Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Chân dung "ông trùm" giới siêu trộm Hà thành (P2)

20/10/2012 07:03
Thế Long- Thảo Lăng
(GDVN) - "Có lần may mắn, chúng ăn được hơn 6 cây vàng của một bà lão người Hưng Yên mới bán nhà, mang lên thành phố cho con trai. Mặc sự khóc lóc, van xin, kể lể thương tâm của bà lão, chúng không hề mảy may suy nghĩ mà “biến thẳng” về nhà chia chác, đập phá bằng hết số vàng ấy".

Những hé lộ của Chu Xuân Khánh về “ông trùm” và luật ngầm trong giới siêu trộm Hà Thành khiến nhiều người băn khoăn, tại sao giữa nơi được mệnh danh là thành phố vì hòa bình, lại có một kẻ dám cầm đầu nhóm cướp giật, móc túi như vậy? “Ông trùm” này có xuất thân như thế nào? Vì sao hắn được anh em trong “giới” tôn lên làm người đứng đầu?...

Để giải đáp những thắc mắc ấy, phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn đã tìm đến T. người từng được coi là “cao thủ” trong giới móc túi, chôm đồ ở địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội. Dù đã “rửa tay gác kiếm”, nhưng T. là một trong số rất hiếm có thể kể vanh vách thân thế, cuộc sống và những bí mật xung quanh cuộc sống của “đại ca lãnh đạo” tên Chuồn.

T kể, Chuồn có tên tuổi đàng hoàng, nhưng anh em trong giới thường đặt và gọi nhau bằng “bí danh” để tiện làm việc. Sở dĩ gọi hắn là Chuồn, vì ngoài khả năng móc túi, chôm đồ rất nhanh, hắn còn có biệt tài lẩn trốn mau lẹ hiếm ai theo kịp. Chuồn được sinh ra ở một xóm lao động nghèo ở khu vực công viên Thủ Lệ. Mẹ hắn là người Nam Định, vốn sinh sống bằng nghề bán ve chai.

Lúc khách lên xe bus là thời điểm trộm cắp hoạt động dễ dàng nhất. (Ảnh: Dân trí).
Lúc khách lên xe bus là thời điểm trộm cắp hoạt động dễ dàng nhất. (Ảnh: Dân trí).
Tuy nghèo, nhưng bà này sinh những 7 người con, không rõ Chuồn là thứ mấy trong nhà, bố đẻ là ai. Khi bắt đầu lớn lên, anh chị em của Chuồn, mỗi đứa phiêu bạt một nơi để kiếm sống. Lên 10 tuổi, Chuồn  và hai đứa em khác theo cô chị cả tên Ngân lên các bến tàu, bến xe để ăn xin.

Được 1 thời gian, 4 chị em bắt đầu chuyển từ việc ăn xin vừa vất vả, vừa ải thân sang móc túi. Và Chuồn được làm quen nghề từ đó. Khi “nghiệp vụ” của Chuồn và anh chị em đã đạt được mức bậc thầy, thì trạm trung chuyển Cầu Giấy bắt đầu được thành lập như một cơ may trong cuộc đời hắn.

Lúc đó, chị em nhà Chuồn đã tập hợp được một nhóm khoảng 15 tiểu yêu hoành hành ngang dọc, coi nơi này là đại bản doanh của chúng. Chuồn và chị gái trở thành đàn anh, đàn chị, có quyền điều chuyển, tổ chức các hoạt động của đàn em.

Ỷ đông, nhóm này hoạt động rất liều lĩnh. Chỉ cần lấy được  điện thoại ra khỏi túi của khách đi xe, ngay lập tức chúng chuyền tay hết đứa này sang đứa khác. Dù khách có nhìn thấy kẻ lấy đồ, nhưng không có bằng chứng để báo công an. Nhiều trường hợp khách làm to chuyện, còn bị nhóm này đánh hội đồng. Vì thế, đã có giai đoạn các đàn em của Chuồn trở thành nỗi khiếp sợ của khách đi xe khu vực Cầu Giấy.

Theo lời kể của T., khi lấy được đồ, các tiểu yêu sẽ phải nộp cho chị em Chuồn khoảng 30% số tiền kiếm được. Thời mà điện thoại là món đồ xa xỉ, nhóm tiểu yêu này “ăn” được vài chục cái mỗi ngày.

Có lần may mắn, chúng ăn được hơn 6 cây vàng của một bà lão người Hưng Yên mới bán nhà, mang lên thành phố cho con trai. Mặc sự khóc lóc, van xin, kể lể thương tâm của bà lão, chúng không hề mảy may suy nghĩ mà “biến thẳng” về nhà chia chác, đập phá bằng hết số vàng ấy. Không ít lần, T. từng chứng kiến có ông bố, bà mẹ đưa con đi thi đại học, hoặc mang tiền lên bệnh viện cho con mổ tim cũng bị nhóm này lấy sạch. Cứ như thế, không biết bao nhiêu người nhà quê đã khốn đốn, khổ sở vì nhóm ăn cắp này.

Làm ăn “phát đạt” nên ngày đó, chị em Chuồn đã có xe SH, @  để lượn lờ phố xá. Ngày nào kiếm được nhiều, chúng tiêu theo kiểu nhiều tiền ở các vũ trường, quán bar; được ít, chúng chỉ lượn lờ trà đá rồi thôi. Nhìn chung là cuộc sống hết sức thác loạn, nhưng cũng nhiều khi đói kém.

Nói về tính cách của đại ca lãnh đạo, T. bảo, có lẽ vì được theo anh chị đi trộm cắp từ nhỏ, nên Chuồn tinh ranh, khôn ngoan hơn những người bạn cùng trang lứa. Nếu trong nhóm có vấn đề gì, không bao giờ Chuồn dùng nắm đấm để giải quyết, ngược lại tỏ ra là người hiểu chuyện và dùng lý lẽ để nói chuyện với đàn em.

Tuy nhiên, T. cho rằng, nếu nói Chuồn là “ông trùm” của trộm cướp ở Cầu Giấy thì chưa hẳn. Vì nhóm của Chuồn tuy đông, nhưng chỉ là hội lang thang, lưu manh tụ lại. Họ kết hợp với nhau trong việc ăn hàng, theo kiểu dựa vào nhau để sống, tuy có sự sắp xếp trong việc bố trí địa bàn ăn hàng, nhưng chưa thể coi là có sự tổ chức bài bản được.

Nhất là khi Tổ công tác đặc biệt 142 được thành lập, công an chốt ở hầu hết các điểm xe bus, thì đàn em của Chuồn bị “tóm” gần như hết sạch. Một vài tên còn lại hầu như không dám hoạt động thường xuyên. Nhiều trường hợp, khách phát hiện mất đồ kêu ca ầm ĩ ở trạm trung chuyển, thay vì đánh khách như ngày xưa, bọn này sợ công an tóm, nên đành bí mật trả lại hàng rồi chuồn thẳng.

Thậm chí, có giai đoạn, “đói ăn”, đàn em thì đi trại hết, Chuồn phải đích thân đi làm, nhưng không dám ăn dưới trạm trung chuyển mà phải lên xe. Khổ nỗi, trên xe không phải sở trường của hắn, vì thế ít khi gã ăn được hàng. Nhìn chung cuộc sống hiện tại của gã được giới đạo chích Hà thành đồn thổi là "trùm" này, cũng chật vật không kém những kẻ trộm cắp vặt.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thế Long- Thảo Lăng