Lục quân Ấn Độ vất vả chiến thắng trong “cuộc chiến trực thăng” nội bộ

21/10/2012 09:19
Việt Dũng
(GDVN) - Lục quân Ấn Độ có kế hoạch trang bị 100 máy bay trực thăng đến năm 2022 để thực hiện phương châm tác chiến mới.
Máy bay trực thăng vũ trang AH-64D Longbow Apache do Mỹ chế tạo
Máy bay trực thăng vũ trang AH-64D Longbow Apache do Mỹ chế tạo

Ngày 16/10, tờ “Jane’s Defence Weekly” Anh có bài viết cho rằng, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn cho lực lượng hàng không Lục quân nước này sở hữu máy bay trực thăng vũ trang, điều này đã khắc phục những quan điểm phản đối mấy chục năm qua của Không quân Ấn Độ.

Ngày 12/10, tại New Delhi, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, Bikram Singh cho biết: “Chúng tôi đã nhận được lá thư của Bộ Quốc phòng, đã có được máy bay trực thăng vũ trang do Chính phủ cấp”. Điều này đã kết thúc cục diện đối đầu lâu dài giữa Lục quân và Không quân trong vấn đề máy bay tấn công cánh xoay.

Sau này, lực lượng hàng không Lục quân Ấn Độ sẽ có được quyền sử dụng 22 máy bay trực thăng vũ trang AH-64D Longbow Apache do Mỹ chế tạo và sẽ phụ trách công tác bảo trì máy bay trực thăng.

Lô máy bay này là loại máy bay được Không quân Ấn Độ lựa chọn sau khi đã so sánh với máy bay trực thăng Mi-28N Havoc của nhà máy chế tạo máy bay trực thăng Mir Nga.

Máy bay Mi-28N Havoc do Nga chế tạo
Máy bay Mi-28N Havoc do Nga chế tạo

Có nguồn tin cho biết, sau khi ký thỏa thuận liên quan trong năm tài khóa này, phi công của lực lượng hàng không Lục quân, chứ không phải của Không quân Ấn Độ, sẽ đến Mỹ tiếp nhận huấn luyện điều khiển máy bay trực thăng AH-64D.

Trong khi đó, Không quân Ấn Độ sẽ tiếp tục sử dụng 2 phi đội máy bay trực thăng tấn công Mi-25/35 cũ do Nga chế tạo.

Lực lượng hàng không Lục quân Ấn Độ là một lực lượng được thành lập theo “Ý kiến chỉ đạo liên hợp Lục-Không quân” Ấn Độ năm 1986. Căn cứ vào “Ý kiến chỉ đạo”, Lục quân có thể sở hữu máy bay trực thăng dưới 5 tấn. Tuy nhiên, Lục quân đã liên tục tiến hành thuyết phục, song Không quân lại lấy quy định nêu trên để hạn chế sự phát triển của lực lượng hàng không Lục quân.

Sự thay đổi chính sách lần này sẽ còn làm cho máy bay trực thăng vận tải hạng trung Mi-17, vốn thuộc Không quân, được triển khai trong căn cứ của Lục quân, chứ không phải ở căn cứ Không quân, đặc biệt là ở bang Jammu và Kashmir, miền bắc Ấn Độ.

Có quan chức Lục quân cho biết, thủ tục “rườm rà” của Không quân làm cho công tác triển khai những máy bay trực thăng này “lạc hậu nghiêm trọng”. Một quan chức cấp cao lực lượng hàng không Lục quân nói với phóng viên rằng, họ một khi có được phi công cần thiết, sẽ bắt đầu điều khiển máy bay trực thăng vận tải hạng trung của họ.

Máy bay trực thăng Mi-17 do Nga chế tạo
Máy bay trực thăng Mi-17 do Nga chế tạo

Đối với Không quân Ấn Độ, quyết định mới của Bộ Quốc phòng là một sự đả kích, đặc biệt là sau khi Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ, Thượng tướng Normand Browne vào ngày 5/10 đã công khai bày tỏ phản đối lực lượng hàng không Lục quân trang bị máy bay trực thăng vũ trang và máy bay trực thăng vận tải hạng trung.

Browne tuyên bố, Quân đội Ấn Độ nếu muốn sử dụng có hiệu quả lực lượng máy bay cánh xoay ít ỏi, thì phải có kinh nghiệm sử dụng, phương pháp kinh tế và “ý thức hàng không” không thể thiếu.

Lời nói này đã bị Trung tướng B.S. Pawar, cựu lãnh đạo lực lượng hàng không của Lục quân Ấn Độ phản bác. Ông nói: “Để lại máy bay trực thăng vũ trang cho lực lượng hàng không của Lục quân là một việc cực tốt – cho dù là một hành động chậm chạp. Lục quân các nước trên thế giới đều áp dụng biện pháp này một cách rất có hiệu quả. Điều này sẽ nâng cao khả năng tác chiến cho Lục quân Ấn Độ”.

Quy hoạch của lực lượng hàng không Lục quân Ấn Độ yêu cầu phải có 10 phi đội máy bay trực thăng vũ trang trước năm 2022, với tổng cộng 100 máy bay trực thăng. Những máy bay trực thăng này sẽ cùng với các máy bay trinh sát vũ trang và máy bay trực thăng chiến thuật chi viện tác chiến khác, trang bị cho tất cả 13 quân đoàn của Lục quân Ấn Độ. Đây là một nội dung trong phương châm tác chiến mới của Lục quân.

Máy bay trực thăng vận tải Mi-17 của Quân đội Ấn Độ, do Nga chế tạo
Máy bay trực thăng vận tải Mi-17 của Quân đội Ấn Độ, do Nga chế tạo
Máy bay trực thăng tấn công Mi-35 của Không quân Ấn Độ, do Nga chế tạo
Máy bay trực thăng tấn công Mi-35 của Không quân Ấn Độ, do Nga chế tạo
Máy bay trực thăng tấn công Mi-25 của Ấn Độ.
Máy bay trực thăng tấn công Mi-25 của Ấn Độ.
Việt Dũng