Nhắc lại lời hứa của tân nội các trước nhân dân

05/08/2011 16:15
(GDVN) - Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII đã dành 11/14 ngày làm việc, tập trung vào công tác nhân sự, bầu chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp cao

(GDVN) - Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII đã dành 11/14 ngày làm việc, tập trung vào công tác nhân sự, bầu chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp cao của các cơ quan Nhà nước. Một cuộc chuyển giao của thời kỳ phát triển mới nặng đầy trách nhiệm trước đất nước và nhân dân, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Cùng nhìn lại những chia sẻ của các thành viên Chính phủ mới sau khi nhậm chức.

Chính phủ khóa mới. Ảnh TTXVN
Chính phủ khóa mới. Ảnh Vietnamnet

Mặc dù Hiến pháp và pháp luật chưa quy định ràng buộc cụ thể về hình thức tuyên thệ nhậm chức trước nhân dân, nhưng liên tiếp các phát biểu cam kết đầy tâm huyết trong những ngày qua của Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng và các bộ trưởng sau khi được Quốc hội tín nhiệm, đã đem đến cho đồng bào cử tri cả nước sự kỳ vọng to lớn đối với hiệu quả vận hành của bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Trên hầu khắp các báo đăng tải bài phát biểu nhậm chức của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong đó, nổi bật lên những vấn đề chính sau:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh TTXVN
 Thủ tướng: "Chúng tôi nguyện làm công bộc của dân".

"Chúng tôi nguyện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương  đạo đức Hồ Chí Minh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước" - Thủ tướng khẳng định trong bài phát biểu nhậm chức. 

Thủ tướng hứa xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh

“Để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó, Chính phủ-Thủ tướng Chính phủ xin nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tập trung sức xây dựng hệ thống hành chính nhà nước, trước hết là Chính phủ trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả; góp phần thiết thực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, đúng pháp luật và có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và ngăn ngừa, khắc phục quan liêu.

Thủ tướng khẳng định: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền

“Trước mắt phải tập trung sức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là chăm lo giảm bớt khó khăn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và cải thiện đời sống của nhân dân.

Đồng thời triển khai thực hiện kiên định và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch" .

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Hai tân Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và Nguyễn Văn Phúc phát biểu về công việc mới cũng như những nhiệm vụ trước mắt cần ưu tiên giải quyết trong thời gian này.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:  Không phải thu thuế để người dân khó khăn

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
“Thuế là nguồn thu của Nhà nước, nhưng thuế lại từ sản xuất, kinh doanh nên quan điểm xây dựng chính sách thuế trước hết là phải làm thế nào để có được nguồn thu nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh chứ không phải thu thuế để người dân khó khăn. 

Vì vậy, định hướng chiến lược thuế trong 10 năm tới là làm sao phải động viên để từng đơn vị, doanh nghiệp hay người dân đó tích lũy được vốn, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo ra nguồn thu lâu dài, vững chắc mà trong giới tài chính thường gọi là “nuôi dưỡng nguồn thu”. Đó là chiến lược thuế lâu dài.

Nhưng công tác quản lý thu phải mở rộng đối tượng, phải làm sao chống được thất thu, đảm bảo vừa công bằng, môi trường thuận lợi, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết tâm quyết liệt chống tham nhũng

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “ Trong lúc tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn thì nhiệm vụ sắp tới đây là phải tập trung kiềm chế lạm phát, giải quyết tốt an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống của người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Để đáp ứng những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mỗi thành viên Chính phủ phải hiệp lực, hỗ trợ nhau trong công việc, đoàn kết thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, biện pháp đã được đề ra và coi đó là lời hứa của mình để vượt qua khó khăn hiện nay.

Sắp tới chống tham nhũng phải có chương trình đồng bộ với quyết tâm cao, với sự giám sát quyết liệt của nhân dân. Để chống tham nhũng trong hệ thống cơ quan của chúng ta. Ưu tiên đầu là cụ thể hóa thể chế chính sách, ngoài ra phải xây dựng chế độ công chức công vụ. Thể chế tốt đến mấy mà con người không tốt thì không ổn

Các bộ trưởng


Sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 3/8, các tân bộ trưởng đã chia sẻ về những nhiệm vụ trước mắt cần thực hiện với báo giới.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: Ưu tiên giải quyết ùn tắc giao thông

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Bộ Giao thông sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt 3 vấn đề trên.

Bộ Giao thông sẽ ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam, nâng cấp đường sắt hiện có, cân đối phát triển đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Phải có biện pháp tốt nhất bảo vệ chủ quyền

Bộ trưởng Phạm Bình Minh
Bộ trưởng Phạm Bình Minh
Trả lời về vấn đề chủ quyền, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định: “Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước, là lợi ích của dân tộc, trách nhiệm của đối ngoại là làm sao có những biện pháp tốt nhất đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước, làm sao duy trì được hòa bình, duy trì được quan hệ tốt với các nước. Và đặc biệt trong giải quyết vấn đề biển Đông chúng ta thừa nhận có những tranh chấp và chủ trương là giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển cũng như Tuyên bố của các bên về cách ứng xử về biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC). 

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: Ưu tiên hàng đầu của tôi là việc làm

“ Ưu tiên hàng đầu của tôi là vấn đề việc làm, vấn đề đời sống của người lao động và cả những vấn đề về đối tượng chính sách mà cử tri quan tâm. Với trách nhiệm bộ trưởng đương nhiên tôi quan tâm đến những việc đó.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Quyết tâm giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, giá dịch vụ y tế.

“Ngành y tế sẽ phải nỗ lực trong thời gian tới để giải quyết các vấn đề nóng hiện nay như quá tải bệnh viện. Việc này một mình ngành y tế nỗ lực không được. Chính quyền các cấp cũng phải lo cho dân. Đầu tư của Nhà nước có tăng nhưng còn hạn chế. Người dân thì thu nhập thấp nên phải có thời gian mới đáp ứng được”.

Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh:  “Cần thay đổi tư duy, giá dịch vụ y tế hiện nay đã quá lỗi thời, nên cần chấp nhận giá mới để nâng cao chất lượng y tế”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Giúp người dân tiếp cận nhà ở tốt hơn

“ Tôi sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường quản lý đô thị tránh phát triển thiếu bền vững, tự phát, theo phong trào và tiếp đến là phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Nhà ở xã hội có thể nội thất tiền nào của ấy nhưng phải đảm bảo an toàn, phòng chống được thiên tai, hạ tầng xung quanh phải đảm bảo cho sinh hoạt cộng đồng tối thiểu.

Giá cả nhiều loại nhà cũng đang vượt khỏi khả năng thanh toán của người dân. Vì vậy, quan điểm của tôi là dùng công cụ thị trường nhưng mục tiêu phải đáp ứng tốt hơn cho cuộc sống người dân, giúp người dân tiếp cận tốt hơn với nhà ở”. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh: Thay đổi quan điểm trong đầu tư


Trả lời phỏng vấn sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “ Một vấn đề rất lớn đang đặt ra là nâng cao hiệu quả đầu tư chung của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là hiệu quả đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Ngân sách của chúng ta có hạn trong khi nhu cầu phát triển của đất nước rất lớn nên phải thay đổi quan điểm trong đầu tư. Đó là Nhà nước phải tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách để khuyến khích các nguồn lực trong nhân dân, trong doanh nghiệp, trong các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư phát triển. 

Vốn Nhà nước chỉ tập trung cho các vấn đề trọng yếu, then chốt, đột phá của đất nước. Cụ thể là phải tạo ra những cơ chế để thu hút các nguồn lực khác và vốn nhà nước là một dạng tiền đề, điều kiện xúc tác để phát triển các nguồn lực khác. Cơ chế chính sách trong đầu tư tới đây phải theo hướng khơi dậy được những nguồn lực to lớn trên”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Tránh cám dỗ để trong sạch

Ông khẳng định trước nhân dân: “Mặc dù chưa trực tiếp làm công tác thanh tra nhưng với kinh nghiệm từng lãnh đạo công tác thanh tra, tôi nhận thức rõ thanh tra được xác định là “bạn của dưới, tai mắt của trên”, nếu làm thanh tra tốt sẽ giúp cho sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ và sự lãnh đạo của Đảng ngày càng sát với yêu cầu của thực tế cuộc sống. Hiện tôi chưa nhận nhiệm vụ nên chưa biết mức độ (sự cám dỗ trong công việc - PV) như thế nào, nếu có thì mình tránh và giáo dục lực lượng trong ngành phải trung thành, trung thực và trong sạch để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong giai đoạn tới”.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: “Ưu tiên số một là kiểm soát giá”

Bộ trưởng Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Vương Đình Huệ
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, kiểm soát giá cả là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đối với các mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu, điện. Do vậy, cơ quan đầu tiên ông sẽ vào làm việc là Cục Quản lý Giá thuộc Bộ Tài chính.

“Kiểm soát giá đang là vấn đề rất quan trọng. Bộ Tài chính và cá nhân tôi rất tán thành với ý kiến chúng ta phải quản lý giá theo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường phải gắn liền với các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo...

Việc điều hành giá cả, nhất là với những mặt hàng như điện, xăng dầu cần phải dựa trên yếu tố minh bạch chi phí và giá thành. Hiện nay, tôi biết dư luận cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi của Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex). Do đó, một trong những công việc tôi ưu tiên là làm việc với Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính, rà soát lại các số liệu về giá điện, giá xăng cũng như kiểm soát giá một số mặt hàng khác rất quan trọng như thuốc chữa bệnh, giá lương thực, thóc lúa...”

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: Bảo vệ đất nước bằng sức mạnh tổng hợp, Xây dựng Hải Quân hiện đại.
 

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh
 Đó là lời khẳng định của bộ trưởng Phùng Quang Thanh được đăng tải trên các trang báo.

Chúng ta bảo vệ đất nước bằng sức mạnh tổng hợp, sức mạnh nội lực, bằng sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại. Bây giờ không còn giống như thời kỳ chiến tranh lạnh mà phân ra các phe. Hiện nay phải tranh thủ sự ủng hộ quốc tế vào chính nghĩa. Muốn vậy phải chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách công khai minh bạch, chính xác cho quốc tế chứ hoàn toàn không phải lôi kéo, tập hợp lực lượng để đối trọng, chống lại các nước khác”.
 
“Mua các trang bị quân sự là kế hoạch dài hạn từ nay đến năm 2020. Trước mắt phấn đấu trong 5-6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp Kilo 636, đây là loại tàu hiện đại.

Chúng ta có mua tàu ngầm, tên lửa, máy bay và các khí tài kỹ thuật khác cũng là để phòng thủ, tự vệ, bảo vệ hòa bình và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước, chứ hoàn toàn không có ý định đi đe dọa các nước xung quanh”.  

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: Thực thi quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi trong nhiệm kỳ tới vẫn là thực thi quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính. Nhiệm kỳ vừa qua, công việc này đã có được bước phát triển khá tốt đẹp. Nhưng cải cách hành chính là cả một quá trình, đó mới chỉ là giai đoạn bước đầu, các giai đoạn tiếp theo cần phải quyết liệt hơn nữa”

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy hoàng: Tôi sẽ là bộ trưởng hành động

“Để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, Nhà nước luôn đòi hỏi một bộ trưởng phải hành động. Cá nhân tôi xin nói sẽ cố gắng hết sức, sẽ bắt nhịp công việc và sẽ điều hành Bộ Công thương hoạt động hiệu quả. Tôi sẽ là bộ trưởng hành động”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: Tập trung tháo gỡ cơ chế quản lý và tài chính.

“Cái khó của ngành khoa học và công nghệ là cơ chế nên cần tập trung tháo gỡ, đặc biệt là cơ chế quản lý và cơ chế tài chính. Ngân sách nhà nước chi cho ngành khoa học - công nghệ về cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Nhưng xã hội còn thiếu sự quan tâm cho lĩnh vực này. Theo tôi, một trong những cách cần tiến hành là thực hiện cơ chế khoán chi cho khoa học công nghệ”.

Hải Hà