Luận án TS tại Nhật: 8 đối sách để giải quyết vấn đề Biển Đông

05/08/2011 23:27
(GDVN) - Những tham vọng và toan tính lâu dài của Trung Quốc vẫn luôn là một biến số khó lường.
(GDVN) - Những tham vọng và toan tính lâu dài của Trung Quốc vẫn luôn là một biến số khó lường. Nhiều nhà phân tích cho rằng chiến lược trở thành một “siêu cường biển” của Trung Quốc có thể sẽ được hiện thực hóa trong vài thập niên tới khi nền kinh tế, an ninh quốc phòng và sức ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đủ mạnh.
Thứ nhất, Việt Nam không thể mập mờ trong vấn đề Biển Đông. Dù cộng đồng quốc tế đang có những dấu hiệu tốt đẹp theo hướng ủng hộ và mong muốn một cơ chế hợp tác đa phương nhằm giải quyết hiệu quả tranh chấp tại Biển Đông. Song tình hình sẽ còn diễn biến khá phức tạp và mang tính nhạy cảm không chỉ về tranh chấp chủ quyền, ranh giới biển mà cả vấn đề chiến lược trong cán cân quốc tế, hoạt động chính trị, pháp lý, quân sự trong khu vực và quốc tế. 
 
Sự phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế đòi hỏi Việt Nam cân nhắc cẩn trọng, trước hết là phải có tiếng nói trong các diễn đàn khu vực, đặc biệt là Diễn đàn ARF, Diễn đàn Shangri-la, và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, có sự minh bạch và rõ ràng về chính sách, đồng thời đưa ra đường lối ngoại giao chiến lược đúng đắn, có cách sự xử khôn khéo nhằm bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia và góp phần cùng các nước trong và ngoài Tổ chức ASEAN duy trì sự hòa bình và ổn định trong khu vực.
Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng đường lối ngoại giao độc lập chủ quyền, tự chủ, đẩy mạnh an ninh trên biển, tăng cường theo dõi, công tác tuần tra giám sát trên biển nhằm đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia và an toàn cho ngư dân Việt Nam trong khu vực chủ quyền, đồng thời chủ động ngăn chặn những hành động gây hấn của Trung Quốc trên cơ sở tuân thủ Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và cơ chế đạt được trong thời gian tới.
Thứ ba, Việt Nam cần khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN. ASEAN là Tổ chức duy nhất của khu vực Đông Á, là tổ chức sáng lập và chủ trì các cơ chế, diễn đàn hợp tác và an ninh khu vực như ASEAN+3 (10 nước ASEAN và ba nước Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM Plus), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), vv. 
Việt Nam cần tham gia tích cực và chủ động, đồng thời nâng cao vị thế và vai trò trong ASEAN nhằm phát huy đoàn kết nội khối và sự đồng thuận cao, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, xây dựng thể chế vững mạnh, nâng cao vị thế và tiếng nói chung của ASEAN trong việc đảm bảo lợi ích của các quốc gia thành viên về tranh chấp tại Biển Đông. 
Điều này sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy sự ủng hộ và quyết tâm xây dựng bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) của tất cả các nước thành viên ASEAN, tạo tiếng nói chung và kế hoạch hành động thiết thực, mạnh mẽ hơn trên trường khu vực và quốc tế khi giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình và ổn định khu vực.
Thứ tư, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn có mối quan tâm chung đến hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác trong khu vực. Trong bối cảnh Hội nghị cấp cao Đông Á ASEAN+8 (10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, và mới đây nhất là Mỹ và Nga) và Diễn đàn ARF, Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn khi các nước có mong muốn đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực thông qua việc giúp các bên có tranh chấp giải quyết vấn đề nhanh chóng, tạo sự ổn định và an ninh bền vững của khu vực cũng như theo cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Thứ năm, Trung Quốc là nước láng giềng với Việt Nam. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và sự hợp tác chính trị-an ninh vì lợi ích song phương sẽ góp phần quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Vì vậy ngoài phương thức đa phương, Việt Nam cũng cần tranh thủ kênh ngoại giao song phương với Trung Quốc trên cơ sở giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hòa bình và độc lập chủ quyền, tăng cường các cuộc viếng thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, các hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin và đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực.
Tuy nhiên, những tham vọng và toan tính lâu dài của Trung Quốc vẫn luôn là một biến số khó lường. Nhiều nhà phân tích cho rằng chiến lược trở thành một “siêu cường biển” của Trung Quốc có thể sẽ được hiện thực hóa trong vài thập niên tới khi nền kinh tế, an ninh quốc phòng và sức ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đủ mạnh để trở thành một cường quốc. Do vậy, Việt Nam cần xây dựng chiến lược lâu dài nhằm bảo vệ tuyệt đối chủ quyền thiêng liêng quốc gia tại Biển Đông kể cả khi bộ Quy tắc ứng xử COC được xây dựng. 
Thứ sáu, Việt Nam cần chủ động tổ chức và tích cực tham gia nhiều hơn nữa các hội thảo, diễn đàn về Biển Đông thu hút học giả trong nước và quốc tế tham gia, đẩy mạnh công tác nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Biển Đông nhằm đưa ra những đối sách chiến lược đúng đắn.
Thứ bảy, tăng cường công tác giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền an ninh quốc gia thông qua nhiều hình thức mang tính hiểu quả hơn. Trước xu hướng toàn cầu hóa, việc nâng cao nhận thức, tư duy và tình cảm của thế hệ trẻ về tình yêu đất nước và tinh thần dân tộc càng đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo về chủ quyền an ninh quốc gia. 
Căng thăng leo thang tại Biển Đông trước hành động gây hấn của Trung Quốc trong thời gian vừa qua thực sự đã dấy lên mạnh mẽ “ngọn sóng Biển Đông trong lòng người Việt”. Nhiều cuộc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc đã diễn ra cả trong và ngoài nước. 
Đó là điều rất đáng tự hào về tinh thân yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền dân tộc của thế hệ trẻ Việt Nam. Do vậy, đây chính là thời điểm mà Việt Nam cần đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông thông qua nhiều biện pháp hữu hiệu hơn như tổ chức theo định kỳ các hội nghị, hội thảo, diễn đàn và thi viết bài về Biển Đông ở các trường học, ở các cơ sở Đoàn thanh niên-Hội học sinh sinh viên, các buổi sinh hoạt chính trị, thi tìm hiểu về Trường Sa, Hoàng Sa trên các phương tiên thông tin đại chúng. 
Các phương tiện truyền thông cũng cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về Biển Đông, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời nhằm tránh tình trạng bàng quan, mơ hồ trước chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Rào cản đối với Trung Quốc…
Các nước có tranh chấp chủ quyền nói riêng và ASEAN nói chung sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn an ninh khu vực nhằm xây dựng bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông COC có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý và thỏa thuận Bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xủ Biển Đông DOC nhằm quy định đầy đủ các điều khoản điều chỉnh hành vi của các bên liên quan để có thể quản lý hiệu quả tranh chấp Biển Đông. 
Mặc dù Trung Quốc sẽ không mấy thiện chí với nổ lực này nhưng trước áp lực của công đông quốc tế trong khuôn khổ các diễn đàn an ninh khu vực, Trung Quốc sẽ chấp nhận thương lượng đa phương như một giải pháp có thể tại các hội nghị cấp cao liên quan sẽ được tổ chức tại Bali trong tháng 11 tới bên thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19. Tuy nhiên Trung Quốc sẽ tích cực thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho mình. 
Điều quan trọng là Mỹ tất nhiên không đứng ngoài cuộc và sẽ có tiếng nói ủng hộ các nước ASEAN với yêu cầu tôn trọng quyền tự do hàng hải qua các tuyến đường biển chiến lược. Sự can thiệp của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Australia sẽ là rào cản khiến Trung Quốc không tỏ thiện chí về 2 văn bản trên. Tuy nhiên rất có thể sẽ đạt được thỏa thuận giữa các nước ASEAN và Trung Quốc về Bản hướng dẫn thực thi DOC trong năm nay, trong khi khó có thể đi đến thỏa thuận chung về Quy tắc ứng xử Biển Đông COC trong năm nay, thậm chí là năm 2012 - năm chuyển giao quyền lực các nhà lãnh đạo Trung Quốc. 
Dù là thỏa thuận DOC hay COC thì ranh giới các vùng chồng lấn giữa các nước có tranh chấp sẽ vẫn không được phân định mà chỉ là văn bản luật mềm (soft law) quy định các điều khoản điều chỉnh hành vi của các bên liên quan hoặc quy tắc ứng xử để có thể quản lý hiệu quả tranh chấp Biển Đông, giảm căng thẳng và nguy cơ xung đột. Việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông chỉ có thể được thực hiện bằng thương lượng trực tiếp giữa các bên tranh chấp, hoặc thông qua các cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền và được các bên tranh chấp thỏa thuận sử dụng. 
Tuy nhiên Trung Quốc sẽ không tỏ thiện chí theo phương thức này để đạt thỏa thuận chủ quyền lãnh thổ hay phân định ranh giới biển tại Biển Đông do chiến lược tham vọng kiểm soát vùng biển này. Do vậy kế hoạch tiến ra biển của Trung Quốc dự kiến trong tương lai sẽ được thực hiện tích cực hơn. 
Chừng nào Trung Quốc hướng tới trở thành cường quốc và chừng nào Trung Quốc còn tăng trưởng kinh tế nhanh, việc Trung Quốc tiến ra biển sẽ ngày một tăng. Nguyên nhân lớn nhất là do Trung Quốc muốn chiếm địa vị bá quyền trên vùng biển Đông Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông, để đảm bảo nguồn tài nguyên biển phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế nhanh chóng, bảo vệ con đường giao thông trên biển có giá trị chiến lược rất quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn an ninh-quân sự quốc gia, và đảm bảo mục tiêu cuối cùng là trở thành một “siêu cường biển” trong tương lai.
{iarelatednews articleid='9713,9686,9604,9560,9513,9323,9342,8995,8858,8860,8552'}
Nguyễn Hữu Quyết