ĐH Harvard đã không còn là "giấc mơ Mỹ" với tôi!

03/08/2011 03:52
(GDVN) - Học tập tại trường ĐH Harvard có điểm gì đặc biệt và làm thế nào để “Giấc mơ Mỹ” không phải là quá xa vời?

(GDVN) - Học tập tại trường ĐH Harvard có điểm gì đặc biệt và làm thế nào để “Giấc mơ Mỹ” không phải là quá xa vời? Cùng tìm lời giải qua những chia sẻ thú vị của Nguyễn Hương Quỳnh Trang - một trong những sinh viên châu Á xuất sắc nhất của Harvard.

Chưa bao giờ dám nghĩ đến Harvard  xa vời!

Bạn tìm kiếm thông tin học bổng của các trường ĐH Mỹ thông qua kênh nào?

Tôi sử dụng bốn kênh thông tin là Mạng lưới du học sinh Việt Nam tại Mỹ (VietAbroader), USNews, Collegeboard và tổ chức IIE.

Làm thế nào để một học sinh có thể lựa chọn được một ngôi trường phù hợp với năng lực và sở thích?


Cái này tùy thuộc vào sở thích mỗi người. Cá nhân tôi lựa chọn dựa trên cơ sở thứ bậc của các trường trên tờ USNews, mức chấp nhận và trình độ SAT trên Collegeboard (để biết khả năng được chấp nhận vào học của mình là bao nhiêu). Ngoài ra, bạn nên cố gắng trả lời những câu hỏi ngắn để đánh giá/nhìn nhận đúng bản thân như bạn thích học và làm việc trong lĩnh vực nào, muốn sống trong cộng đồng như thế nào, ở thành thị hay nông thôn?...
 
Điều “ngốc nghếch” nhất mà bạn từng làm trong quá trình nộp đơn xin học bổng là gì?

Ngồi hàng giờ trước máy vi tính để viết đi viết lại một bài luận mà không thực sự hiểu chúng đề cập tới vấn đề gì (cười).

Nguyễn Hương Quỳnh Trang trong buổi lễ tốt nghiệp tại Harvard

Nguyễn Hương Quỳnh Trang trong buổi lễ tốt nghiệp tại Harvard


Một vài lời khuyên của bạn dành cho những học sinh Việt Nam muốn nộp hồ sơ xin học bổng tại các trường ĐH Mỹ?

Thứ nhất, hãy dám mơ ước. Mãi đến khi hạn cuối nộp đơn, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nộp đơn xin học ở Harvard bởi tôi nghĩ rằng điều đó là không thể; đó là trường đại học danh tiếng nhất thế giới với tỷ lệ nhận thấp một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng một ngày nọ, chỉ là để cho vui, tôi lên website của trường, lướt qua một lượt và trong một buổi chiều quyết định nộp đơn. Tôi phải thừa nhận rằng đó là một quyết định can đảm. Không có một công thức hay một lý do cụ thể cho việc nơi nào sẽ nhận bạn. Sự thật là tôi đã bị từ chối bởi hầu hết những trường “an toàn” với tỷ lệ nhận học sinh cao.

Thứ hai, đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Nếu trường học gửi mail lại hỏi về những chứng chỉ còn thiếu, hãy phản hồi lại càng sớm càng tốt. Họ có rất nhiều đơn xin học phải xem xét và sẽ đánh giá cao nếu bạn làm mọi thứ nhanh nhẹn.

Thứ ba, cố gắng làm đầy hồ sơ của bạn với những thành tích mới, những bài luận mới hoặc tài liệu nghiên cứu, những chứng chỉ bổ sung giúp bạn trở nên khác biệt so với các ứng viên khác. Những bài thơ, những đoạn băng ghi lại giọng hát của bạn... Hãy cố gắng làm cho nó mang dấu ấn cá nhân và đặc biệt nhất có thể.

Thứ tư, các trường ĐH Mỹ rất thích sinh viên tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa. Vì vậy, bạn nên cố gắng làm những việc ngoài phạm vi nhà trường, khác thường và thật đặc biệt. Tôi đã ước là mình có thể chơi một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như đàn bầu chẳng hạn. Có thể hội đồng xét tuyển sẽ thực sự thích một nhạc cụ như thế được chơi trong trường của họ.

Tôi không có điểm SAT cao nhất hoặc viết được những bài luận hấp dẫn nhất. Có thể là có 1 điều gì đó ở tôi mà hội đồng xét duyệt yêu thích, một thứ gì đó mà tôi cũng không biết. Có thể sẽ  “có điều gì đó” trong bạn như vậy. Vì thế, hãy gửi đơn xin học vào ngôi trường mà bạn mơ ước. Bạn chẳng mất mát gì khi cho tương lai của mình thêm một cơ hội.

Quỳnh Trang và mẹ trong lễ tốt nghiệp
Quỳnh Trang và mẹ trong lễ tốt nghiệp

Việc học tập ở Harvard hẳn là rất vất vả?

Mỗi kỳ chúng tôi phải học bốn môn. Cả khóa học cử nhân tại Harvard có tổng cộng khoảng 32 môn, trong đó có 8 môn cơ sở chung cho tất cả các ngành, khoảng 10 môn chuyên ngành, còn lại 14 môn, sinh viên có thể học bất cứ thứ gì họ cảm thấy hứng thú. Đó là lý do tại sao, tới năm thứ ba, sinh viên vẫn có thể đổi ngành học.

Tính cạnh tranh ở trường Harvard rất cao. Để đạt được một điểm A, bạn phải học tập rất chăm chỉ. Sự kỳ vọng từ các giáo sư cũng rất cao. Trong lớp thường chúng tôi không được “bón cho ăn”. Hầu hết các lớp mở đầu đều học dựa trên bài giảng của giáo sư, trong khi các lớp cao hơn thì đa phần là sinh viên tự thảo luận.
 
Tại Harvard, nói chung là sinh viên được nghỉ tương đối nhiều: nghỉ Hè ba tháng, nghỉ Đông một tháng, nghỉ Xuân một tuần và nghỉ ngày Lễ tạ ơn một tuần. Trong quãng thời gian này, sinh viên có thể đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Cũng phải nói thêm, sinh viên Harvard cực kỳ năng động, đa phần họ đều là thành viên của 3-4 tổ chức hoạt động tình nguyện.

Những trải nghiệm ở trường ĐH Harvard khiến bạn thực sự cảm thấy “sốc” là gì?

Có ba điều ở ngôi trường này sinh viên thường truyền khẩu nhau mà tôi thấy rất kỳ quặc, đó là:

Thứ nhất, đi tiểu tiện vào (trước) bức tượng ông John Harvard. Đây là một trong những hành động của sinh viên trong trường nhằm chống lại các du khách thăm quan-những người luôn nhìn họ (sinh viên Harvard) như thể những “sinh vật lạ”.

Thứ hai, ở Harvard rất ít khi người ta nhìn thấy những đôi lứa tay trong tay. Không phải bởi trường Harvard cấm chuyện yêu đương. Đa phần là do tâm lý của sinh viên Harvard không muốn dành nhiều thời gian cho chuyện này. Việc học tập, tham gia hoạt động ngoại khóa, xây dựng các mối quan hệ… thu hút sự quan tâm của họ nhiều hơn.

Thứ ba, la hét như người nguyên thủy. Đêm trước kỳ thi cuối cùng của học kỳ đầu tiên, những sinh viên Harvard sẽ khỏa thân và chạy xung quanh khuôn viên trường. Một số sinh viên còn mặc những bộ trang phục của đấu sĩ La Mã cổ. Những sinh viên khác vây quanh để xem. Tôi cũng đã chứng kiến cảnh tượng này vài lần và đó thực sự là một trải nghiệm hết sức tuyệt vời!

Sơn Tùng (thực hiện)

{iarelatednews articleid='9263,9188,8535'}