Chiều nay, Chính phủ báo cáo Quốc hội về Biển Đông

04/08/2011 00:35
(GDVN) - Theo nghị trình, chiều nay (4/8), Chính phủ sẽ trực tiếp báo cáo trước Quốc hội về tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây.
(GDVN) - Theo nghị trình, chiều nay (4/8), Chính phủ sẽ trực tiếp báo cáo trước Quốc hội về tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây và chủ trương xử lý của Việt Nam.
Tiếp thu đề xuất của nhiều đại biểu cũng như ý kiến cử tri, Quốc hội đã đưa vào chương trình của kỳ họp đầu tiên nội dung Chính phủ gửi báo cáo về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông vì đây là vấn đề đang được dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm.
Thủ tướng đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan, chuẩn bị báo cáo tình hình Biển Đông để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Phát biểu với tư cách là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân; tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân".

Trao đổi với báo chí ngay sau khi đắc cử, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: "Về vấn đề biển Đông, Chính phủ sẽ có báo cáo cụ thể. Còn việc ra Nghị quyết hay không thì do QH quyết định. Đây là thẩm quyền của QH. 

Trên hết, phải khẳng định rằng, chủ quyền đất nước là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Bất kể một công dân của Quốc gia nào dù to hay là nhỏ, cũng có nhận thức giống nhau như vậy. Chúng ta cũng là như thế, với mọi người dân Việt Nam, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm.

Giữ vững độc quyền biển đảo, phải dựa vào 3 cơ sở. Luật pháp phải dựa vào luật quốc nội và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước biển 1982. Đây là một quá trình đấu tranh và là thắng lợi của các nước nhỏ. 

Chúng ta phải dựa vào sức mạnh tập thể cộng đồng và luật pháp quốc tế, dứt khoát phải dựa vào đó để bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo. Trên cơ sở đó, nước nào cũng thế và chúng ta cũng thế, phải luật hoá luật quốc nội để thực hiện chiếm hữu về mặt pháp lý. Trên cơ sở đó chiếm hữu về mặt thực tế. Ba mặt vấn đề trên sẽ xác định chủ quyền của một quốc gia biển đảo, về pháp lý, lịch sử và thực tế, chiếm hữu và sử dụng, khai thác sử dụng".

Trong khuôn khổ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 21/7, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Huỳnh Đảm đã trình bày báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Về tình hình biển Đông, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Huỳnh Đảm nêu rõ: cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Do đó, cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị, trong thời gian tới Đảng và Nhà nước, tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
{iarelatednews articleid='9342,8995,8858,8860,8552,8452,8336,8244,8172,8051,7820'}
B.T