Tranh chấp Senkaku "lan" sang tận châu Âu

04/11/2012 07:56
Nguyễn Hường (nguồn Tân Hoa Xã)
(GDVN) - Các nhà ngoại giao Trung Quốc tại châu Âu đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích Nhật Bản và tiếp tục đưa ra các phát biểu hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo tranh chấp Senkaku.

Theo Tân Hoa Xã ngày 3/11, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu (EU)  Ngô Hải Long đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố mới đây của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư và cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm bác bỏ các bằng chứng lịch sử của nước này.

 Nhóm đảo Senkaku nơi đang diễn ra tranh chấp kịch liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhóm đảo Senkaku nơi đang diễn ra tranh chấp kịch liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong một bài viết được xuất bản gần đây của tờ tuần báo New Europe, Ngô Hải Long bác bỏ tuyên bố của Nhật Bản cho rằng những tấm bản đồ Trung Quốc xuất bản vào thế kỷ trước là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Tokyo vì nó cho thấy Trung Quốc chưa từng công bố chủ quyền đối với Điếu Ngư trước những năm 1970.
"Bản đồ được Nhật Bản đề cập tới là World Atlas được xuất bản ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tấm bản đồ này được vẽ bằng dữ liệu lấy từ thư viện Shenbao Newspaper trong thời gian nó nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản trong một cuộc chiến tranh xâm lược. Vì vậy, nó không phù hợp trong trường hợp Nhật Bản dùng tấm bản đồ của mình để công bố chủ quyền" - ông Long nói.
Ngoài  ra, nhà ngoại giao Trung Quốc còn cáo buộc các quan chức cấp cao của Nhật Bản gần đây đã cố tình trích dẫn một phần cuộc trò chuyện giữa Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là Kakuei Tanaka để bác bỏ cuộc tranh chấp trong tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku.

Tàu Hải giám của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện ở khu vực Senkaku.
Tàu Hải giám của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện ở khu vực Senkaku.

"Nội dung đầy đủ của cuộc trò chuyện năm 1972 là hai nhà lãnh đạo đã đồng ý sẽ giải quyết vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong tương lai để bình thường hóa quan hệ Trung - Nhật. Tuy nhiên, ngày nay các nhà chức trách Nhật Bản đang cố gắng gợi lại để chơi chữ và chối bỏ lịch sử" - Ngô Hải Long cho hay.
Vị Đại sứ này còn cho rằng những động thái gần đây của Tokyo cho thấy sự lừa dối cộng đồng quốc tế bằng cách xuyên tạc lịch sử. 
Trong một bài báo xuất bản hôm 2/11 trên tờ Financial Times, Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã lên tiếng chỉ trích Nhật Bản và khẳng định thêm tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Senkaku. 
Ông  Lưu Hiểu Minh cho rằng nếu Nhật Bản thực sự muốn chung sống hòa bình với các nước láng giềng châu Á thì cần phải có cái nhìn nghiêm túc đối với lịch sử và nên học tập nước Đức điều này.

Cuộc chiến vòi rồng giữa Cảnh sát biển Đài Loan và Cảnh sát biển Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku ngày 25/9.
Cuộc chiến vòi rồng giữa Cảnh sát biển Đài Loan và Cảnh sát biển Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku ngày 25/9.

Đại sứ Trung Quốc cho rằng việc các quan chức cấp cao của Tokyo đến thăm viếng đền Yasukuni, nơi chôn cất các tội phạm chiến tranh Thế giới II người Nhật Bản, và thi thoảng đưa ra "những lời xin lỗi miễn cưỡng" đã "chưa bao giờ thuyết phục được các nước láng giềng".
Lưu Hiểu Minh cũng cho rằng các bằng chứng lịch sử cho thấy Senkaku/Điếu Ngư là phần lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ và những căng thẳng gần đây giữa hai nước là kết quả của việc Tokyo "mua" quần đảo này bất hợp pháp.
Nhà ngoại giao này nói rằng động thái tăng cường kiểm soát quần đảo Senkaku của Nhật Bản gần đây đã khiến Trung Quốc rơi vào tình thế không còn sự lựa chọn nào và phải dùng tới các biện pháp cứng rắn để kìm chế Nhật Bản.
Ông Minh nhấn mạnh, chính sách về quần đảo Senkaku của Trung Quốc là nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là chính sách hợp pháp và chính đáng.

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong xung quanh quần đảo Senkaku những tháng gần đây dường như nguy hiểm hơn nhiều so với người ta tưởng. Tranh chấp Senkaku sẽ còn leo thang và có nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang thực sự.
Nguyễn Hường (nguồn Tân Hoa Xã)