ĐH Bách khoa Hà Nội đưa các nhà khoa học lão thành vào thế bí?

31/10/2012 06:37
XT
(GDVN) - Theo phản ánh, hai công văn của ĐH Bách khoa Hà Nội về việc hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) đang can thiệp sâu vào sự cống hiến của các nhà khoa học lão thành.
Cụ thể, ngày 29/6/2012, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gửi công văn số 2038 tới các viện quản ngành khi xét hồ sơ NCS của thí sinh, trong đó lưu ý “Ưu tiên cán bộ đang chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học nhận hướng dẫn NCS; Người hướng dẫn là 1 cán bộ đương chức của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tuổi không quá 57 đối với người hướng dẫn có học vị TS, TSKH, không quá 62 đối với người hướng dẫn có học hàm GS, PGS”.
Tiếp tục, trong ngày 6/9/2912, thêm một công văn số 2527 nêu rõ:

1. Nếu NCS chỉ có 1 người hướng dẫn hiện tại không là cán bộ đương chức của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì phải bổ sung thêm 1 người hướng dẫn mới là cán bộ đương chức của trường.

2. Nếu NCS có 2 người hướng dẫn nhưng cả hai hiện tại không là cán bộ đương chức của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì phải bổ sung thêm 1 người mới là cán bộ đương chức của trường, thay thế một trong 2 người hướng dẫn cũ.
Theo GS.TSKH Lê Hùng Sơn, việc ban hành hai văn bản này đã đẩy khoảng 100 nhà khoa học lão thành của trường không còn cơ hội hướng dẫn NCS cho các sinh viên. Ảnh XT.
Theo GS.TSKH Lê Hùng Sơn, việc ban hành hai văn bản này đã đẩy khoảng 100 nhà khoa học lão thành của trường không còn cơ hội hướng dẫn NCS cho các sinh viên. Ảnh XT.

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Lê Hùng Sơn – Giảng viên cao cấp Khoa Toán Tin Ứng dụng cho biết, ông và nhiều đồng nghiệp khá bất ngờ trước quyết định này.

Điều bất ngờ nhất đối với những nhà khoa học đang thực hiện hướng dẫn nghiên cứu sinh cho sinh viên, nay nhận đươc công văn này đành phải “gác lại”, nhiều NCS phải chuyển sang  trường khác làm nghiên cứu với mục đích vẫn được làm cùng với thầy của mình ở Bách khoa.

GS.TSKH Lê Hùng Sơn cũng cho biết, bản thân ông đang hướng dẫn cho một NCS với đề tài về Toán. Tuy nhiên ngày 27/9/2012 hiệu trưởng nhà trường có quyết định “dừng luận án tiến sĩ” của NCS này. 

Gắn bó với ngôi trường được cho là danh tiếng về giới nghiên cứu, học thuật cũng như giảng dạy GS.TSKH Lê Hùng Sơn cho rằng, những cán bộ không còn đương chức ở trường hiện có khả năng đề xuất những đề tài nghiên cứu khoa học mang tầm cỡ, xứng đáng với khả năng hướng dẫn cho NCS lại là các GS, PGS đã hoặc sắp nghỉ hưu (trên 62 tuổi).

Theo GS.TSKH Lê Hùng Sơn, việc ra hai công văn trái khoáy trên của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường đã đẩy khoảng 100 nhà khoa học lão thành, có kinh nghiệm và kiến thức trong việc hướng dẫn NCS làm luận án vào thế bí (không được hướng dẫn NCS), trong khi những người này là những cán bộ khoa học đầu ngành, có công xây dựng, làm nên danh tiếng cho trường.

Một bất hợp lý nữa, công văn ra năm 2012 nhưng lại nhằm chỉ đạo về việc hướng dẫn NCS khóa 2010 và 2011. Rõ ràng hai công văn này là một cú sốc lớn với những nhà khoa học giàu kinh nghiệm, luôn hết lòng cho sự nghiện khoa học của nước nhà.

GS Sơn thẳng thắn cho biết thêm, việc áp dụng hai văn bản trên khiến nhiều NCS không chọn được người thầy mà các em đặt niềm tin. Mặc dù các thầy có kinh nghiệm không còn đương chức nhưng là thầy giỏi thì các trò vẫn tìm tới. Với quy định có vẻ trái ngược với lẽ đời trên vô tình nhà trường áp đặt NCS phải chọn những người hướng dẫn cho mình không có kinh nghiệm, non kiến thức “Chúng tôi không thể làm ngơ vì tình thương và trách nhiệm. Như vậy, vô hình chung tạo ra sự giả dối rất thâm hiểm, không thể chấp nhận được, đặc biệt trong ngành giáo dục. Anh không làm nhưng lại nhận thành tích. Người thực làm lại bị gạt sang một bên” GS Sơn chia sẻ.

Trước những bức xúc này, GS Sơn đặt nghi vấn rằng, phải chăng động cơ sâu xa của quyết định đó là gì nếu không phải lãnh đạo vì lợi ích cá nhân, cục bộ dẫn đến hành động như vậy. Theo GS Sơn, không thể áp đặt mang mệnh lệnh hành chính ra bóp nghẹt tự do của người làm khoa học như vậy.

Trước thông tin trên, một lãnh đạo của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), cho biết, hiện Bộ chưa nhận được báo cáo cụ thể của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng sẽ sớm cho người kiểm tra.

XT