Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Các Bộ trưởng trước khi hứa nên suy nghĩ kỹ"

22/10/2012 07:10
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Tôi cũng mong các Bộ trưởng trước khi hứa thì nên suy nghĩ kỹ, không nên hứa những gì mình không làm được và không thể làm được".
Sáng 22/10/2012, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2012.

Thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện những chất vấn và những lời hứa của các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội trước.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII được đánh giá là một kỳ họp quan trọng đặc biệt.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII được đánh giá là một kỳ họp quan trọng đặc biệt.

Bên cạnh việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác giám sát... thì Quốc hội cũng sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 2 Nghị quyết; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án luật khác.

Trước thềm kỳ họp này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với một số nguyên đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội về những kỳ vọng và việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng cũng như những vấn đề sẽ được dư luận quan tâm đặc biệt.

Chia sẻ về những kỳ vọng của mình vào kỳ họp thứ 4 lần này, ông Vũ Mão -  Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trưởng đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội cho biết: "Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được đánh giá cao, được chú ý nhiều. Tôi mong rằng, thời gian chất vấn được giữ như trước đây là 3 ngày chứ không phải là 2 ngày rưỡi như hiện nay (khoá IX, khoá X và đầu khoá XI là 3 ngày, giữa khoá XI rút xuống 2 ngày, sau đó là 2 ngày rưỡi). Đồng thời, số lượng các Bộ trưởng trả lời chất vấn trong một phiên họp nên giảm đi. Nếu mỗi Bộ trưởng có một ngày để trả lời chất vấn để cùng nhau đi đến cùng thì sẽ tốt hơn.

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong một lần trò chuyện với Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong một lần trò chuyện với Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam.

Ngoài ra, các Bộ trưởng có thể trả lời chất vấn ở phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoặc giải trình (điều trần) trước các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội với sự thông qua của Quốc hội sau đó. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, vừa đảm bảo yêu cầu giám sát của Quốc hội, vừa đảm bảo đi đến tận cùng của vấn đề với hiệu quả cao hơn".

Theo ông Vũ Mão, lời hứa của các Bộ trưởng từ trước tới nay rất nhiều nhưng không phải lời hứa nào cũng được thực hiện thành công: "Đó là một điều rất đáng tiếc. Chúng ta phải tìm nguyên nhân để khắc phục bởi vì thực ra các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu ra là những vấn đề của dân. Mà một vấn đề nêu lên như vậy có liên quan nhiều Bộ và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai là được.

Theo tôi, thay vì hứa sẽ làm cái nọ, cái kia thì các vị Bộ trưởng nên hứa là sẽ xây dựng một chương trình hành động, một thiết kế đầy đủ cho nội dung đó để khắc phục những tồn tại, bổ sung, hoàn thiện yếu điểm, kể cả bổ sung vào pháp luật và sẽ trình bày ở kỳ họp sau. Các Ủy ban tương ứng của Quốc hội cũng phải kiểm tra, xem xét, theo dõi việc trả lời chất vấn, thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng rồi báo cáo trước Quốc hội. Lâu nay việc này làm chưa tốt…".

Còn ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói: “Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến việc điều hành kinh tế - xã hội của các thành viên Chính phủ nhất là trong năm 2012, khi tình hình kinh tế hết sức khó khăn. Cụ thể là từ những vấn đề về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đến những vấn đề về kinh tế vĩ mô, những vấn đề liên quan đến các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội . (Ảnh: Minh Thăng)
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội . (Ảnh: Minh Thăng)

Các đại biểu quan tâm đến một loạt vấn đề bức xúc như vậy đi kèm với năng lực của các thành viên Chính phủ trong việc điều hành kinh tế vĩ mô ở cấp độ quản lý nhà nước. Chắc chắn các đại biểu Quốc hội bên cạnh việc ghi nhận những cố gắng nỗ lực của các thành viên Chính phủ thì còn muốn làm rõ được thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. 

Đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 là hạn chế việc báo cáo, kể lể thành tích mà phải đi thẳng vào sự thật về những vấn đề của tình hình kinh tế - xã hội bao gồm: những tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân căn cơ của những tồn tại đó. 

Đồng thời trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó, tăng cường trách nhiệm và đề cao những giải pháp hữu hiệu để từng bước tháo gỡ những khó khăn cũng cần được nêu ra”.

Nói về hai kỳ vọng của mình, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: “Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi hi vọng trong kì họp tới đây sẽ kiểm điểm những việc đã làm trong năm 2012. Đây là năm rất quan trọng để bước vào năm 2013 - năm bản lề của kế hoạch. Nó quan trọng bởi đây là năm đẩy nhanh và triển khai tốc độ của việc tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tài chính. 

Đây vừa là nhiệm vụ trước mắt của năm 2012 lại vừa là nhiệm vụ lâu dài cho cả một mô hình chuyển đổi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hi vọng là chúng ta sẽ rút ra được các bài học, đặc biệt là năm 2012 về kinh tế vĩ mô chúng ta đã làm được nhiều việc như kìm giữ được lạm phát… 

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Việt Dũng)
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Việt Dũng)

Qua kinh nghiệm của tháng 9 vừa qua, chúng ta sẽ tìm được bài học cho công tác điều hành vĩ mô của năm 2013 và tôi kì vọng chúng ta sẽ phân tích được điều đó để biến thành hành động ngay từ đầu năm 2013.

Kì vọng thứ hai là chúng ta sẽ chăm lo tốt hơn tới đời sống của đại bộ phận người dân. Cụ thể là chất lượng các dịch vụ của nhà nước với người dân như y tế, giáo dục bên cạnh việc quản lý, điều hành kinh tế theo nguyên tắc của thị trường, quy luật của nền kinh tế thị trường…".

Về vấn đề thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bộc bạch: “Hứa trước Đảng là hứa trước sự lãnh đạo, lời hứa trước Quốc hội là lời hứa trước những người đã bầu lên mình và rộng ra là hứa trước đồng bào mình. Do đó phải giữ lời hứa của mình.

Tôi được được biết trong thời gian tới Quốc hội sẽ tăng cường chất vấn các Bộ trưởng về những lời hứa. Tôi rất hoan nghênh Quốc hội làm như thế. Tôi cũng mong các Bộ trưởng trước khi hứa thì nên suy nghĩ kỹ, không nên hứa những gì mình không làm được và không thể làm được. Hứa rồi thì phải giữ lời – một lời hứa trước Quốc dân đồng bào”. 


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Chính Quang