Chuyện bóng đá Việt Nam: Nhìn tiền mà đá

03/08/2011 02:53
Thắng trận đấu gặp Qatar ở lượt về, dẫu bị loại khỏi cuộc chơi, đội tuyển Việt Nam vẫn được nhận thưởng 600 triệu đồng.

Thắng trận đấu gặp Qatar ở lượt về, dẫu bị loại khỏi cuộc chơi, đội tuyển Việt Nam vẫn được nhận thưởng 600 triệu đồng. Ở đâu không biết, chứ ở ta ra sân thi đấu là cầu thủ luôn đặt câu hỏi: “Thắng, thưởng tiền bao nhiêu?” bất kể đó là giải đấu gì.

Thưởng 600 triệu đồng cho đội tuyển Việt Nam

Hoàng 'bò', Hải 'gà' giúp tuyển Việt Nam ngược dòng thắng Qatar

Bóng đá Việt Nam còn yếu... lịch sử

Thật ra chuyện khoác áo đội tuyển bây giờ, gọi là vinh dự nhưng nó cũng mông lung lắm. Cứ nhìn cách các cầu thủ đua nhau xin nghỉ vì xây nhà, chăm vợ sanh con… thì đủ hiểu. Nhưng, thật hơn cả trong số những lý do ấy đã từng được các huấn luyện viên đọc ra chính là các cầu thủ không thấy “có vẹo” gì. AFF 2008, hàng loạt các cầu thủ xin thôi vì không tin đội tuyển thành công. Vòng loại World Cup 2014, một lần nữa các cầu thủ xin rút lui lũ lượt. Thậm chí, nhiều cầu thủ còn tìm cách ngồi ngoài ở trận đấu gặp Qatar bởi không tin là có thể thắng. Tóm lại, không thể thắng thì không có thưởng, mà không có thưởng thì đá làm gì cho mệt.

Căn bệnh “nhìn tiền mà đá” không chỉ tồn tại ở đội tuyển với mức tiền thưởng cao chất ngất. Ở những vòng đấu cuối của V-League, nhiều cầu thủ đã nói thẳng, giờ đây động lực của các đội đã trụ hạng chính là đá lấy thưởng, không hơn không kém. Nhan nhản đội bóng tham dự sân chơi V-League chỉ có mục tiêu con con là trụ hạng, ngay như Navibank Sài Gòn đầu tư hàng chục tỉ đồng mục tiêu cũng chẳng khác với Thanh Hoá đầu tư ít hơn hẳn. Chính vì mục tiêu ấy, ở Thanh Hoá ông Lê Thuỵ Hải đã làm hẳn báo cáo yêu cầu lãnh đạo đội bóng phải cảnh giác bởi Thanh Hoá chắc chắn đã trụ hạng và ở bốn vòng đấu cuối, nhiều khả năng sẽ có trận các cầu thủ không thi đấu hết sức. Ở Navibank Sài Gòn, muốn giữ thể diện, không còn cách nào khác lãnh đạo đội bóng đành nâng mức thưởng từ lượt về đến giờ lên tròm trèm 1 tỉ đồng cho mỗi trận thắng. Chỉ có cách ấy các cầu thủ mới nhiệt tình vì suy cho cùng, có thắng cũng có vô địch được đâu.

Với mục tiêu bảo vệ chức vô địch, các cầu thủ của Hà Nội T&T (áo trắng) được hứa mức tiền thưởng cao.
Với mục tiêu bảo vệ chức vô địch, các cầu thủ của Hà Nội T&T (áo trắng) được hứa mức tiền thưởng cao. Ảnh: Quang Minh

Vòng xoáy tung tiền để cầu thủ chịu đá còn kéo theo cả các đội muốn trụ hạng lẫn muốn tranh chức vô địch. Các trận đấu cuối mùa này của Hà Nội T&T không trận nào tiền thưởng dưới 1 tỉ đồng, thậm chí ở những trận quan trọng số tiền ấy còn được “rỉ tai” lên đến hơn 2 tỉ đồng. Khánh Hoà, Hải Phòng, Hoà Phát cũng đang phải bấm bụng tăng mức thưởng vượt khung để cầu thủ khỏi “tủi thân” và nhiệt tình hơn khi tranh chấp trên sân với đối phương. Các cầu thủ cũng chẳng ngại ngần thừa nhận, những vòng đấu cuối chính là cơ hội để “bào” tiền các ông chủ trước khi nghỉ ngơi chuẩn bị cho mùa bóng mới.

Hiện ở giải V-League chỉ còn ba ông bầu không chịu thưởng theo “xu hướng chung” là bầu Kiên của Hà Nội ACB, bầu Thắng của Đồng Tâm Long An và bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai. Các ông bầu này đều có cùng quan điểm, các cầu thủ đã lãnh lương, quỹ thưởng được ấn định ngay từ đầu theo khung. Các cầu thủ cứ đá cho xứng đáng với số tiền mà họ được nhận đi đã, nếu sướng bầu thưởng thêm tính sau. Kết quả của điều được coi là chuẩn mực của sự chuyên nghiệp ấy là cả ba đội bóng trên đều đang ở tình trạng “thập tử nhất sinh” mùa bóng này!

Tiền thưởng nhiều ắt có danh dự, ắt có màu cờ sắc áo, bằng không... quên đi. Buồn thay!

Theo Tất Đạt/SGTT