Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Tâm sự của một siêu trộm Hà Thành "não to" vẫn phải bỏ nghiệp

25/10/2012 06:23
Thế Long- Thảo Lăng
(GDVN) -Dần già, họ cũng nghĩ ra một chiêu thức mới, đó là nghiên cứu thời gian làm việc của trinh sát.  Nếu các trinh sát làm việc từ sáng tới chiều, thì các cao thủ lại tranh thủ “đi chợ” vào sáng sớm và tối muộn. Đây là thời điểm của các chuyến xe đầu và cuối ngày, nếu họ đi từ bến thì “nguy cơ” gặp Cảnh sát 142 sẽ ít hơn. Nhưng cách này cũng chỉ phát huy tác dụng được vài bữa, một loạt những tên trộm cắp “tỏ ra thông minh” cũng bị tóm gọn.

Trong quá trình tìm hiểu về giới siêu trộm Hà Thành,  chúng tôi may mắn được gặp V., một cao thủ trong giới, đồng thời là người có bề dày kinh nghiệm nhiều năm “ăn hàng” trên các tuyến xe buýt ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội. Những giai đoạn làm ăn thịnh vượng, hắn kiếm được vài triệu trong 1 ngày.

Thế nhưng, từ ngày Tổ công tác 142 được thành lập, cao thủ số má này đã phải “rửa tay gác kiếm”. Sau nhiều tháng thích nghi với công việc mới, tuy nặng nhọc và phải chi tiêu khéo lắm mới đủ tiền trang trải cuộc sống, V. đã có thể sảng khoái ngồi bên quán trà xanh ngồi kể cho chúng tôi nghe về lý do chính khiến một cao thủ như hắn phải giải nghệ.

V. nói, cách đây hơn nửa năm, khi nghe tin kế hoạch 142 của Giám đốc Công an TP. Hà Nội được đưa vào thực hiện, giới trộm cắp ở Hà Nội đã bắt đầu lao xao. Bởi vì, trước đó, công an các phường ở Hà Nội cũng vào cuộc gắt gao nhưng do nhiều yếu tố, nên trộm cắp vẫn có thể chủ động hành nghề hơn.  Còn để ứng phó với một đội chuyên làm một công việc trấn áp tội phạm thì không hề đơn giản chút nào.

Quả thực như phán đoán, chỉ một thời gian ngắn khi Tổ công tác 142 ra quân, rất nhiều siêu trộm ở Hà Thành, dù có cao thủ như thế nào cũng đều bị “sờ gáy”. V. nói, trước đây, các anh em cùng làm nghề “đi chợ” thường bắt cặp với nhau để liên thủ hành động.  Nhưng do ở hầu hết các điểm dừng đỗ xe buýt, bến tàu xe, thậm chí trên xe, bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp Cảnh sát 142, nên các siêu trộm phải tụ lại với nhau, bàn phương án đối phó.

Hình ảnh một kẻ móc túi trên xe bus.
Hình ảnh một kẻ móc túi trên xe bus.

Cụ thể, các nhóm trộm cắp tụ lại với nhau đông hơn, phân công nhau thám thính, nhận diện các trinh sát. Giai đoạn đầu, họ thay nhau ra các địa điểm có thể có trinh sát 142 để nhận diện. Những hành khách chờ xe, nhưng nhiều tuyến đi qua không lên xe; hoặc những xe ôm có khách mà không chạy sẽ được liệt vào “danh sách đen”.

Nếu cần thiết, chúng có thể cho người đứng ở các toà nhà cao chụp lại ảnh các bến xe, bến tàu, điểm dừng xe buýt,…rồi mang về phân tích, đánh dấu để đồng bọn biết mà tránh.

Nhưng cách này cũng không mang lại hiệu quả lâu dài, bởi vì dường như các trinh sát thay phiên nhau liên tục, các khuôn mặt mới khiến cho các nhóm mất nhiều thời gian công sức mà không tập trung làm ăn được.

Dần già, họ cũng nghĩ ra một chiêu thức mới, đó là nghiên cứu thời gian làm việc của trinh sát.  

Nếu các trinh sát làm việc từ sáng tới chiều, thì các cao thủ lại tranh thủ “đi chợ” vào sáng sớm và tối muộn. Đây là thời điểm của các chuyến xe đầu và cuối ngày, nếu chúng đi từ bến thì “nguy cơ” gặp Cảnh sát 142 sẽ ít hơn. Nhưng cách này cũng chỉ phát huy tác dụng được vài bữa, một loạt những tên trộm cắp “tỏ ra thông minh” cũng bị tóm gọn.

Thậm chí, có lúc ngặt nghèo quá, V. và đồng bọn đành phải đi ăn hàng vào buổi trưa. V. bảo, là trộm cắp xe buýt thì ai cũng hiểu rằng buổi trưa là sự lựa chọn cuối cùng, vì lúc này khách đi xe rất vắng, việc ra tay không những khó mà còn dễ bị hành khách tóm gọn. Nhưng đến khi cùng quẫn thì đành phải chấp nhận, chỉ mong không bị Cảnh sát 142 bắt là vẫn còn miếng cơm.

Không ngờ, đi làm buổi trưa mà cũng không thoát khỏi tầm ngắm, niêu cơm của V. và nhiều đồng bọn khác bị đổ bể. Không ít trong số đó đã phải đi trại, bỏ lại vợ dại, con thơ để đền bù cho tội lỗi mà mình gây ra.

V. tâm sự, nhiều khi cùng quẫn do không còn đất sinh nhai, nhưng chưa khi nào V. tính tới chuyển bỏ nghề. Bởi theo lập luận của hắn, những tên trộm cắp chuyên nghiệp đã quen với mức tiêu pha thừa mứa, nên ngoài trộm cắp ra chẳng biết làm gì để đủ sống.

Nhưng những lần bị bắt, ngồi nói chuyện với các trinh sát Cảnh sát 142, nghe họ nói nhiều đến tương lai, nói đến những con người bị mất cắp,…thì lương tri trong V. dường như trỗi dậy.

Có lần, một chiến hữu của V. ăn cắp được một bọc tiền mấy chục triệu của 1 phụ nữ tỉnh lẻ, đang hí hửng, vui mừng thì người phụ nữ lăn đùng ra bến xe khóc lóc, than vãn rằng mình mang tiền lên Hà Nội cho con mổ tim. Bây giờ tiền mất, coi như con cũng chẳng còn, chị ta không còn thiết sống nữa. Nhìn cảnh ấy, V. không còn muốn hành nghề này nữa. Sau khi yêu cầu chiến hữu trả lại người đàn bà ấy bọc tiền, V. cũng quyết định giải nghệ.

V. bảo, bây giờ cả nhà 5 miệng ăn trông cả vào những đồng tiền công ít ỏi của hắn. Nhiều lúc khó khăn quá, yếu lòng, hắn cũng định “đi chợ” lại. Nhưng cứ nghĩ tới Cảnh sát 142, người đàn bà ngã vật ra bến xe,…thì V. dằn lòng cố gắng sống cuộc đời lương thiện.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Thế Long- Thảo Lăng