Hoàn Cầu: Hải giám Trung Quốc phải "dạy" cho Nhật Bản một bài học

31/10/2012 19:07
Bảo Thành (Nguồn: Hoàn Cầu)
(GDVN) - Hoàn Cầu coi hành động này của Hải giám Trung Quốc là một “chiến thắng” và nó đã “dạy cho Nhật Bản một bài học”, đồng thời phát đi cảnh báo đối với các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 31/10 đưa tin, Cục Hải dương Trung Quốc hôm thứ Tư ra thông báo rằng đội tàu Hải giám của nước này đã “xua đuổi” được một số tàu Cảnh sát biển Nhật Bản “xâm phạm” vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku. Đây là lần đầu tiên Cục Hải dương Trung Quốc đưa ra một tuyên bố như vậy.

Hoàn Cầu cho rằng đây chính là bước ngoặt đánh dấu nỗ lực của Trung Quốc trong việc “lật đổ” quyền kiểm soát thực tế của Nhật Bản đối với nhóm đảo Senkaku kể từ khi căng thẳng tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước leo thang.

Tàu Hải giám Trung Quốc tiến sát vào gần nhóm đảo Senkaku.
Tàu Hải giám Trung Quốc tiến sát vào gần nhóm đảo Senkaku.

Hoàn Cầu cũng so sánh vụ việc này với sự kiện cách đây 2 năm khi tàu cá Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ trên vùng biển xung quanh Senkaku, và việc phía Nhật Bản bắt giữ, trục xuất nhóm người Hồng Kông đổ bộ lên Senkaku hồi tháng 8 để tuyên bố rằng tình hình tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã thay đổi về căn bản. Tàu công vụ của Trung Quốc đã “bám trụ” được trên vùng biển xung quanh Senkaku và đang mở rộng hoạt động của mình để “bảo vệ chủ quyền Trung Quốc”.

Hoàn Cầu cho rằng động thái quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku của chính phủ Nhật Bản đã phải lui bước khi Trung Quốc tiến hành “tuần tra” thường xuyên trên vùng biển này và liên tiếp tiến vào phạm vi 12 hải lý xung quanh Senkaku. Từ đó, Hoàn Cầu khẳng định "chắc nịch" rằng Trung Quốc đã lấy được bàn đạp để giành lại quyền quản lý Senkaku.

Trong chặng đường dài trước mắt, tờ Hoàn Cầu tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ đấu tranh hiệu quả với “thái độ ngạo mạn” của Nhật Bản, buộc Nhật Bản phải chấp nhận vị thế mới của Trung Quốc trên nhóm đảo Senkaku.

Cảnh sát biển Nhật Bản ngăn chặn nhóm người Hồng Kông đổ bộ lên Senkaku.
Cảnh sát biển Nhật Bản ngăn chặn nhóm người Hồng Kông đổ bộ lên Senkaku.

Theo Hoàn Cầu, Trung Quốc đã thành công trong việc đối phó với Philippines trên bãi cạn Scarborough hồi đầu năm và đã củng cố được quyền kiểm soát đối với bãi cạn này. Còn trong vấn đề Senkaku, Trung Quốc cũng đã tiến hành một đợt “phản công” lớn. Hoàn Cầu cho rằng hành động “phản công” này sẽ làm thay đổi thái độ của cộng đồng quốc tế đối với quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.

Điều quan trọng là khái niệm về sự trỗi dậy của Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi vấn đề Senkaku. Điều này cho thấy thế giới phải chấp nhận rằng Trung Quốc đang có những bước đi nhằm “bảo vệ lợi ích hợp pháp” của mình. Miễn là Trung Quốc duy trì được con đường phát triển hòa bình của mình thì thế giới có thể “phân biệt được đúng sai”, còn Trung Quốc vẫn giữ vững được lập trường đối với các tranh chấp lãnh thổ.

Hoàn Cầu coi hành động này của Hải giám Trung Quốc là một “chiến thắng” và nó đã “dạy cho Nhật Bản một bài học”, đồng thời phát đi cảnh báo đối với các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Hoàn Cầu ngạo mạn cho rằng các nước phải biết suy tính thiệt hơn trước khi “chọc vào Trung Quốc”. Theo đó việc thấy trước được hậu quả “sẽ ngăn ngừa những hành động thù địch trong tương lai đối với Trung Quốc”.

Tàu Hải giám Trung Quốc "tuần tra" trên Biển Đông. Hoàn Cầu cho rằng hành động của Hải giám trên Senkaku là lời cảnh báo đối với các bên tranh chấp trên Biển Đông.
Tàu Hải giám Trung Quốc "tuần tra" trên Biển Đông. Hoàn Cầu cho rằng hành động của Hải giám trên Senkaku là lời cảnh báo đối với các bên tranh chấp trên Biển Đông.

Hoàn Cầu cũng dự đoán rằng Nhật Bản sẽ “leo thang căng thẳng” khi phản ứng lại động thái “phản công” này của Trung Quốc trên Senkaku, và Trung Quốc sẽ cần phải huy động thêm nhiều nguồn lực để giữ vững được vị thế của mình.

Thậm chí tờ báo này còn lên tiếng răn đe Nhật Bản rằng việc đặt ra mục tiêu quá tham vọng nhằm lấy lại "vùng lãnh thổ đã mất" là phi thực tế trong thời điểm này khi Nhật Bản không có cả “sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm” để giải quyết mọi xung đột lãnh thổ nhanh chóng. Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ này, Hoàn Cầu cho rằng Trung Quốc đang “có được nhiều lợi thế hơn.”

Hoàn Cầu kết luận rằng nhóm đảo Senkaku không phải là thứ duy nhất mà Nhật Bản “có thể mất”. Điều này cũng nhắc nhở cho người Nhật rằng Tokyo cần phải “hiểu Trung Quốc” và bối cảnh tình hình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.    
Bảo Thành (Nguồn: Hoàn Cầu)