Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Tổng Thanh tra Chính phủ công bố số nợ của Vinashin

31/10/2012 06:42
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Kết thúc giai đoạn cuối năm 2009 thì nợ của Tập đoàn Vinashin là 86.000 tỷ chứ không phải là thất thoát”
Tại phiên thảo luận chiều ngày 30/10, tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; kế hoạch năm 2013, ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu:

“Đối với Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin thì Chính phủ đã chỉ đạo, thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn thanh tra, thanh tra từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2010, thời điểm thanh tra là 4 năm, 2006 - 2009 và thanh tra 3 nhóm vấn đề".

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (Ảnh: vov.vn)
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (Ảnh: vov.vn)

Ông Tranh nói tiếp: "Số nợ phải trả của Tập đoàn Vinashin đến ngày 31/12/2009 là 86.745 tỷ. Về số lỗ của Tập đoàn Vinashin, tổng số lỗ 4.985 tỷ trong thời gian lũy kế cho đến cuối năm 2009. Ngoài ra các khoản lỗ tiềm ẩn khác có thể gây lỗ 8.512 tỷ. 

Như vậy, trong hai khoản thực lỗ 4.985 tỷ và có khả năng gây lỗ 8.512 tỷ nữa thì cộng lại khả năng lỗ sẽ có thể lên tới 13.400 tỷ. Vậy, trong cái lỗ khả năng tiềm ẩn này thì chi phí là 2.787 tỷ. Chi phí cho sản xuất dở dang chênh lệch các khoản thu nội bộ không xác định được là 4.688 tỷ và 1.035 tỷ phải phạt trả lãi tiền đặt cọc do các chủ tàu Tập đoàn vi phạm hợp đồng.
Về bảo toàn vốn, đến 31/12/2009 thì Tập đoàn Vinashin không bảo toàn được vốn nhà nước để thâm hụt là 5000 tỷ đồng vốn điều lệ. Như vậy, con số chính xác đến thời điểm thanh tra cho đến kết thúc giai đoạn cuối năm 2009 thì nợ của Tập đoàn Vinashin là 86.000 tỷ chứ không phải là thất thoát. Cho nên chúng tôi cũng muốn nói rõ con số này, riêng lỗ là trên 4000 tỷ”. 
Trước đó, trong phần phát biểu của mình về tham nhũng và lãng phí, đại biểu Lê Như Tiến (Đoàn Đại biểu tỉnh Quảng Trị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) nói: “Chưa tính đến các tập đoàn, tổng công ty khác, chỉ riêng Vinashin đã làm thất thoát khoảng 107 nghìn tỷ đồng (trên 40 nghìn tỷ nợ nước ngoài, hơn 60 nghìn tỷ nợ trong nước). 
Trong khi đó một suất đầu tư một phòng học của chương trình kiên cố hóa trường lớp học là khoảng 500 triệu đồng, suất đầu tư nhà văn hóa xã khoảng 1 tỷ đồng, trạm xá xã khoảng 2 tỷ đồng. Nếu Vinashin không thất thoát nợ đọng thì chúng ta sẽ có thêm 214.000 phòng học hoặc 107.000 nhà văn hóa, 53.000 trạm xá xã… Trong khi đó cả nước có khoảng 11.000 xã, phường.

Nếu Vinashin không rơi vào tình trạng nợ đọng thì chúng ta không phải băn khoăn, trăn trở, buộc phải lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được nguồn”.

Cũng tại phiên thảo luận này, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước về kinh tế, đại biểu Hà Minh Huệ (Đoàn Đại biểu tỉnh Bình Thuận) nói: “Năm 2012 cũng nhận rõ những yếu tố khách quan tác động đến tình hình nước ta nhưng cũng bộc lộ rõ nhiều yếu kém, hạn chế mang tính chủ quan về hệ thống trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, kỷ cương, phép nước không được tôn trọng. 
Có những lỗ hổng lớn trong quản lý để các nhóm lợi ích thao túng trong hoạt động kinh tế, tài chính, ngân hàng với những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng kéo dài như vụ Vinashin, Vinaline, tình trạng nợ xấu ở mức báo động..”.


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!


Hồng Chính Quang