Có một V-League xấu xí rất... 'ngẫu nhiên'

06/08/2011 23:30
(GDVN) - Có những việc xấu không phải là ngẫu nhiên xảy ra, ai cũng nhận thấy điều đó, nhưng lại cứ làm ra vẻ rất tự nhiên và... tình cờ.

(GDVN) - Có những việc xấu không phải là ngẫu nhiên xảy ra, ai cũng nhận thấy điều đó, nhưng lại cứ làm ra vẻ rất tự nhiên và... tình cờ.

Theo dòng sự kiện:

> Sao trẻ HAGL gãy gập chân khủng khiếp như Eduardo, Aaron Ramsey

> Clip pha vào bóng thô bạo của Thanh Hùng khiến Thái Học gãy chân

> Nghỉ hết mùa, Evaldo không thể phá kỷ lục ‘phá lưới’ V.League

> Cầu thủ gãy chân Thái Học: Thanh Hùng lao thẳng gầm giày vào chân tôi

> Thái Học gãy chân, cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai sốc nặng, hãi hùng

> HLV K.Khánh Hòa phân trần về việc Thanh Hùng đá gãy chân Thái Học

> GĐĐH Hoàng Anh Gia Lai: “Phải phạt nặng Thanh Hùng để làm gương!”

> Cư dân mạng xót xa cho ca gãy chân kinh hoàng của Thái Học

Từ những cú xoạc bóng tàn độc

Cố ý hay vô tình, chúng ta không thể phán xét Thanh Hùng khi anh này lao vào Thái Học. Những cú vào bóng như thế trên thế giới có đầy, nếu không muốn nói rằng đó là một phần của thể thao. Chấn thương rình rập khắp chốn đối với các vận động viên.

Nhưng một điểm đáng ngờ xuất hiện: trước đó Evaldo cũng đã phải rời sân sau khi bị Hoàng Đức vào bóng. Chính Thái Học được HLV Nguyễn Quốc Tuấn gọi vào sân thay cho Evaldo và đến lượt anh nối bước người đồng đội. Phải chăng các cầu thủ Khatoco Khánh Hòa đã cố tình nhắm vào tiền đạo chủ lực của đội bóng phố núi, và sau đó là cả người thay thế cho anh?

Không phải ngẫu nhiên mà cả Evaldo lẫn Thái Học phải rời sân
Không phải ngẫu nhiên mà cả Evaldo lẫn Thái Học phải rời sân.

Evaldo đang dẫn đầu danh sách ghi bàn của V-League mùa giải này, và đó là một thông tin hết sức đáng lưu tâm khi liên kết với sự kiện nêu trên. Những người như vậy có thể gây nguy hiểm cho bất cứ đội bóng nào, nhất là lại trong một trận đấu quan trọng cho suất trụ hạng giữa HAGL và K.KH. Và một cách hiển nhiên, Evaldo trở thành mục tiêu ngăn chặn chính của các hậu vệ Khánh Hòa.

Từ đó có thể đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh việc phía Khánh Hòa khiến 2 tiền đạo của HAGL bị chấn thương liên tiếp. Phương Tây có câu: “Một việc ngẫu nhiên không bao giờ xuất hiện tới 3 lần”, nhưng 2 ca chấn thương, cho 2 cầu thủ cùng đá một vị trí, cũng đủ để tạo cơ sở cho dư luận nghi ngờ về lối chơi trong trận đấu đó của đội bóng vùng duyên hải.

Đến nghi vấn trọng tài

Cũng với câu nói được trích dẫn nêu trên, nay ta hãy đến với những diễn biến trên sân Lạch Tray. Hữu Phước đánh cùi chỏ vào mặt Timothy, Đình Luật lên gối mỗi lần tranh chấp bóng bổng với hậu vệ HP.HN, chưa kể những pha ăn vạ ở cuối trận khi khoảng cách chỉ là 1 bàn… Rất, rất nhiều điều đã được phô bày trước khán giả đất Cảng lẫn những người Hà Nội đến theo dõi. Chỉ có trọng tài Trần Công Trọng mắt mù tai điếc.

HLV Nguyễn Thành Vinh bước vào phòng họp báo với khuôn mặt thiểu não và những câu nói đứt quãng. Là người từng trải với bóng đá, từng nếm đủ mùi vinh nhục với trái bóng, nhưng trong phòng họp báo ấy, ông Vinh Nghệ đã bất lực. Mọi chuyện trên sân xảy ra rất thật nhưng những hình ảnh ấy như đùa cợt ông, HP.HN và cả người xem. Lớp vỏ giáp che chở ý chí của ông đã rơi mất trong giờ phút cay đắng đó.

Từng trải như ông Vinh
Từng trải như ông Vinh "Nghệ" cũng không giữ được bình tĩnh.

Đúng như ông nói, “Bóng đá Việt Nam là thế mà”. Chuyện trọng tài thiên vị đội chủ nhà không có gì mới, thậm chí ở các giải VĐQG khác cũng có chứ không riêng Việt Nam. Nhưng “ép ghê quá, thiên vị ghê quá”, những từ ấy nói lên rằng nó đã đi quá mức chịu đựng của những người trong cuộc. Nó rành rành, trắng trợn, ngay giữa thanh thiên bạch nhật ra đó. Nhưng chẳng ai thay đổi được gì.

Trước trận đấu này, trọng tài Trần Công Trọng đã cầm còi 2 trận khác cũng tại Hải Phòng. Cả hai đều khiến dư luận phải nghi ngờ: Navibank Sài Gòn để thua 0-2 ở vòng 7 vì một tiếng còi bí hiểm trên khán đài, và SHB Đà Nẵng bị cầm hòa 1-1 trong thế dẫn trước ở vòng 18 sau khi ức chế với những tình huống chơi bẩn của hậu vệ đối phương.

Có ngẫu nhiên không khi cả 3 trận trọng tài Trần Công Trọng bắt chính, Hải Phòng thắng cả 3?
Có ngẫu nhiên không khi cả 3 trận trọng tài Trần Công Trọng bắt chính, Hải Phòng thắng cả 3?

Với nghi án ở trận đấu gần nhất, như vậy ông vua áo đen này đã 3 lần phải khiến công luận đặt câu hỏi về tài năng lẫn đạo đức của mình. Đủ 3 lần rồi đấy! Như vậy là những sai lầm của Trần Công Trọng không phải ngẫu nhiên.

Và thái độ của VFF

Cách đây vài tuần dư luận được chứng kiến cảnh các nữ cầu thủ Than Khoáng sản Việt Nam (TKSVN) tự ý bỏ cuộc giữa chừng trận đấu với nữ TPHCM. Tất cả xuất phát từ tình huống thổi phạt đền cho TPHCM của trọng tài Bùi Quang Thông. Tiếng còi đó đúng hay sai chưa xét, chỉ riêng hành động của TKSVN là đã rõ ràng và cần phải trừng phạt.

Tuy nhiên sự việc lại diễn ra rất bi hài: Giám sát trận đấu Nguyễn Nam Tiến ra nài nỉ nữ TKSVN trở lại sân, cả thầy lẫn trò. Đến lúc ông Nguyễn Trọng Thảo, trưởng phòng Bóng đá nữ, phong trào và futsal gọi điện cho HLV Đoàn Minh Hải, ông Hải mới yêu cầu các nữ cầu thủ trở lại sân. Quả phạt đền được thực hiện nhưng một cầu thủ nữ TPHCM đá hỏng vì căng thẳng tâm lý, mang lại chức VĐQG cho TKSVN.

Nữ TKSVN bị phạt 10 triệu đồng vì tự ý bỏ trận đấu, nhưng chức vô địch thì đã kịp đút túi
Nữ TKSVN bị phạt 10 triệu đồng vì tự ý bỏ trận đấu, nhưng chức vô địch thì đã kịp đút túi.

Đến đây thì chúng ta lại thấy một động thái rất quen thuộc của VFF. Trưởng ban kỷ luật ra quyết định phạt TKSVN 10 triệu đồng vì hành vi tự ý bỏ trận đấu, 3 triệu đồng và đình chỉ 2 trận làm nhiệm vụ ở khu vực kỹ thuật với HLV Đoàn Minh Hải và trợ lý HLV Phạm Thanh Tùng, 5 triệu đồng và án treo giò 3 trận với thủ môn Nguyễn Thị Thanh Hảo của TKSVN vì hành vi xô đẩy trọng tài. Nghe rất quen tai, phải không?

Theo Luật FIFA thì khi 1 đội tự ý rời sân thì trọng tài sẽ yêu cầu HLV và đội trưởng gọi cầu thủ của mình trở lại sân thi đấu trong 1 khoảng thời gian nhất định (trọng tại quy định và báo trước) nếu không trở lại sân thì sẽ bị xử thua 0-3. Ở đây, theo Luật thì TKSVN sẽ bị xử thua và phạt khoảng 30 triệu đồng. Không biết trọng tài và cả VFF có thuộc Luật FIFA không?

Và cũng không phải lần đầu tiên mà VFF “non gan” phóng những bản án nhẹ tay mà không đúng Luật như vậy. Cách đây 1 năm công chúng đã bày tỏ sự phản đối dữ dội với mức kỷ luật mà VFF dành cho Hải Phòng vì hành vi nếu “vật thể lạ” xuống sân và phản ứng thiếu văn hóa với trọng tài và cầu thủ đội khách.  Hải Phòng bị phạt 60 triệu đồng nhưng đó lại là lần thứ 2 chỉ trong một mùa giải sân Lạch Tray để xảy ra tình trạng đó, dù vậy Trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường lại cho rằng trong 2 lần đó hành vi vi phạm không giống nhau nên không đủ cơ sở coi là tái phạm.

Miễn bình luận về sân Lạch Tray...
Miễn bình luận về sân Lạch Tray...

Nay trở lại với nghi án trọng tài trên sân Lạch Tray. Công bằng mà nói, trọng tài Trọng đúng hay sai sẽ có sự xem xét từ Ban kỷ luật. Tuy nhiên hành động bao vây ông Trọng của các cầu thủ và BHL Hòa Phát HN là không thể bỏ qua, xét về mặt chuẩn mực hành vi. Mặc dù vậy trong buổi làm việc với BTC V-League, vẫn chưa có một quyết định nào được đưa ra. Phải chăng BTC sợ HP.HN sẽ bỏ giải thật nên không dám đưa ra án phạt vội? (Có thể xem đó cũng như hành động của nữ TKSVN)

Họ quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt xem lại các băng hình cho bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của đội chủ nhà để xác định xem “những phản ứng của CLB Hòa Phát HN với trọng tài Trần Công Trọng có cơ sở hay không”. Thế đó, VFF chưa dám động đến hành vi gây sự sau trận của HP.HN cho dù nó đã rõ mồn một và được cả chục triệu người xem V-League chứng kiến. Lãnh đạo VFF lại còn phải xem hành vi đó “có cơ sở” hay không, dù bản chất đó là hành vi có thể đe dọa tới thân thể của trọng tài Trọng và cần phải ngay lập tức bị trừng phạt làm gương.

Trọng tài Trọng đúng sai chưa biết, nhưng phản ứng của HP.HN đáng để nhận hình phạt
Trọng tài Trọng đúng sai chưa biết, nhưng phản ứng của HP.HN đáng để nhận hình phạt.

Cách xử lý đó đã lặp đi lặp lại trong một thời gian dài qua rất nhiều vụ việc nên không thể xem đó chỉ là thái độ nhất thời (và cũng rất… ngẫu nhiên) của VFF với các vụ tiêu cực. Mà, tại sao lại xử án dựa vào thái độ nhỉ, chúng ta có Luật cơ mà?

Xấu… ngẫu nhiên


Một tài xế rất giỏi không thể gặp tai nạn tới 3 lần liên tiếp, trừ khi anh ta không có năng lực. Một học sinh giỏi không thể thi trượt đại học liền 3 năm, trừ khi học sinh đó học kém hoặc vi phạm quy chế thi. Cứ từ đó mà suy, những sự kiện trên không phải ngẫu nhiên mà có.

Tuy vậy thì chúng ta, những người xem bóng đá Việt Nam và luôn mong muốn nền bóng đá được phát triển hơn nữa, tuần qua tuần vẫn lại thấy những sai lầm như trên: cầu thủ đá xấu, trọng tài thổi thiên vị, VFF xử án nhẹ hoặc không đúng Luật…

Và cũng lặp đi lặp lại như vậy, BTC lần nào cũng đổ cho chuyên môn kém, công tác quản lý chưa được sát sao cho mỗi lần xuất hiện nghi vấn tiêu cực. Đến cuối giải đấu, lãnh đạo lại như một con vẹt nhắc đi nhắc lại những lời đã học thuộc, “hát” lại bài ca “Giải đấu diễn ra thành công tốt đẹp”.

Có tai nạn nào cứ định kỳ lại xuất hiện?
Có tai nạn nào cứ định kỳ lại xuất hiện?

Những người hâm mộ thì, cũng một cách hết sức đều đều, đến sân mang theo trống, băng-rôn và tất cả những gì có thể dùng được để cổ động cho đội bóng của mình. Những tờ 50.000 đồng, 100.000 hay thậm chí 200.000 đồng vẫn được đều đặn dùng để mua những tấm vé vào xem những tai nạn lặp đi lặp lại kia.

Chỉ có một điều mà VFF đã không cố làm ra vẻ tự nhiên, đó là hàng năm đặt mục tiêu vô địch Đông Nam Á cho ĐTQG (AFF Cup) hoặc đội U-23 (SEA Games). Năm nào cũng vậy, chỉ tiêu không tiến cũng chẳng lùi, rất đều đặn mà không phải vì cao hứng mà đặt ra như thế.

Đỗ Âu

{iarelatednews articleid='9738,9715,9669,9615,9626,9623,9605,9599,9549,9531,9525'}