Không ít tin đồn thực phẩm chứa đỉa có động cơ không lành mạnh

22/10/2012 07:08
Dương Hải
(GDVN) - Đỉa có trong sữa, đỉa xuất hiện trong bim bim, gạo giả tung hoành… Hàng loạt các tin đồn thất thiệt liên quan đến đồ ăn thức uống hàng ngày được tung ra trong thời gian gần đây khiến nhà sản xuất điêu đứng, người tiêu dùng hoang mang. Cơ quan quản lý cho rằng, không ít tin đồn xuất hiện với động cơ cạnh tranh không lành mạnh...

Tại sao xuất hiện những clip quay được cảnh thực phẩm chứa đỉa?

Tính đến thời điểm này, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải 2 lần chính thức lên tiếng bác bỏ những hoài nghi của dư luận xung quanh câu chuyện đỉa có trong sữa. Song, dường như tiếng nói của cơ quan chức năng chưa thể dập tắt được những lời đồn thổi theo kiểu truyền miệng “thần tốc”. Làm thế nào để xử lý thông tin thất thiệt không gây hoang mang cho người tiêu dùng và thiệt hại cho nhà sản xuất là điều không hề dễ dàng.

Liên tiếp xuất hiện các tin đồn đỉa có trong sữa, bim bim, rau quả... Ảnh Internet.
Liên tiếp xuất hiện các tin đồn đỉa có trong sữa, bim bim, rau quả... Ảnh Internet.


Toàn cảnh những tin đồn thất thiệt về đỉa trong thực phẩm

Toàn cảnh những tin đồn thất thiệt về đỉa trong thực phẩm

Đi tìm kẻ tung tin sữa có đỉa ở Nghệ An

Đi tìm kẻ tung tin sữa có đỉa ở Nghệ An

TTK Hiệp Hội Sữa: Đồn

TTK Hiệp Hội Sữa: Đồn "sữa có đỉa" là phá hoại các DN sữa

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã có câu trả lời chính thức về gạo giả, về đỉa trong sữa, về đỉa trong bim bim, trích dẫn quan điểm của cả các chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định đỉa không thể tồn tại trong sữa, càng không thể tồn tại trong bim bim. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có những clip quay được những hộp sữa có ấu trùng? Chính những clip này gây nên sự rối loạn thông tin”.

“Một sản phẩm sữa, thực phẩm khi vận chuyển, bảo quản mà không tuân thủ đúng các quy định thì vi sinh vật rất dễ xâm nhập, thậm chí sinh ấu trùng. Nhưng chúng ta phải hiểu, một ngày tiêu thụ thị trường hàng triệu đơn vị sản phẩm như thế, nếu thấy 1-2 sản phẩm có vấn đề như vậy, rồi nói sản phẩm đó có đỉa, ấu trùng là không đúng. Chúng ta phải lấy mẫu sản phẩm cùng lô, cùng mẻ sản xuất lưu ở nhà máy đó xét nghiệm, chứ không phải xét nghiệm hộp có vấn đề để nói sản phẩm đó có chứa đỉa, ấu trùng là không chính xác” - ông Phong tiếp.

Tương tự, ông  Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho hay: “Khi nghe một thông tin về sự cố an toàn thực phẩm, chúng ta phải làm rõ. Ví dụ, đỉa trong sữa là ở đâu, sữa nào, sữa chưa tiệt trùng hay đã tiệt trùng, từ đó có biện pháp khảo sát cụ thể. Trên cơ sở tập hợp thông tin, các cơ quan chức năng sẽ cung cấp thông tin chính thức. Cá nhân tôi cho rằng việc đỉa trong sữa đã tiệt trùng là khó có thể xảy ra”.

Trước sự xuất hiện dồn dập của tin đồn có đỉa trong sữa, Hiệp hội Sữa VN cũng phải có văn bản đề nghị các cơ quan phối hợp xử lý dập tắt tin đồn thất thiệt nói trên. Tuy nhiên, những tin đồn nhảm nhí này thường xảy ra ở khu vực nông thôn, người tiêu dùng ít có điều kiện tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng nên không biết sàng lọc thông tin mà chỉ nghe truyền miệng. Thậm chí, ngay cả nơi có dân trí cao thì tin đồn cũng làm “lung lay” không ít người tiêu dùng.

Người dân gánh thiệt hại

Nói về tin đồn gạo giả xuất hiện hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phải huy động toàn bộ nhân lực để tìm ra người tung tin đầu tiên. Các cơ quan liên quan cũng phải tham gia phân tích với kinh phí tốn kém. Cuối cùng, chúng tôi xác định thông tin đầu tiên được đưa ra từ một người rất vô trách nhiệm. Điều này đã khiến gạo của bà con nông dân không tiêu thụ được, giá tụt thê thảm. Người thiệt hại ở đây là nông dân, người tiêu dùng và cả xã hội.

Tin đồn gạo giả "giết chết" người nông dân. Ảnh Internet.
Tin đồn gạo giả "giết chết" người nông dân. Ảnh Internet.


Theo ông Nguyễn Thanh Phong, rủi ro trong vấn đề an toàn thực phẩm là điều khó tránh, ngay ở cả những nước phát triển. Những sự cố lớn về an toàn thực phẩm như Melamine, chất tạo đục, rau củ quả nhiễm Ecoli… xuất phát ở các nước phát triển là chủ yếu. Còn ở Việt Nam, tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra, nguy cơ vẫn còn, đấy là quy luật chung của quản lý thực phẩm, tuy nhiên không đến mức độ hoang mang, mất tin tưởng.

Song, nhiều ý kiến thừa nhận rằng, phần nhiều trong các tin đồn về thực phẩm, hàng hóa chứa đỉa trong thời gian gần đây gây nên tâm lý lo ngại của người tiêu dùng và nhà sản xuất xuất phát từ động cơ không lành mạnh . Nếu những tin đồn này tiếp tục xuất hiện sẽ gây nhiễu loạn thông tin, tạo nên một hiệu ứng xấu đến thói quen tiêu dùng và tác hại cho nền kinh tế mà trước hết chính là các doanh nghiệp dính tin đồn.

Theo đại diện của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần phải bình tĩnh, cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt này. Điều quan trọng là rất cần những bộ phận "phản ứng nhanh", xử lý rốt ráo các tin đồn ngay khi nó xuất hiện.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


Dương Hải