"Nếu không chuyển giao lãnh đạo, FPT không thể trường tồn"

18/10/2012 07:12
Hân Ni
(GDVN) - Theo ý kiến của các chuyên gia, dù FPT chuyển giao lãnh đạo cho cả một thế hệ - một nhóm người thì về mặt bản chất, vẫn cần một người “đứng mũi chịu sào” và “ai sẽ là người được giao quyền “cầm đầu” đó” đang là câu hỏi được đặt ra của nhiều người.

Bài toán chuyển giao lãnh đạo ở FPT


Khi ông Trương Đình Anh bất ngờ viết đơn xin từ nhiệm chức vụ TGĐ Tập đoàn FPT, với cương vị của người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình đã quyết định ngồi lại chiếc “ghế nóng” với sứ mệnh “tìm hướng giải quyết” giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn.

Sau 2 lần chuyển giao quyền lực thất bại, vị Chủ tịch FPT đã khẳng định: Lần này, FPT sẽ chuyển giao cho một thế hệ - một nhóm người được rèn luyện chung và có những trải nghiệm chung.

Người gây dựng nên FPT này cũng tỏ ra nuối tiếc vì đã không chuyển giao lãnh đạo sớm hơn. Ông nói trên báo Đầu tư:  “Nếu không chuyển giao lãnh đạo, FPT không thể trường tồn được. Tiếc là, FPT nhận thức vấn đề này hơi muộn, nếu mọi việc được thực hiện từ 10 năm trước, kết quả sẽ tuyệt vời”.

Bốn gương mặt thuộc "thế hệ kế cận" trong Hội đồng sáng lập FPT: ông Trương Đình Anh, ông Nguyễn Điệp Tùng, ông Trần Quốc Hoài và ông Hoàng Nam Tiến.
Bốn gương mặt thuộc "thế hệ kế cận" trong Hội đồng sáng lập FPT: ông Trương Đình Anh, ông Nguyễn Điệp Tùng, ông Trần Quốc Hoài và ông Hoàng Nam Tiến.


Những ứng viên

Những ứng viên "thế hệ kế cận" sáng giá trong Hội đồng sáng lập FPT

Vì sao chuyển giao lãnh đạo tại những DN lớn như FPT khó khăn?

Vì sao chuyển giao lãnh đạo tại những DN lớn như FPT khó khăn?

Vừa trở lại

Vừa trở lại "ghế nóng",TGĐ Trương Gia Bình chỉ rõ 5 thách thức của FPT

Theo ý kiến của các chuyên gia, dù FPT chuyển giao lãnh đạo cho cả một thế hệ - một nhóm người thì về mặt bản chất, vẫn cần một người “đứng mũi chịu sào” và “ai sẽ là người được giao quyền “cầm đầu” đó” đang là câu hỏi được đặt ra của nhiều người.

“Nếu dưới trướng của Trương Gia Bình, FPT sẽ rất ổn định, chắc chắn, tuy nhiên vấn đề đặt ra là doanh nghiệp này liệu có sức bật hay không và ông Bình sẽ giữ quyền được bao lâu nữa?” - Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt Group khi chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam đã đưa ra quan điểm.

Theo ông Việt, nếu ông Bình tiếp tục “đứng mũi chịu sào” thì con đường tiếp theo của FPT sẽ “không phải lo” nhưng “về lâu, về dài, tôi sợ FPT sẽ rơi vào lối mòn. Một lúc nào đó rơi vào kinh nghiệm chủ nghĩa” bởi nhân tố FPT đang già đi, trong khi nhân tố trẻ mới là người quyết định.

Vậy ai sẽ là người quyền lực nhất ở FPT thay ông Trương Gia Bình khi FPT thiết lập một “thế hệ” nhân lực cấp cao lãnh đạo?

Có thể thấy, ngoài 9 "lão thần" của FPT với tuổi đời trên 50 trong Hội đồng sáng lập của Tập đoàn này vẫn còn 4 nhân vật nữa còn khá trẻ khi mới chỉ hơn 40 tuổi là các ông Trương Đình Anh, Hoàng Nam Tiến, Nguyễn Điệp Tùng và Trần Quốc Hoài.

Trong đó, ông Trương Đình Anh (42 tuổi) đang là Thành viên HĐQT FPT, đã từng giữ cương vị Tổng giám đốc FPT, Chủ tịch của FPT Telecom. Ông Hoàng Nam Tiến (43 tuổi), gia nhập FPT từ năm 1993, hiện là Chủ tịch FPT Software, là người đưa FPT lên vị trí số 1 ở mảng phân phối các sản phẩm CNTT và viễn thông. Ông Nguyễn Điệp Tùng (44 tuổi) - Chủ tịch kiêm TGĐ Chứng khoán FPT và ông Trần Quốc Hoài (41 tuổi) – Chủ tịch FPT Trading.

Liệu một trong nhóm 4 người sức trẻ tài cao trên sẽ tiếp tục là người “đầu tàu” trong nhóm “thế hệ” mà FPT muốn chuyển giao hay một “đội hình” khác, con người khác sẽ được đầu quân về FPT tiếp tục chiến lược chinh phục toàn cầu của Tập đoàn này? Nhiều cổ đông, nhà đầu tư đang chờ đợi câu trả lời của FPT trong thời gian tới.

Phải rạch ròi: Ai là người có quyền quyết định

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Điều hành, Công ty Tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search: Chuyển giao lãnh đạo cho một người hay cho một thế hệ (hay một nhóm người) là quyết định riêng của doanh nghiệp. Bởi lẽ, sẽ không có một “công thức” chung cho mọi doanh nghiệp khi chuyển giao lãnh đạo. 

Tuy nhiên, có một thực tế mà trong quá trình tuyển dụng nhân sự cấp cao, Navigos Search quan sát thấy, dù việc chuyển giao lãnh đạo cho một người, và nếu cho người CEO đó được quyền quyết định nhân sự chủ chốt thì CEO đó cũng sẽ tự xây dựng cho mình một đội ngũ tin cẩn.

“Ý tôi không phải là tạo ra “bè phái” vì “bè phái” mang nghĩa tiêu cực. Ý tôi là tạo ra một đội ngũ (team), những người có cùng chí hướng, cùng tư duy, chia sẽ những giá trị giống nhau, và trên hết là cùng muốn xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Chuyển giao cho một thế hệ thì vẫn phải rất rõ ràng trong việc ai là người có quyền đưa ra quyết định và ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Đồng thời, các thành viên trong “thế hệ” đó có phải là một “team” hay không” – bà Vân Anh nhấn mạnh.

Vậy thì, những vấn đề gì là quan trọng khi chuyển giao lãnh đạo, bà Vân Anh cho biết: Thứ nhất, doanh nghiệp phải xem xét bản thân người được chuyển giao có đủ “tầm” hay không? Thứ hai, phải tính tới chuyện người được chuyển giao được chuyển giao những gì? Có được trao quyền hay không? Có quyền quyết định gì? Trách nhiệm đến đâu. Người CEO mới có quyền “sa thải” những người dưới quyền nếu thấy người đó không phù hợp hay không (kể cả công thần)? Người CEO mới có được quyền tuyển dụng, xây dựng đội ngũ cho mình hay không?

“Tôi đã quan sát nhiều doanh nghiệp, kể cả công ty CP Việt Nam lẫn doanh nghiệp nước ngoài, khi có CEO mới, họ thường dành nhiều thời gian cho việc xây dựng cho mình một “team” (đội ngũ). Họ sẽ xem xét cả những nhân sự hiện có và nếu cần thì thay thế và tuyển mới, đặc biệt những vị trí chủ chốt. Bởi lẽ, CEO không thể đưa doanh nghiệp đến đích một mình được, họ cần những người trợ thủ đắc lực” – bà Vân Anh kết luận.
 

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, các đoạn clip của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!



Hân Ni