Dù giảm giá 50%, biệt thự, liền kề triệu USD vẫn ế?

30/10/2012 13:05
Theo Infonet
Nếu kinh tế còn khó khăn, bất động sản đóng băng như hiện tại, dù có giảm giá 50%, những ngôi biệt thự, liền kề có giá triệu đô vẫn ế ẩm.

Trong số hơn 1.200 căn biệt thự, liền kề bỏ hoang tại Hà Nội với số vốn đọng lến tới xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, nhiều căn đang được rao bán, song vẫn không có khách mua vì giá quá đắt, lên tới triệu đô mỗi căn.

Sức hút của căn hộ diện tích nhỏ giá rẻ khiến cho những ngôi biệt thự, liền kề giá triệu đô thêm "áp lực". Nhìn lại những năm trước đó, nhà ở phân khúc cao cấp và trung cấp được xây tràn lan, hiện tại bỏ hoang đầy rẫy, nhiều người không khỏi sốt ruột. Vẫn có những biệt thự đã có chủ, chỉ là chưa đi vào sử dụng, song không phủ nhận còn không ít căn trị giá hàng triệu đô nằm phơi nắng phơi sương, dây leo mọc đầy.

Tại khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội), đếm sơ sơ cũng có khoảng gần 20 căn biệt thự bỏ hoang. Một số căn đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng không đáng kể so với số bị bỏ hoang cả chục năm nay. “Từ lúc tôi chuyển đến đây là năm 2005, ngôi nhà đối diện vẫn bỏ hoang như vậy. Cỏ mọc đầy, trước bỏ không, mãi sau mới thấy chủ nhà đến xây bịt lại tường, lắp cổng sắt, nhưng mãi không hoàn thiện để ở”, hàng xóm một căn biệt thự tại khu đô thị Mỹ Đình 2 cho biết.

Nếu kinh tế còn khó khăn, bất động sản đóng băng như hiện tại, dù có giảm giá 50%, những ngôi biệt thự, liền kề có giá triệu đô vẫn ế ẩm. Ảnh: Hoàng Anh.
Nếu kinh tế còn khó khăn, bất động sản đóng băng như hiện tại, dù có giảm giá 50%, những ngôi biệt thự, liền kề có giá triệu đô vẫn ế ẩm. Ảnh: Hoàng Anh.


Không chỉ bỏ hoang, nhiều ngôi biệt thự giá hàng chục tỷ đồng mới xong phần thô đang được rao bán hoặc cho thuê với một số căn đã hoàn thiện. Một người xưng là chủ căn biệt thự rộng gần 200m2 tại khu đô thị này cho hay, đang rao bán căn hộ với giá 24 tỷ đồng, có bớt xong không nhiều. Còn một căn khác diện tích hơn 130m2, 4 tầng đã hoàn thiện và đi vào sử dụng từ nhiều năm nay được rao cho thuê với giá 1.700 USD/tháng, tương đương hơn 35 triệu đồng/tháng. Chủ nhân biệt thự nói trên cho biết, có thể linh hoạt thời hạn đóng tiền, nếu khách muốn sẽ chiều theo hình thức 1 tháng đóng 1 lần.

Được xây dựng từ những năm 2006, đến 2009 thì hoàn thiện, khu biệt thự của Vinaconex tại xã Trung Văn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) mới chỉ có khoảng 20 căn hoàn thiện và có người ở. Số còn lại vẫn chỉ là tường gạch thô, lối vào bị bịt kín. Hai block chung cư vẫn đang xây dang dở, chưa hoàn thiện. Ngay dưới tấm bảng phối cảnh dự án kèm thông tin chủ đầu tư, nhà thầu thi công là rao vặt bán biệt thự la liệt.

Một nhân viên tên Linh cho biết ở sàn bất động sản rao giá 70- 130 triệu đồng/m2 cho căn biệt thự rộng hơn 100m2. Nhà liền kề có giá “mềm” hơn, khoảng 5-8 tỷ đồng/căn, Linh tiết lộ và nói thêm, đã đóng 95% giá trị hợp đồng, người mua chỉ cần đóng nốt số còn lại là hoàn thiện và ở được.

Nhìn nhận thực trạng biệt thự bị bỏ hoang tràn lan thủ đô, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - nguyên Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, biệt thự xây xong mà chưa có người nhận là do giá cao, người có nhu cầu không mua nổi trong điều kiện kinh tế khó khăn. Ông cũng đưa ra nhận định, không loại trừ khả năng, nhiều tổ hợp cao cấp đã xây xong phần thô nhà nhưng đường sá, ngoại thất chưa xong nên không có người ở. Cũng có thể, do chủ đầu tư hết tiền mà ngân hàng thì không cho vay tiếp nên bán không được, xây tiếp cũng không xong.

Còn theo nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, giá biệt thự bỏ hoang cao cho thấy chủ đầu tư chưa hề bị sức ép về về tài chính. Ngay cả phương án đánh thuế biệt thự bỏ hoang cũng không thấm gì so với giá trị tài sản. Ông chia sẻ, vẫn có người sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng thì đánh thuế chẳng khác gì “châu chấu đá xe”. Do đó, cần nhìn nhận câu chuyện biệt thự bỏ hoang trong bối cảnh nhiều người dân thiếu nhà ở như là một bất bình đẳng xã hội.

Tiến sĩ Alan Phan - Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa Thượng Hải thì quan niệm, chính khủng hoảng thị trường bất động sản đã ảnh hưởng trực tiếp và tạo ra các ngôi nhà triệu đô bị bỏ hoang. Trong cách nhìn của ông, đây cũng chính là hệ quả của sự đầu cơ dồn dập và hệ lụy nhìn thấy là sự lãng phí tiền bạc. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề khác như quy hoạch, mỹ quan, là nơi “trú ẩn” cho tội phạm. Một vấn đề nhạy cảm khác là tham nhũng, thậm chí là “bôi trơn, rửa tiền” cũng được ông Alan Phan nhìn thấy.

Kiến nghị để có thể giải quyết các biệt thự bỏ hoang, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng, cần phải biết tường tận chủ nhà là ai và thông báo nếu không ở, cần phải bảo vệ, tránh việc để mốc, ai ở cũng được hay chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu không làm được, nhà nước có thể trưng mua theo giá do Nhà nước quy định và sử dụng làm nhà công vụ chẳng hạn.

“Còn nếu người ta sang sửa, đóng cửa thì mình không can thiệp vì không ảnh hưởng đến xung quanh. Hoặc nếu người mua di chuyển đi nơi khác nhưng vẫn dự trữ nhà ngoài này thì đó là quyền công dân, cũng không thể can thiệp”, ông Liêm cho biết.

Một cách giải quyết khác, theo ông Alan Phan, là Chính phủ nên quốc hữu hóa các tòa nhà này và đem bán cho người có nhu cầu với giá hợp lý, hoặc cũng có thể Chính phủ mua lại để cấp cho những người có nhu cầu thật vì trên thực tế, nhiều người đang cần nhà ở thực sự.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Theo Infonet