Văn hóa sử dụng xe buýt:

Lái xe buýt thâm niên, ai cũng "mắt đảo như rang lạc"

17/10/2012 14:01
Vũ Mai

(GDVN) - Xe tới đoạn “nút thắt cổ chai” Sơn Tây – Kim Mã, trong khi chúng tôi đầu căng như dây đàn vì quan sát đường phía trước thì nét mặt bác tài vẫn thản nhiên, chỉ riêng đôi mắt láo liên, nhìn bên này, ngó bên kia để quan sát.

Lái xe buýt, ai cũng "mắt đảo như rang lạc"

Đều như vắt chanh, hằng ngày phải vài lượt xe đầu căng như dây đàn vì chỉ biết lo làm sao để xe đi về bến an toàn, hành khách được an toàn trong giờ cao điểm luôn trong tình trạng quá tải. Đó là chưa kể tới việc người đi đường chen lấn, luồn lách mọi chỗ trống để nhích xe khiến cánh lái xe luôn phải đảo mắt liên hồi, toát mồ hôi hột... vì chỉ cần một sơ sẩy nhỏ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Giờ cao điểm, các tuyến xe buýt đều trong tình trạng quá tải, nhiều xe phải "gánh" tới 200 hành khách trong khi đăng kiểm là 80 khách. (Ảnh NP)
Giờ cao điểm, các tuyến xe buýt đều trong tình trạng quá tải, nhiều xe phải "gánh" tới 200 hành khách trong khi đăng kiểm là 80 khách. (Ảnh NP)

17h30, chúng tôi lên xe buýt tuyến 22 từ bến xe Long Biên đi Hà Đông. Khi xe xuất phát, hành khách chỉ có vài người nhưng chỉ sau khi rời khỏi bến tới điểm đón trả khách thứ 3 là xe đã không còn chỗ ngồi, nhiều người phải đứng. Giờ tan sở, các phương tiện bắt đầu đổ ra đường trở về nhà khiến mỗi lúc đường trở nên một đông hơn.

Qua cầu Chương Dương, xe bắt đầu nhích từng chút một vì đường quá đông, khách đã chật ních xe khiến chiếc xe 3 cửa phải nghiêng về bên phải. Thi thoảng, có những điểm, lái xe chỉ dám mở cửa sau cho khách xuống chứ không dám mở cửa trước vì hành khách đã đứng chật như nêm tới tận cửa trước.

Lái xe tên Đoàn chia sẻ, xe đã quá tải nên đành phải như vậy, chứ mở cửa trước thì hàng chục người lên xe sẽ không thể đi nổi. Nhiều lúc phải nói rất to rằng mọi người đi xe sau cho đỡ đông.

“Khách hay phàn nàn việc lái xe bỏ lọt khách, bỏ bến, dừng đón trả khách không vào điểm,… nguyên nhân cũng chỉ là vì khách quá đông. Nếu khách hiểu và thông cảm cho nhà xe còn đỡ, nhiều người không hiểu thì lại phản ánh.

Nhưng mọi người đâu biết, hầu hết hiện nay các xe dù mới được đưa vào khai thác sử dụng nhưng cũng rất nhanh chóng xuống cấp, thường xuyên phải bảo dưỡng, tu sửa, đại tu… chuyện bảo dưỡng máy và thay nhíp xe là thường xuyên” - phụ xe Nguyễn Đức Giang nói.

Cảnh tạt đầu xe, luồn lách vượt xe buýt của các phương tiện tham gia giao thông nhiều phen khiến lái xe và hành khách hú vía. (Ảnh NP)
Cảnh tạt đầu xe, luồn lách vượt xe buýt của các phương tiện tham gia giao thông nhiều phen khiến lái xe và hành khách hú vía. (Ảnh NP)

Xe tới đoạn “nút thắt cổ chai” Sơn Tây – Kim Mã, trong khi chúng tôi đầu cũng căng như dây đàn vì quan sát đường phía trước thì nét mặt bác tài vẫn thản nhiên, chỉ riêng đôi mắt láo liên, nhìn bên này, ngó bên kia để quan sát.

Tới đoạn rẽ sang đường Kim Mã, khi xe đang xi-nhan chuyển làn, bỗng 3 thanh niên đi hai chiếc xe máy lách từ phía sau lên, tạt ngang đầu xe để chen vào dòng phương tiện đông nghịt khiến bác tài phanh gấp làm tôi ngã dúi.

Tuyến 22 chưa hẳn đã là tuyến “nóng” nhất trong số các tuyến xe buýt trên địa bàn Hà Nội mà phải kể đến là tuyến 32 có lộ trình Nhổn – Giáp Bát, tuyến 34 từ Mỹ Đình đi Gia Lâm và ngược lại.

Đó là những tuyến buýt không phải giờ cao điểm cũng “nóng” và hành khách đi xe buýt như đi “hành xác” đúng nghĩa. Bởi những tuyến này chạy qua rất nhiều trường đại học, cao đẳng, lượng SV đi xe buýt rất đông.  

Lái xe đảo mắt như rang lạc. (Ảnh NP)
Lái xe đảo mắt như rang lạc. (Ảnh NP)

Tuyến 24 có lộ trình từ bến xe Lương Yên  qua Minh Khai - Trường Chinh – Láng - Cầu Giấy  được coi là tuyến “hóc” vì là tuyến xuyên tâm, đường chật hẹp, lại thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Lái xe Nguyễn Đức Hạnh chạy tuyến 24 cho biết, anh đã có hơn 8 năm kinh nghiệm lái xe buýt. Chuyện tắc đường, xe nhích từng gang tay là chuyện thường ngày anh phải trải qua. Nhiều khách thấy các anh nhìn ngang nhìn ngửa quan sát thường nói đùa “lái xe buýt mắt đảo như rang lạc ngắm gái xinh đi đường”

Nghịch lý khi giảm tần suất hoạt động của xe buýt

Hiện nay, nhu cầu đi lại bằng xe buýt ngày một đông do chất lượng xe đã và đang ngày được cải thiện tích cực hơn. Tuy nhiên, trái với mong đợi của hành khách là tăng giá vé thì phải đồng nghĩa với việc hành khách được hưởng sự thoải mái, không phải chen chúc khi đi xe buýt.

Thế nhưng điều ấy trên thực tế lại không được đáp ứng. Nhu cầu thì ngày càng tăng, tuy nhiên thành phố Hà Nội lại có chủ trương giảm bớt tần suất hoạt động phục vụ hành khách đối với xe buýt.

Các xe chở khách quá tải liên tục khiến xe nhanh chóng xuống cấp và thường xuyên phải tu sửa. (Ảnh NP)
Các xe chở khách quá tải liên tục khiến xe nhanh chóng xuống cấp và thường xuyên phải tu sửa. (Ảnh NP)

Nhiều hành khách phản ánh rằng, bây giờ giá tăng lên thì chất lượng cũng phải tăng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại lại bị hạn chế thì quả là bất hợp lý. Hầu hết mọi người đều cho rằng, cần tăng tần suất hoạt động để phục vụ hành khách ngày một tốt hơn, người dân đi lại được thoải mái hơn. Đặc biệt là cần tăng lượt xe phục vụ vào các khung giờ cao điểm và vào các ngày cuối tuần, đối với các tuyến xuyên tâm lượng khách tăng đột biến.

Trước đây, cứ 5 phút lại một xe xuất bến nhưng nay thì là 10 phút, một số tuyến 15 phút mới có xe xuất bến. Điều đó khiến tình trạng khách dồn ngày một đông hơn. Thực tế cho thấy, hầu hết các tuyến xe buýt hiện nay đều bị quá tải vào giờ cao điểm, thậm chí một vài tuyến lúc nào cũng là… giờ cao điểm.

Hiện nay, Bộ GTVT, các cấp, các ngành đang ra sức làm mọi cách nhằm giải bài toán ùn tắc giao thông. Thiết nghĩ việc tăng tần xuất hoạt động xe buýt, tăng năng lực vận tải lên, nâng cao chất lượng phục vụ thì Hà Nội sẽ giảm bớt gánh nặng về ùn tắc giao thông là rất lớn, thậm chí Hà Nội sẽ sớm thoát khỏi ùn tắc.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Vũ Mai