Nga trở lại với ý tưởng dùng tàu hỏa làm bệ phóng tên lửa

24/10/2012 15:38
Theo Đất Việt
Theo Rt News, Nga có kế hoạch thiết lập lại hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa trên tàu hỏa để cung cấp một phương tiện linh hoạt hơn để phòng thủ.
“Hệ thống này bao gồm một đoàn tàu hỏa với 2-3 đầu máy diesel và toa đặc biệt được chế tạo giống hệt toa hành khách thông thường nhưng chứa  tên lửa đạn đạo liên lục địa cùng buồng điều khiển bên trong”, phát ngôn viên Lực lượng Tên lửa Chiến lược (RSVN) Vadim Koval nói. Đơn vị tên lửa đạn đạo đặt trên tàu hỏa bị loại khỏi trang bị nhưng hệ thống này vẫn được coi là một biện pháp để bảo vệ các vùng đất rộng lớn của nước Nga trước mối đe dọa toàn cầu ngày càng trở nên đa dạng hơn. “Vẫn chưa có quyết định cuối cùng cho kế hoạch này”, ông Koval nói thêm.
Tên lửa đạn đạo RT-23 ở tư thế chiến đấu trong toa tàu.
Tên lửa đạn đạo RT-23 ở tư thế chiến đấu trong toa tàu.
Ý tưởng của việc sử dụng đường sắt để di chuyển tên lửa đạn đạo không mới. Ông Koval lưu ý, đơn vị đầu tiên trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo trên tàu hỏa bắt đầu triển khai chiến đấu ở Kostroma vào tháng 10/1987 và ra khỏi biên chế năm 2005. Do tình hình quốc tế ngày càng bất ổn và khó đoán, các lãnh đạo quân sự Nga lập luận, đây là thời điểm thích hợp để thay đổi hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Hệ thống tên lửa trên tàu hỏa được triển khai với tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-23 UTTKh (Mỹ gọi là SS-24, NATO định danh Scalpel) đạt tầm bắn tới 11.000km, bán kính lệch mục tiêu 500m, lắp đầu đạn kiểu MIRV. (>> chi tiết) Trước đây, 3 sư đoàn tên lửa chiến lược ở Kostroma, Krasnoyarsk và Perm được biên chế 12 xe lửa vận chuyển 36 hệ thống RT-23. Đoàn tàu này di chuyển dọc theo tuyến đường quân sự đặc biệt cũng như tuyến đường sắt dân sự. Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, việc sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo trên tàu hỏa là phương tiện hiệu quả bảo vệ nước Nga trước mọi mối đe dọa hạt nhân.
Theo Đất Việt