TQ đã có gần 1.000 đầu đạn hạt nhân hay chỉ là trò "tự tung"?

21/11/2012 06:19
Đông Bình
(GDVN) - Tiết lộ trên gây nghi ngờ về khả năng nghiên cứu của các cơ quan tình báo Mỹ, nhưng Mỹ đang triển khai một hệ thống trinh sát-tấn công ứng phó mới.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, lực lượng Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, lực lượng Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc

Trang mạng Chinanew của TQ dẫn "nguồn" từ “Washington Free Beacon” Mỹ vừa có bài viết dẫn lời chuyên gia tên lửa chiến lược Nga gần đây đã đánh giá về quy mô lực lượng hạt nhân chiến thuật và chiến lược của Trung Quốc.

Bài báo tiết lộ, ngoài hơn 200 đầu đạn hạt nhân tên lửa đạn đạo chiến lược, Trung Quốc vẫn có thêm gần 750 đầu đạn hạt nhân chiến thuật và chiến lược. Số lượng này vượt xa dự đoán trước đây của Mỹ.

Tuy nhiên, mức độ xác thực và những gì được Chinanew mô tả dường như là luận điệu tuyên truyền "tự tung" vốn không có gì xa lạ của các phương tiện truyền thông TQ.

Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không như dự đoán của phương Tây?

Chuyên gia quân sự Mỹ Beale Goetz cho biết, người tiết lộ chi tiết quy mô đầu đạn hạt nhân chiến thuật và chiến lược Trung Quốc lần này là nguyên Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Thượng tướng Victor Esin. Ông đã tiết lộ thông tin trên khi tham dự một diễn đàn quốc tế 2 tháng trước.

Theo dự đoán của Esin, hiện nay Trung Quốc sở hữu tổng cộng 719-749 đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật, chủ yếu dùng cho máy bay ném bom, tên lửa đạn đạo tầm ngắn/tầm trung và tên lửa hành trình tấn công đối đất kiểu mới.

Victor Esin nói: “Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc rõ ràng vượt dự đoán của rất nhiều nước phương Tây”. Về tổng thể, Trung Quốc có thể đã là một quốc gia vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, rõ ràng Trung Quốc đã sở hữu khả năng kinh tế và công nghệ, giúp cho lực lượng vũ khí hạt nhân của họ tăng lên nhanh chóng.

Victor Esin lần đầu tiên tiết lộ số lượng kho đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là đầu năm 2012. Khi đó, ông cho biết, đầu đạt hạt nhân của Trung Quốc nhiều nhất có thể đạt con số 1.800, trong đó có 900 đầu đạn đang ở trạng thái triển khai hoặc sẵn sàng chiến đấu.

Sở dĩ Esin đánh giá như vậy là do trữ lượng nhiên liệu uranium và plutonium “cấp độ vũ khí” của Trung Quốc hiện hơn 50 tấn, cao hơn kết quả nghiên cứu của các cơ quan tình báo và nghiên cứu tư nhân Mỹ.

Mô hình đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc: màu trắng phía trên là bom hạt nhân hàng không, màu xanh phía dưới là đầu đạn hạt nhân của tên lửa DF (Đông Phong).
Mô hình đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc: màu trắng phía trên là bom hạt nhân hàng không, màu xanh phía dưới là đầu đạn hạt nhân của tên lửa DF (Đông Phong).

Trong nhiều năm qua, các cơ quan tình báo Mỹ đã nghiên cứu nhiều về lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, họ cho rằng, Trung Quốc tổng cộng có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân.

Mấy năm trước, hai tổ chức kiểm soát quân bị tư nhân – Liên minh các nhà khoa học Mỹ và Ủy ban quốc phòng tài nguyên thiên nhiên từng chỉ trích Lầu Năm Góc đã thổi phồng sức mạnh của lực lượng hạt nhân Trung Quốc.

Họ cho rằng, Trung Quốc chỉ có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân, hơn nữa không có đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Đầu tháng 11, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung đã đề trình lên Quốc hội Mỹ bản báo cáo thường niên cho rằng, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sở hữu con số khoảng 100-500, thông thường Mỹ đánh giá Bắc Kinh sở hữu 240 đầu đạn hạt nhân. Báo cáo cho biết, Trung Quốc đang tăng số lượng triển khai tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo.

Trang mạng “Washington Free Beacon” Mỹ nhận được dự thảo báo cáo này cho biết: “Mấy năm qua, Trung Quốc mặc dù đã sở hữu lực lượng tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, nhưng chỉ là một tiêu chí mang tính tượng trưng.

Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo thế hệ mới sẽ lần đầu tiên đem lại cho Bắc Kinh khả năng răn đe chiến lược trên biển tin cậy và có thể triển khai liên tục”.

Báo cáo còn cảnh báo Quốc hội Mỹ: “Trong tình hình thiếu thông tin nhiều hơn về tình hình kho vũ khí hạt nhân và lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, cần cẩn thận xem xét bất cứ kiến nghị đơn phương nào, hoặc căn cứ vào thỏa thuận song phương với Nga để cắt giảm lực lượng tác chiến hạt nhân của Mỹ”.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, lực lượng Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, lực lượng Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc

Căn cứ vào quan điểm của Victor Esin, bom hạt nhân và đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc gồm có: đạn/bom hạt nhân được phóng/thả từ trên không là B-4 và B-5, đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa có sức công phá 2 triệu tấn, và đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa chiến lược có sức công phá lần lượt là 5 triệu tấn hoặc 3 triệu tấn.

Đầu đạn hạt nhân có sức công phá 1 triệu tấn, tương đương với uy lực công phá của 1 triệu tấn thuốc nổ TNT; còn sức công phá 1.000 tấn tương đương uy lực của 1.000 tấn thuốc nổ TNT.

Victor Esin cho rằng, Trung Quốc còn sở hữu đầu đạn hạt nhân có sức công phá 3,5 triệu tấn trang bị cho tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, đầu đạn có sức công phá 5.000-20.000 tấn trang bị cho tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15 và DF-11, mục tiêu của tên lửa tầm ngắn là nhằm vào Đài Loan.

Theo Victor Esin, đầu đạn hạt nhân có sức công phá 3,5 triệu tấn cũng có thể trang bị cho tên lửa hành trình tấn công đối đất DH-10. Đối với tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2, rất có thể sẽ trang bị đầu đạn hạt nhân có sức công phá 5 triệu tấn.

Nguyên tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho rằng, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo nhiều đầu đạn, làm cho số lượng đầu đạn tên lửa hạt nhân của Trung Quốc tăng nhanh trong thời gian ngắn.

Tên lửa hành trình CJ-10/DH-10 Trung Quốc
Tên lửa hành trình CJ-10/DH-10 Trung Quốc

Ngày 12/11, Viện nghiên cứu phân tích quốc phòng Ấn Độ đánh giá, gần đây Trung Quốc đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới DF-41, có tầm phóng 14.000 km, có thể lắp 10 đầu đạn hạt nhân.

Dự đoán, hiện nay Trung Quốc sở hữu 30-40 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Đây đều là những tên lửa lắp 1 đầu đạn, vì vậy khả năng Trung Quốc cũng sở hữu 30-40 đầu đạn. Một khi tên lửa DF-41 trang bị hàng loạt, số lượng tên lửa đánh chặn của Mỹ sẽ tăng gấp đôi.

Về chủng loại đầu đạn, trước hết là bom/đạn hạt nhân được phóng/thả từ trên không, Trung Quốc có 440 đầu đạn B-5 và B-4 trang bị cho máy bay ném bom H-6. Tiếp theo, về tên lửa hạt nhân, quân Mỹ cho rằng, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc hiện triển khai 207 thiết bị phóng tên lửa, trong đó có 48 thiết bị phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, 99 thiết bị phóng tên lửa đạn đạo tầm trung, 60 thiết bị phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Victor Esin cho rằng, tổng số đầu đạn tên lửa chiến lược của Trung Quốc có thể tương đương với số lượng của Mỹ, có 208 đầu đạn hạt nhân. Theo “Washington Free Beacon” Mỹ, tiết lộ của Esin sẽ gây ra những tranh cãi mới về vấn đề “mối đe dọa lực lượng hạt nhân chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc”, đồng thời người ta cũng sẽ bàn cãi về độ chính xác trong đánh giá các mối đe dọa của các cơ quan tình báo.

Máy bay ném bom H-6H Trung Quốc
Máy bay ném bom H-6H Trung Quốc

Mỹ, Nga muốn Trung Quốc cùng cắt giảm vũ khí hạt nhân

Báo Trung Quốc cho rằng, hiện nay Mỹ và Nga đang tính đến “mối đe dọa vũ khí hạt nhân Trung Quốc”, thực ra là do họ đều không muốn cắt giảm vũ khí hạt nhân của mình, theo đó muốn Trung Quốc gia nhập hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược. Tướng Victor Esin đã đề xuất, ba bên Mỹ-Nga-Trung cần thiết lập đối thoại cắt giảm vũ khí chiến lược.

Một số chuyên gia Mỹ cho rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể không hứng thú lắm đối với việc tham gia đối thoại này, trừ phi có thể lợi dụng đối thoại để ép Mỹ nhượng bộ, cắt giảm dự trữ vũ khí hạt nhân của họ.

Giáo sư Philip Karber của Đại học Georgetown (người từng tiết lộ Trung Quốc có “vạn lý trường thành dưới lòng đất” dài 3.000 dặm Anh gây xôn xao dư luận) cho biết, nội tình lực lượng hạt nhân của Trung Quốc mà tướng Victor Esin tiết lộ đã phản ánh, các nhà phân tích chiến lược đang đánh giá “sự bất ổn và nguy hiểm tiềm tàng do thế cân bằng hạt nhân ba cực tạo ra”, trong khi điều này đã không được Quân đội và các tổ chức kiểm soát của Mỹ coi trọng đầy đủ.

Tên lửa đánh chặn của Mỹ
Tên lửa đánh chặn của Mỹ

Theo Karber, “thông tin này sẽ làm cho dư luận nghi ngờ về khả năng Mỹ-Nga thúc đẩy thực hiện hiệp ước kiểm soát quân bị và tiếp tục tiến hành cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Bởi vì, Trung Quốc không bị hạn chế về tăng trưởng vũ khí hạt nhân, trong 10 năm tới, số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động (có khả năng lắp nhiều đầu đạn tấn công độc lập) ở trong các cơ sở khổng lồ dưới lòng đất vẫn là một bí mật. Nếu Trung Quốc mở rộng nhanh chóng về số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, họ cũng sẽ có ưu thế về tên lửa chiến chiến lược và chiến thuật”.

Karber cho rằng thông tin này có độ tin cậy nhất định, bởi vì trước đây và hiện nay, Moscow đều có vai trò ảnh hưởng quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cũng có tin tức tình báo rất đầy đủ về lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.

Richard Fisher, chuyên gia vấn đề quân sự Trung Quốc, “Trung tâm đánh giá chiến lược quốc tế” Mỹ cho rằng, đối với các nhà phân tích quốc phòng của Mỹ, tiết lộ của tướng Nga thực sự “là một lời cảnh báo”.

Đến nay, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tích cực phát triển lực lượng tên lửa mang tính tấn công, hoặc là tên lửa đẩy tiên tiến - những tên lửa này đều sẽ chuyển hóa thành tên lửa đạn đạo tầm trung khi cần thiết.

Nhật Bản có công nghệ tên lửa đẩy dẫn trước thế giới, có thể chuyển hóa thành tên lửa tác chiến khi cần thiết.
Nhật Bản có công nghệ tên lửa đẩy dẫn trước thế giới, có thể chuyển hóa thành tên lửa tác chiến khi cần thiết.

Fisher cho rằng: “Nếu Washington không áp dụng biện pháp, tăng cường răn đe phi hạt nhân ở châu Á, rõ ràng, đồng minh của Mỹ sẽ không cam chịu sức ép to lớn từ sự răn đe tên lửa hạt nhân của Trung Quốc”.

Hải quân Mỹ cũng đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo phóng ngầm tầm xa kiểu mới để tăng cường khả năng răn đe cho cụm chiến đấu tàu sân bay. Fisher cho biết: “Tên lửa phi hạt nhân tầm xa mới sẽ dựa vào radar tầm xa X-band mới triển khai ở Nhật Bản và Philippines, hình thành một thể trinh sát-tấn công phức hợp hoàn toàn mới, có thể cân bằng với khả năng tấn công tên lửa đang tăng lên của Trung Quốc”.

Fisher cho rằng, ít nhất trong 10 năm tới, loại tên lửa kiểu mới này của quân Mỹ sẽ là một lá chắn đối với tên lửa của Trung Quốc. Chỉ có Mỹ áp dụng các hành động thực tế mới có thể làm cho Trung Quốc chính thức tham gia vào một hiệp ước cắt giảm tên lửa chính thức.

Mỹ tăng cường triển khai các hệ thống radar tầm xa mới ở châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ tăng cường triển khai các hệ thống radar tầm xa mới ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đông Bình