và độ chính xác kém (đây cũng là vấn đề đeo bám nhiều thế hệ Scud cho tới khi ngừng sản xuất).

Điều này đã thúc đẩy các nhà khoa học Liên Xô phát triển thế hệ tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu mới có độ tin cậy tốt hơn.

Một Scud ít tiếng tăm

Tháng 12/1951, Phòng thiết kế OKB-1 Korolev khởi động chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật mới sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng (phòng thiết kế OKB-2 Isayev sản xuất).

Ngày 18/4/1953, tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-11 (Mỹ định danh là SS-1B, NATO gọi là Scud A) được phóng thành công lần đầu tại trường bắn Kasputin Yar.

R-11 có chiều dài 10,7m, đường kính thân 0,88m, khối lượng phóng 4,4 tấn. R-11 trang bị động cơ nhiên liệu lỏng S2.253 (thành phần nhiên liệu gồm axit nitric AK-20F chọn làm chất oxy hóa, nhiên liệu là dầu hỏa T-1, thành phần phóng là TG-02 Tonka – chất này tự bốc cháy khi tiếp xúc với axit nitric). R-11 có tầm bắn tối đa 180km, tải trọng 950kg.

R-11 thiết kế 4 cánh lái Graphite ở loa phụt động cơ điều chỉnh hướng bay.  Do hạn chế công nghệ thời kỳ này, R-11 vẫn dùng hệ dẫn đường quán tính lạc hậu, thiếu chính xác, bán kính lệch mục tiêu (CEP) tới 3.000m.  Đạn tên lửa R-11 đặt trên khung bệ xe mang phóng 8U227 thiết kế trên khung gầm cơ sở xe bánh xích AT-T.

Nhìn chung, R-11 vẫn bị coi là thiếu tin cậy, hết vấn đề nhiên liệu phóng lại tới độ chính xác tồi tệ. Đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng gần 1 tấn của tên lửa chưa “bù đắp” được độ kém chính xác.

Tháng 8/1954, OKB-1 tiếp tục triển khai phát triển biến thể mang đầu đạn hạt nhân R-11M. Với đầu đạn hạt nhân, chỉ số CEP lớn có thể được bù đắp phần nào.

Sở dĩ, từ thiết kế R-1 và R-11, Liên Xô không sử dụng đầu đạn hạt nhân vì chúng quá to và nặng với phương tiện mang phóng.

Từ giữa những năm 1950, vũ khí hạt nhân ở mức hoàn thiện cao hơn, nhẹ hơn, nhỏ hơn nhưng sức công phá mạnh hơn. Vì vậy, việc mang nó vũ khí hạt nhân trên phương tiện mang phóng khả thi hơn.

Tên lửa đạn đạo R-11M trên xe phóng bánh xích 8U28.
Tên lửa đạn đạo R-11M trên xe phóng bánh xích 8U28.
Công việc thiết kế nhanh chóng hoàn thành và sản xuất các mẫu thử tại nhà máy No. 385 Zlatmst.

Từ tháng 12/1955 tới đầu 1958, Liên Xô tiến hành 27 cuộc thử R-11M chia làm 3 giai đoạn, trong đó có một lần thử với đầu đạn hạt nhân.

R-11M đạt tầm bắn tối đa 270km với đầu đạn thuốc nổ thông thường hoặc 150km với đầu đạn hạt nhân 50 kiloton. Đạn tên lửa R-11M đặt trên xe phóng 8U218 thiết kế trên khung gầm cơ sở xe pháo tự hành ISU-152.

Ngày 1/4/1958, R-11M chính thức được chấp nhận đưa vào phục vụ trong Quân đội Liên Xô. Trước đó, tháng 11/1957, R-11M vinh dự xuất hiện trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường đỏ.

Thời kỳ đầu, R-11/11M chủ yếu biên chế trong Lữ đoàn nằm dưới sự điều hành của Bộ Tổng Tham mưu và không bao giờ được xuất khẩu.

Có thể nói, trong gần 30 năm phát triển, thế hệ R-11/11M chỉ là cái bóng, không đóng vai trò gì. Mọi vinh quang của dòng tên lửa này dồn cho thế hệ sau này là R-17.

Tuy nhiên, với Quân đội Liên Xô, R-11/11M đã đem nền tảng vũ khí trên biển, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Nền tảng tên lửa phóng từ tàu ngầm

Tham vọng chế tạo tên lửa đạn đạo đặt trên tàu ngầm của Liên Xô bắt đầu từ năm 1947 với dự định phát triển biến thể V-2 phóng từ tàu ngầm nhưng dự án không bao giờ được thực hiện.

Tháng 1/1954, OKB-1 Korolev tái khởi động project Volna phát triển loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Thay vì nghiên cứu nền tảng mới, OKB-1 lựa chọn R-11M để cải tiến vì kích cỡ của nó phù hợp với không gian chật hẹp trên tàu ngầm.

Một vấn đề khó khăn thực hiện project Volna, đó là phương thức phóng tên lửa từ tàu ngầm. Lý tưởng nhất, R-11M được phóng khi tàu ngầm dưới còn ở dưới mặt nước, như vậy nó đảm bảo tàu không lộ diện trước thiết bị trinh sát trên mặt biển.

Nhưng điều này đặt ra thách thức lớn về công nghệ. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định hết được sự tương tác giữa tên lửa với môi trường nước sẽ như thế nào? Liệu tên lửa có bị áp lực nước nghiền nát? Động cơ tên lửa có thể đánh lửa dưới nước, nước có tràn vào trong động cơ?….

Hình họa mô phỏng phóng tên lửa đạn đạo R-11FM phóng từ tàu ngầm project 611AV lớp Zulu V.
Hình họa mô phỏng phóng tên lửa đạn đạo R-11FM phóng từ tàu ngầm project 611AV lớp Zulu V.

Cuối cùng, các nhà khoa học Liên Xô chọn giải phóng an toàn hơn, tên lửa đạn đạo được phóng khi tàu nổi. Cục thiết kế TsKB-34 phụ trách phát triển hệ thống phóng SM-49 để bắn tên lửa đạn đạo R-11FM (biến thể R-11M).

Về nền tảng bệ phóng, TsKB-16 lựa chọn cải tiến tàu ngầm tấn công điện – diesel project 611 lớp Zulu mang hệ thống SM-49. Ngày 16/9/1955, trên biển Trắng, tàu ngầm project 611 bắn thử thành công tên lửa đạn đạo chiến thuật R-11FM. Tiếp đó, 8 cuộc phóng khác lần lượt được thực hiện.

Dù các cuộc phóng thành công đầy hứa hẹn nhưng nhìn chung R-11FM mắc nhiều khiếm khuyết. Ví dụ, nhiên liệu động cơ thuộc là loại lỏng, chỉ được bảo quản trong vòng 3 tháng. Đồng thời, nhiên liệu lỏng không đáng tin cậy, dễ cháy nổ.

Bên cạnh đó, biến thể đất liền R-11M vốn dĩ có độ chính xác rất kém, R-11FM lại càng tồi tệ, bán kính lệch mục tiêu CEP tăng hơn gấp đôi, tới 7.000m. Cuối cùng, việc triển khai phóng R-11FM mất rất nhiều thời gian.

Hải quân Liên Xô hoàn toàn không muốn chấp nhận một loại vũ khí thiếu tin cậy, kém chính xác trong biên chế. Nhưng, lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Quốc phòng quyết tâm ủng hộ Project Volna. Cuối cùng, Hải quân phải chấp nhận đưa vào R-11FM trang bị.

Có tất cả 7 tàu ngầm project 611AV Zulu V được trang bị tên lửa R-11FM biên chế vào Hạm đội biển Bắc và Thái Bình Dương. Trong thời gian triển khai, có 77 tên lửa đạn đạo R-11FM được phóng trên biển, tỉ lệ thành công đạt 86%.

Dù không được đánh giá cao nhưng, R-11FM đã đặt nền móng cho quá trình phát triển tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm sau này của Hải quân Liên Xô và Nga ngày nay.

Theo Đất Việt