Điểm mặt một số máy bay được TQ khoe tại Triển lãm Hàng không 2012

12/11/2012 07:40
Đông Bình
(GDVN) - Triển lãm Hàng không Chu Hải Trung Quốc chuẩn bị được tổ chức tại Quảng Đông, Trung Quốc với quy mô lớn, với nhiều máy bay.
Máy bay chiến đấu J-10 bay biểu diễn
Máy bay chiến đấu J-10 bay biểu diễn


Triển lãm Hàng không Chu Hải chuẩn bị được tổ chức tại Chu Hải, Quảng Đông. Không quân Trung Quốc lần thứ hai tham dự với tư cách là đơn vị tổ chức.

Máy bay Trung Quốc tham gia triển lãm

Theo công bố của phía Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 14/9/2012, Triển lãm Hàng không Chu Hải lần thứ 9 do chính quyền tỉnh Quảng Đông, Bộ Công nghiệp-Thông tin Trung Quốc, Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, Không quân Trung Quốc, Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Công ty Máy bay thương mại Trung Quốc, Tập đoàn Khoa học công nghệ Hàng không-Vũ trụ, Tập đoàn Công nghiệp Khoa học Hàng không-Vũ trụ đồng tổ chức.

Triển lãm Hàng không Chu Hải là cuộc triển lãm hàng không quốc tế mang tính tổng hợp được tổ chức 2 năm 1 lần, được cho là mang tính thương mại, chuyên nghiệp, trưng bày những sản phẩm hàng không-vũ trụ của thế giới hiện nay. Đến nay, diện tích triển lãm đạt 28.200 m2, các nước và khu vực tham gia lên tới 39, có 650 đơn vị tham gia triển lãm, hơn 85 loại máy bay tham gia triển lãm.

Triển lãm Hàng không Chu Hải lần này được tổ chức từ ngày 13-18/11/2012 tại Quảng Đông, Trung Quốc.

Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba J-10?
Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba J-10?

J-10 bay biểu diễn và trưng bày

Trung Quốc sẽ trưng bày “tĩnh” 1 chiếc máy bay chiến đấu J-10 (không kể tốp 7 chiếc J-10 bay biểu diễn).

J-10 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ ba, và là máy bay chiến đấu siêu âm, đa năng, 1 động cơ, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, do Trung Quốc "tự nghiên cứu" chế tạo. Nước ngoài có khi gọi nó là F-10.

J-10 là một loại máy bay chiến đấu đa năng/đa dụng, có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trên không và ném bom. Tháng 1/2004, trung đoàn 132, sư đoàn 44 của Không quân Trung Quốc đã trang bị tốp J-10 đầu tiên.

J-10 dài 14,57 m, sải cánh 8,78 m, lực đẩy 122.000 Newton, tốc độ tối đa 2,0 Mach, trần bay tối đa 18.000 m, bán kính tác chiến 1.250 km, hành trình tối đa 2.500 km, trọng lượng cất cánh tối đa 19.277 kg, lượng tải đạn 7.000 kg.

Được biết, phi đội biểu diễn “8.1” (Bát Nhất) của Không quân Trung Quốc trước đây đã tiến hành biểu diễn bằng 7 loại máy bay như J-5, J-6, JJ-5, J-7EB, J-7GB, nhưng đến ngày 31/5/2009 đã đổi sang sử dụng máy bay chiến đấu J-10 mới do Trung Quốc tự sản xuất.

Tại triển lãm lần này, đội bay biểu diễn “8.1” của Trung Quốc sẽ cùng với đội bay biểu diễn của Nga và Pháp tiến hành bay biểu diễn cho khách tham quan xem.

Máy bay ném bom chiến đấu JH-7A Trung Quốc
Máy bay ném bom chiến đấu JH-7A Trung Quốc

8 loại máy bay hiện có, 5 loại máy bay “bảo tồn”

Tại triển lãm lần này, Không quân Trung Quốc sẽ còn cử 8 loại máy bay tiên tiến hiện có tự sản xuất tham gia triển lãm, gồm máy bay chiến đấu J-8DF, máy bay ném bom chiến đấu JH-7A, máy bay tiếp dầu H-6H, máy bay cảnh báo sớm KJ-200, máy bay trực thăng vận tải Z-8KA và máy bay trực thăng vũ trang Z-9WA tham gia trưng bày “tĩnh”.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ trưng bày 5 loại máy bay “di vật/di sản” kiểu bảo tồn của Bảo tàng Không quân gồm máy bay Phùng Như (FR), Liệt Ninh (LN), MiG-15 BS, CJ-5, J-6.

Được biết, máy bay trực thăng vũ trang Z-19 sẽ tiến hành bay biểu diễn tại triển lãm.

Khả năng J-31 xuất hiện tại triển lãm

Có nguồn tin cho biết, tại gian phòng triển lãm cũng vừa xuất hiện một mô hình máy bay chiến đấu kiểu mới có thân hình thoi, cánh đuôi thẳng đứng, 2 động cơ, 2 cửa nạp, rất giống với những hình ảnh máy bay chiến đấu tàng hình kiểu mới do Trung Quốc tự sản xuất được dân mạng tuyên truyền – “máy bay bánh tét/bánh chưng” (tức máy bay chiến đấu tàng hình J-31, hay J-21).

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc vừa bay thử
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc vừa bay thử

Gần đây, mô hình máy bay chiến đấu “bí mật” này đã được bố trí hoàn tất tại gian triển lãm, được dư luận nghi ngờ là “máy bay bánh tét” (J-31).

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 vừa được Trung Quốc cho bay thử lần đầu tiên, là loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ “thứ tư” do Công ty Máy bay Thẩm Dương Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, nội bộ gọi là máy bay chiến đấu AMF.

Được biết, việc nghiên cứu chế tạo loại máy bay này hoàn toàn không được Không quân Trung Quốc ủng hộ về kinh phí. Công ty Máy bay Thẩm Dương không chỉ chú ý tới thị trường trong nước, mà còn có ý định chào hàng tới các khách hàng nước ngoài, tranh cao thấp với máy bay thế hệ “thứ tư” được chào bán duy nhất của nước ngoài (Mỹ) là F-35.

Tuy nhiên, không rõ nguyên nhân gì, ngày 11/11, mô hình máy bay chiến đấu tàng hình J-31 đã bị đưa đi khỏi Triển lãm Hàng không Chu Hải.

Tên lửa phòng không

Tên lửa phòng không thế hệ mới của Trung Quốc sẽ được trưng bày tại triển lãm: Mạng phát thanh Trung Quốc cho biết, hệ thống vũ khí tên lửa phòng không FD-2000 của Tập đoàn Công nghiệp Khoa học Hàng không Trung Quốc (đơn vị nghiên cứu chế tạo, sản xuất vũ khí tên lửa lớn nhất Trung Quốc) sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải.

Hệ thống vũ khí tên lửa phòng không tầm xa FD-2000 là trang bị chiến đấu phòng không thế hệ mới do Trung Quốc chế tạo, đánh dấu Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới sở hữu khả năng và công nghệ phòng không tầm xa.

Tên lửa phòng không FD-2000 là phiên bản xuất khẩu của tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc sản xuất.
Tên lửa phòng không FD-2000 là phiên bản xuất khẩu của tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc sản xuất.

Theo chuyên gia của Tập đoàn Công nghiệp Khoa học Hàng không Trung Quốc, hệ thống vũ khí tên lửa FD-2000 đã ứng dụng rất nhiều công nghệ như cơ chế dẫn đường phối hợp, radar dẫn đường mảng pha, dầu dẫn radar chủ động, phóng thẳng đứng “cold”, chỉ huy-kiểm soát số hóa; có thể đánh chặn các loại mục tiêu tập kích đường không, cự ly ảnh hưởng ...

FD-2000 được báo Trung Quốc mô tả là “khắc tinh” trên toàn bộ bầu trời đối với các loại mục tiêu tấn công (máy bay, bom…), đáp ứng các nhu cầu của chiến tranh hiện đại như phòng không lãnh thổ, phòng không khu vực, phòng không khu vực quan trọng và phòng không dã chiến...

Bằng hình thức mô phỏng tại triển lãm, công chúng có thể thấy, FD-2000 sẽ được bố trí ở các thành phố quan trọng, xung quanh các sân bay và quá trình đánh chặn sau khi phát hiện mục tiêu.

Ngoài ra, người phát ngôn của triển lãm lần này, Triệu Hiểu Long cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Khoa học Hàng không Trung Quốc sẽ còn trưng bày 50 loại trang bị phòng không và các loại tư liệu âm thanh và video v.v…

Máy bay không người lái

Báo “Nhân Dân” Trung Quốc cũng cho biết, tại triển lãm lần này, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc cũng sẽ trưng bày 3 “đồ thật” – máy  bay không người lái tiên tiến là Dực Long (YL), Thiên Ưng I (TY-I), Lam Hồ (LH).

Máy bay không người lái Dực Long (đồ thật)
Máy bay không người lái Dực Long (đồ thật)

Trong đó, ngoại hình của máy bay không người lái Dực Long giống với máy bay không người lái Predator do Mỹ chế tạo. Máy bay này là một loại máy bay không người lái lưỡng dụng quân-dân, đa năng, hoạt động trong thời gian dài.

Có trọng lượng cất cánh tối đa 1.100 kg, thời gian bay liên tục tối đa 20 giờ, có thể mang theo các loại thiết bị trinh sát, chiếu laser/đo cự ly, đối kháng điện tử và vũ khí tấn công không đối đất cỡ nhỏ, thực hiện các nhiệm vụ như theo dõi, trinh sát và tấn công đối đất.

Viện nghiên cứu 3 Tập đoàn Công nghiệp Khoa học hàng không Trung Quốc cho biết, máy bay không người lái WJ-600 và hệ thống tác chiến hợp nhất trinh sát-tấn công của máy bay không người lái tốc độ cao do viện này nghiên cứu phát triển, sẽ trưng bày tại triển lãm.

Hệ thống tác chiến hợp nhất trinh sát-tấn công này là một hệ thống tác chiến hợp nhất - tích hợp 4 chức năng gồm trinh sát chiến trường, chỉ thị mục tiêu, tấn công chính xác và đánh giá hiệu quả phá hủy.

Hệ thống này lấy máy bay không người lái WJ-600 làm đơn vị cơ bản, lấy hệ thống chỉ huy kiểm soát làm trung tâm, thông qua liên kết mạng lưới tác chiến hiệp đồng thông tin, tiến hành trinh sát và tấn công đối với các mục tiêu có giá trị cao ở chiều sâu.

Máy bay không người lái WJ-600
Máy bay không người lái WJ-600

Hệ thống này vừa có thể tác chiến độc lập, vừa có thể cung cấp thông tin tác chiến cho vũ khí tấn công chính xác khác, tác chiến hiệp đồng với các hệ thống khác, là thủ đoạn quan trọng tấn công đối phương-kiểm soát trên không trong tác chiến phi đối xứng...

Ngoài ra, các tờ báo điện tử Trung Quốc còn cho biết, máy bay thương mại ARJ21-700 (bay biểu diễn), máy bay chi viện cỡ lớn Giao Long, máy bay chở khách C919, máy bay trực thăng WZ-10 (lần đầu tiên) v.v… của Trung Quốc cũng sẽ xuất hiện tại Triển lãm lần này.

Nhiều hãng hàng không nước ngoài tham gia triển lãm

Tại triển lãm lần này, tất cả các khách hàng cũ của triển lãm gồm hãng Beoing, hãng Airbus, Roll-Royce, Sukhoi đều tham gia. Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng không-vũ trụ nổi tiếng quốc tế như hãng Bombardier của Canada, Hiệp hội Công nghiệp hàng không-vũ trụ, Công ty CFM của Pháp, hãng Honeywell của Mỹ đã mở rộng diện tích tham gia triển lãm.

Các hãng nổi tiếng thế giới như Công ty Goodrich, Trực thăng Bell của Mỹ, Liebherr Aerospace của Pháp sau nhiều năm vắng bóng, nay đã quay lại tham gia triển lãm. Một loạt những gương mặt mới như hãng Eaton của Mỹ cũng sẽ lần đầu tiên tham gia.

Báo Trung Quốc đã giới thiệu cụ thể về một số máy bay của Nga và Pakistan tham gia triển lãm lần này, gồm có:

Nga

Theo các nguồn tin, Công ty Cổ phần Máy bay trực thăng Nga vừa trả lời phỏng vấn báo chính chính quyền cho biết, họ sẽ tham gia Triển lãm Hàng không Chu Hải lần thứ 9 của Trung Quốc tổ chức từ ngày 13-18/11/2012, phía Nga không chỉ giới thiệu một loạt kiểu loại máy bay hiện có cho các khách hàng mới, cũ của Trung Quốc, mà còn giới thiệu về hệ thống dịch vụ hậu mãi mới.

Máy bay trực thăng Mi-171 của Trung Quốc, do Nga chế tạo
Máy bay trực thăng Mi-171 của Trung Quốc, do Nga chế tạo

Theo bài báo, Trung Quốc là một trong những thị trường máy bay trực thăng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, rất nhiều khách hàng Trung Quốc sẽ quen với việc lựa chọn máy bay trực thăng của Nga.

Được biết, tại Triển lãm Hàng không Chu Hải lần này, Công ty Máy bay trực thăng Nga sẽ triển lãm máy bay trực thăng hạng trung đa năng Mi-8/M-17, trong đó có máy bay trực thăng Mi-171 đã được Trung Quốc trang bị. Máy bay trực thăng hạng nhẹ đa năng mới Ansat và Ka-226T, máy bay trực thăng Mi-171A2 phiên bản nâng cấp mới cũng sẽ trưng bày cho công chúng xem.

Đồng thời, máy bay trực thăng hạng nặng Mi-26T và máy bay trực thăng Mi-26T2 phiên bản nâng cấp cũng có kế hoạch tham gia.

Máy bay trực thăng hạng nặng Mi-26T Nga
Máy bay trực thăng hạng nặng Mi-26T Nga

Ngoài ra, một số đội bay biểu diễn của các nước như Nga, châu Âu (Pháp)… cùng với đội bay biểu diễn “8.1” (Bát Nhất) sẽ tham gia biểu diễn tại Triển lãm.

Đội bay biểu diễn “8.1” Trung Quốc được thành lập ngày 25/1/1962, đến nay đã trải qua 50 năm, đã tiến hành bay biểu diễn hơn 390 lần để chào đón hơn 630 đoàn đại biểu của hơn 140 nước.

Đội bay biểu diễn “8.1” đã lần lượt sử dụng 7 loại máy bay gồm J-5, J-6, JJ-5, J-7EB, J-7GB. Ngày 31/5/2009 đổi sang sử dụng máy bay chiến đấu mới J-10, biến Trung Quốc thành một trong số ít quốc gia sử dụng máy bay thế hệ thứ ba để bay biểu diễn.

Pakistan

Máy bay JF-71 Thunder/FC-1 Kiêu Long tái xuất

Ngày 9/10, máy bay chiến đấu Kiêu Long của Pakistan đã hạ cánh xuống sân bay Chu Hải (các nguồn tin cho là có 3 chiếc và 2 máy bay bảo đảm cho nó là máy bay vận tải C-130), đây là lần thứ hai máy bay chiến đấu này tham gia triển lãm hàng không Trung Quốc.

Theo người phát ngôn của Không quân Pakistan, loại máy bay này sẽ bay biểu diễn với nội dung hoàn toàn mới.

Được biết, 3 chiếc JF-17 trên lần lượt đến từ phi đội chiến đấu 16 (phi đội báo đen) và phi đội chiến đấu 26 (phi đội nhện đen) của Không quân Pakistan.

Máy bay chiến đấu JF-17 của Không quân Pakistan
Máy bay chiến đấu JF-17 của Không quân Pakistan

Phi đội nhện đen là lực lượng tác chiến đầu tiên trang bị máy bay JF-17 của Không quân Pakistan. Phi đội này có lịch sử “huy hoàng”, được thành lập năm 1967, ban đầu trang bị máy bay chiến đấu F-86 của Mỹ, bị bắn rơi 7 chiếc trong chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971, bắn bị thương 2 máy bay chiến đấu Ấn Độ, có 2 người được khen thưởng cao nhất của Không quân Pakistan.

Từ năm 1980, phi đội này bắt đầu trang bị J-6, và 4 năm sau lại đổi sang trang bị máy bay cường kích Q-5III, năm 2010 bắt đầu đổi sang trang bị máy bay Kiêu Long/Thunder.

Còn phi đội báo đen là phi đội thứ hai của Không quân Pakistan trang bị máy bay chiến đấu JF-17, trước đó trang bị máy bay tấn công Q-5 do Trung Quốc chế tạo.

Được biết, máy bay chiến đấu JF-17 là một loại máy bay chiến đấu 1 động cơ, 1 chỗ ngồi, hạng nhẹ, đa năng, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có bản quyền sở hữu trí tuệ, do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc và Không quân Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo, phát triển.

Đông Bình