Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Những lần sinh tử trong cuộc đời người vớt xác dưới chân cầu Long Biên

24/10/2012 06:57
Hoàng Lâm - Trọng Trinh
(GDVN) - Thoát chết trong gang tấc, ông sống chui sống lủi không khác gì một “thổ phỉ” trong rừng. Sau hơn 6 tháng chui lủi, cuối cùng ông Được cũng về tới Việt Nam
Cuộc đời kì lạ của “dị nhân” bãi giữa sông Hồng
Tên đầy đủ của “dị nhân” chuyên vớt xác ở bãi giữa sông Hồng là Nguyễn Đăng Được, ông sinh năm 1946 năm nay vừa tròn 66 tuổi, quê ở Hà Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Ông lần đầu thấy ánh mặt trời bên nước bạn Thái Lan, sau đó sang Việt Nam định cư từ nhỏ, theo học hết lớp 7, rồi bỏ học năm 1968 để đi bộ đội.
Ít tháng sau, ông có mặt ở chiến trường khốc liệt nhất, thành cổ Quảng Trị.
Trải qua biết bao thăng trầm, ông Được giờ đã ở dốc bên kia của cuộc đời, khuôn mặt ông có bao nhiêu nếp nhăn thì nó hiện lên từng ấy những gian truân mà ông đã từng trải qua. Nhưng có lẽ ông trời cũng không lấy đi của ai hết tất cả, bù lại ông có một sức khỏe “vô song” đủ để chống chọi với mọi thử thách của vùng đất bãi giữa sông Hồng khắc nghiệt.
"Dị nhân" Được "đen" đang hồi tưởng về quá khứ của mình
"Dị nhân" Được "đen" đang hồi tưởng về quá khứ của mình
Bồi hồi nhớ lại quá khứ oanh liệt của mình, ông Được trầm ngâm hồi tưởng, trong chiến dịch “Cánh Đồng Chum” ở chiến trường Lào, ông đã cùng 5 đồng đội đi làm nhiệm vụ thì bị đội quân thổ phỉ phục kích. Ba đồng chí đã hi sinh tại trận, hai người cố gắng chạy thoát nhưng người đồng đội còn lại của ông Được không thoát được làn đạn của kẻ thù. Cuối cùng chỉ còn lại mình ông Được, bơ vơ giữa đại ngàn sơn cước, không biết đâu là đường về…
Thoát chết trong gang tấc, ông sống chui sống lủi không khác gì một “thổ phỉ” trong rừng. Sau hơn 6 tháng chui lủi, cuối cùng ông Được cũng về tới Việt Nam, đặt chân lên địa phận tỉnh Hà Tĩnh: “Ngày đó tôi không còn nhận ra nổi mình nữa, các chú thử tưởng tượng tóc một người đàn ông 6 tháng không cắt thì nó dài như thế nào rồi đấy. Suốt ngày luồn lách trong rừng, đói khát, sợ nhất là gặp thổ phỉ nó giết chết. Có lúc gặp được người dân thì họ lại bỏ chạy vì coi mình giống y như… thổ phỉ vậy ”.
Còn sống sót trở về, những tưởng cuộc đời của lão “kình ngư” chuyên vớt xác dưới chân cầu Long Biên sẽ được đoàn viên với gia đình nhưng cuộc đời ông tiếp tục chuyển sang một ngã rẽ mới khi ông “đi nhầm” ra miền Bắc thay vì quay lại quê hương của mình.
Trong chuyến hành trình ra miền Bắc, trong một lần nằm ngủ ở ga Vinh, ông không may bị một đội quân cướp đường lấy đi chiếc ba lô trong đó đựng đầy đủ giấy tờ tùy thân, và cả một đôi dép cao su. 
Nhấp ngụm nước trà, ông Được “đen” ngậm ngùi kể lại cuộc đời đầy sóng gió của mình, có lẽ nếu như ông còn nước mắt cũng chẳng thể rơi nổi, đôi bàn tay ông run run, ánh mắt nặng trĩu khi nói về cuộc đời của chính mình. Có vẻ như ông đang mất bình tĩnh nên vừa kể vừa vơ vội lấy cái điếu cày đã sỉn màu, vo vo một viên thuốc lào rồi châm lửa rít mạnh vài hơi để lấy lại tinh thần tiếp tục câu chuyện còn đang dang dở.
Sau thời gian phiêu bạt khắp nơi, cuối cùng ông Được cũng ra đến Hà Nội trong tình trạng đói khát cùng cực: “ Ngày đó người dân còn dùng tem phiếu, thấy tôi đói khát quá người dân cũng thương. Thi thoảng họ lại cho tôi một bữa cơm. Đâu hai, hay ba hào gì đó, lúc ấy chỉ thế thôi ”. 
Cũng may do có sức khỏe nên ông làm đủ mọi việc cốt là có cái gì đó ấn vào bụng mỗi ngày, từ nhặt rác khắp nơi đến bán đồng nát, rồi đến việc trèo cây me, cây sấu khắp Hà Nội lúc đó. Lam lũ mãi cũng không đủ ăn, ông quyết định mò mẫm xuống bãi đất trống ở giữa sông Hồng để kiếm tấc đất cắm dùi nơi bãi cỏ ven sông ngút ngàn.
“Lúc tôi xuống dưới bãi giữa sông Hồng này chẳng đông đúc như bây giờ đâu. Cỏ mọc cao quá đầu người. Tôi may mắn tìm mua được một chiếc thuyền nhỏ đã rách nát làm nơi ăn chốn ở cho qua ngày đoạn tháng thôi”.
Được “đen” – “Robinson” bãi giữa sông Hồng
Gọi ông Được “đen” là “Robinson” ở bãi giữa sông Hồng có lẽ cũng không có gì quá lời vì ông chính là một trong những người hiếm hoi xuống “ngụ cư” ở một nơi mà lúc đó dân Hà Thành không ai nghĩ có thể ở được như vậy.
Cuộc sống của ông Được “đen” lúc đó chẳng khác gì “cây cỏ”. Tuy nhiên, người đàn ông này tuy nghèo về vật chất nhưng lại giàu về tình người. Người không hiểu có lẽ sẽ nói ông “vợ nọ, con kia” nhưng những người dân ở bãi giữa sông Hồng lại không hề nghĩ vậy. Tính cả người vợ mới cưới ở quê trước khi nhập ngũ đến sau này khi ông hoàn toàn mất liên lạc với quê hương, ông có đến ba vợ. Tuy nhiên, chỉ có người vợ đầu đang ở Quảng Trị là chính thức. Hai người vợ sau này đang sinh sống cùng ông Được ở bãi giữa không có hôn thú, đơn giản chỉ là thương thì về ở với nhau. 
Điều đặc biệt là ba người mặc dù cùng chung sống dưới một mái nhà nhưng chẳng bao giờ cư dân ở bãi giữa thấy họ to tiếng. Ngược lại, cả hai người vợ khá hòa thuận và thương nhau như chị em. Những đứa con của cả hai người đều gọi cả hai người bằng mẹ. Không hề có chuyện con bà cả, con bà hai phân biệt.
Sống một mình thì chẳng sao nhưng khi có vợ con, cuộc sống của người đàn ông làm nghề vớt xác dưới chân cầu Long Biên đã có nhiều thay đổi. Nhà thêm mấy miệng ăn, cuộc sống rất nặng nề vì thời điểm đó, cư dân bãi Giữa vẫn là một thế giới khác với người trên bờ. Sự kì thị diễn ra khiến không chỉ gia đình ông Được “đen” mà tất cả những cư dân đầu tiên xuống bãi Giữa không thể kiếm nổi miếng ăn đến mức “bán nước trên cầu Long Biên cũng không ai dám uống”.
Căn "nhà" của vợ chồng ông Được "đen" ở bãi giữa sông Hồng
Căn "nhà" của vợ chồng ông Được "đen" ở bãi giữa sông Hồng

Sau khi ông Được cùng gia đình cắm lều ngay bãi giữa con sông, dần dần người dân và những người đồng cảnh ngộ thấy vậy cũng theo xuống bãi. Tất cả xuống dựng lấy cái lều ở tạm qua ngày, không mất tiền nhà mà ở đây lại “tự do”. Tính đến nay, tổng số “nóc nhà” ở khu vực bãi giữa sông Hồng đã lên tới con số 24. 
“Khi tôi mới xuống bãi và lấy vợ, cuộc sống cùng cực không thể hơn được vì sự kì thị của người dân trên bờ. Đơn giản vì họ cho rằng chúng tôi là dân tứ xứ, không nhà không cửa và thuộc phường trộm cắp bất lương nên không dám “dây”. Cứ hễ mất cái gì họ lại cho rằng chúng tôi chính là thủ phạm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, những người trên bờ đã có cái nhìn khác nên dần dần chúng tôi cũng kiếm được miếng cơm và bớt phải đói triền miên hơn”, ông Được “đen” chua xót kể.
Trước hoàn cảnh như vậy, ông Được là người đứng lên huy động những cư dân ngụ cư nơi bãi Giữa sông Hồng thành lập “đội tự quản”. Mọi cư dân bãi Giữa đến nay vẫn sống bằng tinh thần cùng cảnh ngộ nên họ hiểu nhau và đoàn kết dưới lòng tâm phục, nể trọng đối với ông Được “đen”.
Cuộc sống của “kình ngư” bãi Giữa bắt đầu có những thay đổi lớn cũng có liên quan đến chính cái “nghề” vớt xác của ông Được “đen”. Sau những lần làm phúc vớt được xác người chết trôi hay cứu sống được mạng người khỏi chết đuối, những người dân trên bờ bắt đầu có thiện cảm hơn với ông Được và người dân bãi giữa sông Hồng.
Không chỉ làm phúc cứu người chết trôi, ông Được “đen” còn cứu rất nhiều cuộc đời có số phận hẩm hiu hay những người có ý định tự tử đã được ông khuyên can “thành công” và làm lại cuộc đời. Thậm chí có người hiện nay đang làm ở một công ty du lịch trong nội thành Hà Nội còn nhận ông Được “đen” là… bố vì đã “sinh ra” mình một lần nữa sau khi được cứu thoát chết.
Cả cuộc đời ông Được “đen” đều gắn liền với những câu chuyện cứu người và chết chóc. Hỏi cái tên của ông ở bãi giữa sông Hồng, không ai không biết. Bản thân người đàn ông kì lạ như ông Được “đen” cũng chưa bao giờ nghĩ cứu người để trục lợi mà tất cả chỉ là làm phúc, thấy người sắp chết là phải cứu hoặc những người chết trôi thì kéo lại chôn cất tử tế.
“Không phải chỉ vớt họ lên bờ là xong đâu. Thường những người đã có ý định tự tử như vậy tâm lý họ bất ổn lắm. Nếu những người tôi vớt được còn sống, phải động viên, hỏi han để họ trấn tĩnh lại được. Có một trường hợp tôi nhớ mãi đó là có một cậu sinh viên tôi liên tiếp gặp nhiều ngày với bộ mặt ủ rũ ngồi ngay cạnh chân cầu Long Biên. Nhìn cậu ta tôi nghĩ chắc chắn có ý định tự tử. Với kinh nghiệm của mình, tôi đã tiếp cận được cậu ta và rất may sau khi khuyên bảo, cậu ta đã không còn ý định tự tử nữa.

Rồi qua mối quan hệ của mình, tôi đã nhờ được một người trước đây tôi từng vớt được con họ chết hụt để nhờ tìm việc cho cậu ta ở nội thành Hà Nội. Đến nay, cậu sinh viên ấy đang có cuộc sống rất ổn định. Thi thoảng, cậu ta vẫn xuống đây thăm tôi và gia đình”, ông Được tâm sự về những lần may mắn cứu được người khi họ mới có ý định tự tử.
Có lần ông còn bắt được một thằng nhóc mới lớn đến trộm của người dân bãi Giữa. Bắt được kẻ trộm với bộ dạng rách rưới cùng cực, không đánh, không đập, thậm chí ông Được còn cho ăn cơm no nê rồi mới “xử”. Cách “xử” của ông Được cũng chẳng giống ai vì ông thường hỏi kẻ trộm có biết người dân ngụ cư bãi Giữa khổ thế nào không mà còn ăn trộm. Nếu kẻ trộm nói biết mà vẫn trộm thì sẽ ăn vài cái bạt tai nhớ đời. Còn nếu không biết thì sẽ được tha và đương nhiên sẽ được giáo huấn một bài. 
Ngạc nhiên là không hiểu vì sao, rất nhiều tên trộm táo tợn đã “hoàn lương” sau lần gặp ông Được “đen”. Không chỉ thế, người vớt xác dưới chân cầu Long Biên còn cưu mang biết bao số phận của những đứa trẻ mồ côi, ngày ngày lang thang nơi đầu đường, góc phố…
Hoàng Lâm - Trọng Trinh