HCV Toán học trẻ nhất: Làm toán vì 'nghiệp chướng'

17/11/2012 07:55
Theo VTC
“Tôi làm toán là vì “nghiệp chướng”. Đã có nhiều lần tôi tìm cách đổi nghề mà không thành, “ông trời” vẫn “bắt” tôi làm toán, và vẫn nuôi tôi bằng nghề này”.
GS Nguyễn Tiến Dũng, người từng giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế năm 1985 chia sẻ.

Tuổi thơ gian khó

Sinh cuối năm 1970, tính đến mùa hè năm 1985, mới 14 tuổi rưỡi, ấy vậy mà trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 26 tại Helsinki, Phần Lan, anh đoạt huy chương vàng! 
Anh là học sinh Việt Nam đoạt huy chương Vàng ít tuổi nhất. Cậu bé Nguyễn Tiến Dũng ngày ấy giờ đã trở thành giáo sư Toán tại một trong những đại học danh tiếng nhất nước Pháp.

GS Nguyễn Tiến Dũng - người từng giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế năm 1985 khi mới hơn 14 tuổi
GS Nguyễn Tiến Dũng - người từng giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế năm 1985 khi mới hơn 14 tuổi

Đối với nhiều nhà toán học Việt Nam nổi tiếng, dù đã thành danh ở nước ngoài nhưng trong họ những ký ức về những năm tháng gian khó tuổi thơ luôn hiện hữu một cách sống động. Dường như chính những thiếu thốn về vật chất đã góp phần hun đúc lên những bộ óc siêu phàm ngày nay.

Nhớ lại tuổi thơ đầy gian khó của mình, cậu học trò nghèo Nguyễn Tiến Dũng vẫn hình dung rõ như in từng câu chuyện như một cuốn phim quay chậm.

Nguyễn Tiến Dũng sinh ra trong một gia đình nghèo tại Hà Nội. Thời đó, ở Việt Nam tất nhiên hầu như ai cũng nghèo cả. Nhưng gia đình anh thuộc loại “nghèo của những người nghèo”. Khi còn bé, cả nhà 4 người bố mẹ, chị ruột, và Nguyễn Tiến Dũng sống trong một căn phòng 9 mét vuông ở một ngõ nhỏ ở phố Huế (Hà Nội), mọi thứ bếp núc và công trình phụ là dùng chung. 

Kể về cuộc sống ngày đó, anh hóm hỉnh chia sẻ: “Bữa ăn no bụng là mừng rồi, thỉnh thoảng mới có ít “chất đạm”. Khi tôi quãng 6 tuổi, một lần được ăn thịt bò, thấy ngon quá mới hỏi mẹ: “đây là gì hả mẹ”. Mẹ tôi bảo đấy là thịt bò. Tôi liền nói: “về sau con sẽ vừa làm kỹ sư vừa đi bán thịt bò”. Lúc đó tôi chưa biết rằng, cái số  “vừa làm kỹ sư vừa đi bán thịt bò” đấy sẽ ứng vào tôi mãi về sau”.

Bố mẹ của Dũng đều là giáo viên cấp hai. Mà giáo viên cấp hai thời đó thì rất nghèo, lương không đủ ăn và nuôi hai con. Mẹ anh phải cố gắng kiếm thu nhập bằng mọi cách, từ những việc thủ công, đến những việc như đi bán bánh mì “chui”.

Trong ký ức của cậu học trò nghèo, khái niệm “bữa tươi” được hiểu thật đơn giản: “Thầy cô giáo ngày xưa như bố mẹ tôi được học sinh rất quý. Thỉnh thoảng, có phụ huynh làm nghề bán hàng tặng cho một ít lạp xưởng, hay một cái bánh mì kẹp ba tê, thế là có “bữa tươi” vậy thôi”. 

GS Nguyễn Tiến Dũng (áo đen, bên phải) chụp ảnh cùng GS Lê Tự Quốc Thắng - người đoạt HCV Olympic Toán quốc tế năm 1982
GS Nguyễn Tiến Dũng (áo đen, bên phải) chụp ảnh cùng GS Lê Tự Quốc Thắng - người đoạt HCV Olympic Toán quốc tế năm 1982

Tuy cha mẹ chỉ là những giáo viên rất nghèo, anh Dũng vẫn cảm thấy mình là người may mắn vì luôn nhận được sự quan tâm của cha mẹ đến việc học tập hơn những bạn bè cùng trang lứa.

Cũng bởi vậy, khi lớp chuyên toán cấp 1 đầu tiên được mở ra ở quận Hai Bà Trưng, Nguyễn Tiến Dũng được gia đình cho thi vào đó, và thế là từ đó luôn học chuyên toán cho đến khi hết phổ thông.

Khi học ở chuyên toán, càng ngày Dũng càng đạt thành tích tốt, được cử đi thi học sinh giỏi, và đến năm cuối cấp hai cũng đạt giải Nhất toán toàn quốc. Với thành tích xuất sắc của mình, Nguyễn Tiến Dũng đã được vinh dự gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân dịp quốc tế thiếu nhi 01/06. 
Tuy nhiên, chia sẻ về thành tích của bản thân mình, anh Dũng vẫn kiêm tốn: “Thành tích đó không phải do tôi thông minh gì đặc biệt, mà chủ yếu là do sự say mê tìm tòi toán học và điều kiện được học lớp chuyên với các thầy tốt đều là bạn bè của bố mẹ, và do ở nhà có nhiều sách toán thôi”. 

Anh kể lại tuy bố chỉ là giáo viên cấp 2, nhưng yêu khoa học nên có mua nhiều sách toán và vật lý để ở nhà, kể cả sách cao cấp và như một lẽ tự nhiên anh cứ thế lôi ra đọc. 

Vì say sưa học toán và có được nhiều thầy giỏi, bạn hay, nên khi học lớp 11 ở Chuyên toán đại học Tổng hợp (nay là đại học Khoa học tự nhiên), Nguyễn Tiến Dũng đã được chọn vào đội tuyển đi thi Olympic Toán quốc tế. 

Lần đầu tiên được ra nước ngoài nên cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, cậu học trò nghèo Nguyễn Tiến Dũng không khỏi ngỡ ngàng vì phong cảnh thiên nhiên của đất nước Phần Lan vô cùng tươi đẹp, con người ở đó cũng thân thiện và rất mến khách.

Anh Dũng kể lại: “Lúc đó tôi như một cậu bé “nhà quê ra tỉnh”, rất ngố và chẳng biết gì cả, ăn mặc cũng rất nghèo túng. 

Trước khi tôi đi thi, bố mẹ tôi có đi tìm mua cho tôi một đôi giầy nhưng không phải giày da mà là giầy người ta đóng bằng bìa các tông, đi sang đến Phần Lan thì sưng hết cả chân và giầy thì rách nhưng vẫn cảm thấy rất vui.”

Sau khi thi IMO năm 1985, cậu học trò Nguyễn Tiến Dũng và các bạn cùng đội tuyển được đặc cách tốt nghiệp phổ thông và cho đi du học.

Làm toán như một “nghiệp chướng”

GS Nguyễn Tiến Dũng trong một giờ giảng bài cho các sinh viên
GS Nguyễn Tiến Dũng trong một giờ giảng bài cho các sinh viên

Chiếc huy chương vàng Olympic Toán học năm 1985 như một bước ngoặt trong cuộc đời để giờ đây Nguyễn Tiến Dũng đã là một giáo sư nổi tiếng tại Pháp. Tuy nhiên, anh vẫn chỉ nhận mình là người có “nghiệp chướng” với toán.

Anh Dũng chia sẻ: “Có nhiều nhà toán học trên thế giới sinh ra là để làm toán, sống là để làm toán, toán học là cuộc sống của họ, họ không bao giờ mảy may có ý nghĩ bỏ toán. 

Họ thật sự là những người rất hạnh phúc trong công việc của mình. Một số người bạn cùng thế hệ với tôi  như Vũ Hà Văn hay Ngô Bảo Châu, hay như anh Phạm Hữu Tiệp trên tôi một số năm,  có thể được xếp vào hạng như vậy. 

Còn tôi, tôi làm toán là vì “nghiệp chướng”. Đã có nhiều lần tôi tìm cách đổi nghề mà không thành, “ông trời” vẫn “bắt” tôi làm toán, và vẫn nuôi tôi bằng nghề này”.

Anh Dũng không hề dấu diếm suy nghĩ từng nhiều lần muốn bỏ toán và đổi nghề. Khi ở thành phố Montpellier (Pháp), anh quyết tâm chuyển nghề. Đầu tiên là định theo hướng tin học nên anh đã đăng ký học thạc sĩ về máy tính ở Montpellier. 

Dường như anh khá “vô duyên” với tin học khi “Tôi có mày mò tự học cách viết chương trình chạy trên mạng (server side application), có lần làm sập luôn cả hệ thống máy tính của khoa vì chương trình của tôi liên tục sinh ra các “zombie”. 

Những câu chuyện hấp dẫn về Thung lũng Silicon khiến anh Dũng cũng hi vọng một ngày nào đó mình sẽ thành công khi nhảy sang làm máy tính. Nhưng tiếc rằng, điều kiện ở Montpellier không giống như ở bên Mỹ. Đi học thạc sĩ máy tính, nhưng học phải nhiều thứ lý thuyết nên anh thấy chán chứ không thấy hay, và không được làm quen nhiều máy móc hiện đại. Nên cuối cùng anh Dũng bỏ cuộc, không lấy bằng thạc sĩ máy tính.

Rời bỏ ngành học về máy tính, anh Dũng lại nghe có những nhà toán học thành triệu phú, tỷ phú về chứng khoán, nên cũng nghĩ “họ làm được thì mình cũng làm được”. Một lần nữa anh quyết tâm nhảy vào thị trường chứng khoán, coi nó như là một cứu cánh. 

“Trong một số năm, tôi bỏ khá nhiều thời giờ nghiên cứu chứng khoán, nghĩ chiến lược này nọ. Nhưng mấy lần “ra quân” không may phải đúng mấy lúc thị trường sập, thế là lại thiệt hại lớn, và sau đó lại hì hụi gỡ lại” - Anh Dũng nhớ lại.
Trong năm 2000, Nguyễn Tiến Dũng trở thành một chuyên gia trong một chuyên ngành toán học nhỏ gọi là “hình học Poisson”, và tham gia hội đồng khoa học và hội đồng tư vấn cho các hội nghị quốc tế về lĩnh vực này. 

Cũng trong năm 2000, anh Dũng được mời làm giáo sư tại ĐH Toluse (Pháp) khi anh mới chỉ 32 tuổi. GS Nguyễn Tiến Dũng cùng GS Ngô Bảo Châu trở thành những người Việt Nam trẻ nhất được phong hàm giáo sư tại nước ngoài.

Kể cả khi đã thành giáo sư, anh vẫn bị cái số “vừa làm kỹ sư vừa đi bán thịt bò” chi phối. Vào cuối năm 2007 đầu năm 2008, anh Dũng có làm về lĩnh vực tài chính cho một công ty trong một thời gian, với một mức lương khá tốt và thêm nhiều hứa hẹn.

“Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, làm vài tháng là tôi thấy có quá nhiều vấn đề, và đặc biệt là “rủi ro về mặt đạo đức”, nên cuối cùng cái chân “giáo khổ trường công” vẫn là “nghèo nhưng mà sang”, là chỗ dựa an toàn của mình”- GS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ lý do anh quay trở lại với nghề dạy vốn quen thuộc với mình.

Hiện tại, anh Dũng cũng khá hài lòng với cuộc sống của mình bởi có nhiều thời gian để nghiên cứu những vấn đề thú vị trong Toán học.

Anh kể rằng, sau nhiều năm leo qua các bậc lương và trở thành “giáo sư hạng nhất”, lương của anh bây giờ cũng không đến nỗi nào, có thể sống được mà không suốt ngày lo ngay ngáy về tiền nong, có thể thanh thản hơn.

Điều vui mừng nhất đối với anh là khi cậu con trai đầu đã được nhận lương tập sự của chính phủ còn cô con gái thứ hai lớp 9 cũng đang học tập tốt 
Dù đã xa quê hương nhiều năm nhưng hình ảnh đất nước Việt Nam luôn hiện hữu trong tâm trí anh. “Đối với tôi, Việt Nam trước sau cũng là quê hương của mình, người thân của tôi vẫn ở Việt Nam và tôi vẫn giữ quan hệ với mọi người”. 

Hàng năm GS Nguyễn Tiến Dũng vẫn về Việt Nam công tác và thăm mọi người gia đình và tìm cách giúp đỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp ở Việt Nam trong  học tập và nghiên cứu.

”Tôi là một trong những người nằm trong chương trình liên kết Pháp – Việt trong ngành  toán. Tôi cũng nhận một số bạn nghiên cứu sinh ở Việt Nam và giúp các bạn muốn tìm cơ hội đi du học ở nước ngoài”. Anh Dũng hồ hởi chia sẻ về những công việc của mình góp phần giúp đỡ những nhân tài Việt Nam tỏa sáng.

Đôi nét về sự nghiệp của GS Nguyễn Tiến Dũng

1985: HCV Toán Olympic.

1986-1991: Học ngành toán tại Trường Lomonosov (ĐH Tổng hợp quốc gia Matxcơva). 

1991-1993: Được mời sang thăm và làm việc tại ICTP (Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế, Trieste, Ý).

1993: Làm nghiên cứu sinh ở SISSA (Trieste).

1994: Bảo vệ PhD ở Strasbourg (Pháp).

1995-2002: Nghiên cứu viên tại Montpellier.

2002 đến nay: GS ĐH Toulouse (Pháp).

2006-2007: Phó Viện trưởng phân Viện toán cơ bản thuộc Viện Toán Toulouse. Sau đó, GS Nguyễn Tiến Dũng xin nghỉ làm quản lý

1/2013: GS Nguyễn Tiến Dũng lại quay trở lại làm Viện trưởng Viện Toán cơ bản thuộc Viện Toán Toulouse.


Theo VTC