Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11:

Người thầy được dựng “đền thờ” khi còn còn sống

20/11/2012 07:18
Theo GĐXH
Dù am tường nhiều kinh sách Thánh hiền nhưng vì nặng lòng với các học trò nghèo nên người thầy ấy đã không ứng thí làm quan mà mở lớp dạy học tại quê nhà.
Lớp học lợp mái tranh vách nứa của thầy đã mở mang trí tuệ cho rất nhiều thế hệ học trò không có điều kiện theo học ở các trường. Tri ân công đức cao vời của thầy, các học trò nghèo đã chung tay làm một mái nhà ba gian bằng gỗ lim để “thờ” thầy khi ông tròn 80 tuổi.
Toàn cảnh ngôi đền thờ cụ giáo Hương mới được tu sửa lại.
Toàn cảnh ngôi đền thờ cụ giáo Hương mới được tu sửa lại.

19 tuổi đã mở lớp dạy chữ

Mới giữa giờ chiều, làng Nhân Lý (xã Tây Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã chìm trong tĩnh mịch. Những lớp sương phủ dày trên con đường bê tông trắng xóa như làm tăng thêm không khí vắng lặng của làng quê thuần nông. Phải hỏi không dưới 10 người chúng tôi mới tìm được nhà ông giáo Lẫm để hỏi chuyện về người thầy giáo họ Nguyễn; Cũng phải mất một lúc gọi, mới có người ra mở cổng đón khách.
Ông giáo Lẫm vốn là hậu duệ đời thứ 4 của thầy giáo Nguyễn Trung Rường. Chính ông là người đã có công lớn trong việc tập hợp thông tin cũng như trực tiếp chỉ đạo việc trùng tu lại ngôi đền thờ thầy giáo Nguyễn Trung Rường vào năm 2007. Ông giáo Lẫm năm nay đã 73 tuổi, ông nguyên là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa tỉnh Hải Hưng. Ông bị tai biến mạch máu não hơn 2 năm nay nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những thông tin về tổ tiên mình thì ông còn nhớ rất rõ.
Theo ông giáo Lẫm thì thầy giáo Nguyễn Trung Rường tên hiệu là Phúc Lương, sinh năm 1810 và mất 1891, thọ 82 tuổi. Ở làng, người ta thường gọi ông bằng cái tên thân kính “cụ giáo Hương”. Cụ giáo Hương là con trai thứ hai trong một gia đình có 6 anh chị em. Thân sinh của cụ đều thuộc thành phần bần nông nhưng lại rất yêu chữ nghĩa Thánh hiền. Nhà có hai con trai đều học hành tử tế. Người anh lớn là cụ Lang làm nghề bốc thuốc đông y còn cụ giáo Hương thì mở lớp dạy học khi mới 18 tuổi.
Cụ giáo Hương có 2 bà vợ, bà vợ cả họ Nguyễn sinh được 3 con trai, bà vợ thứ họ Doãn sinh được 1 trai, 1 gái. “Sinh thời, cụ giáo Hương nhà tôi được thân phụ thân mẫu cho học hành nhiều nhất. Căn bản là từ khi còn bé, cụ đã nổi tiếng là người thông minh sáng lại lại hiếu học. Đặc biệt, cụ có một trí nhớ rất siêu phàm. Tôi nghe các cụ nhà tôi kể lại, chỉ cần mẹ hát ru cho nghe một lần thì bài hát dù dài tới cỡ nào cụ giáo Hương cũng thuộc không sai một từ. Hay tên các vị thuốc Bắc, chỉ cần nghe anh trai đọc một lần là cụ nhớ, không cần phải ghi chép gì hết. Cũng bởi vậy mà sau khi được thầy u cho theo học một ông giáo nghèo ở làng bên, đến năm 18 tuổi, cụ đã thông làu nhiều kinh sách tiền nhân. Và vì thương các học trò nghèo hiếu học nên cụ không ứng thí làm quan mà mở lớp dạy học. Năm 19 tuổi, sau khi thấy đã hòm hòm vốn chữ nghĩa, cụ xin thầy u cho mở một lớp học bằng tre nứa trong khuôn viên nhà mình để dạy chữ cho các học trò nghèo không có điều kiện theo học ở các trường. Cụ bắt đầu nghiệp dạy học của mình từ đó cho đến năm 80 tuổi…” – ông giáo Lẫm chia sẻ.
 Cũng theo ông giáo Lẫm thì lúc sinh thời, cụ giáo Hương là người sống  mực thước, tốt bụng và rất mê đọc sách. Bất kỳ ở đâu, cụ cũng có thể cầm sách lên đọc và một khi đã chú tâm vào sách là quên hết mọi thứ xung quanh. Thêm vào đó, cụ rất thương học trò nghèo. Trong lớp học của cụ, nếu có học trò không có tiền mua giấy mực là cụ lại cho.
Lớp học của cụ giáo Hương khi xưa lợp bằng mái tranh vách nứa, do cha mẹ học trò chung tay dựng nên trong khuôn viên nhà thầy. Bàn ghế cũng được làm bằng tre nứa. Ban đầu cụ chỉ nhận dạy cho mấy học trò nghèo trong làng. Nhưng càng về sau, lớp học của cụ càng được tiếng tăm của cụ càng vang xa nên học trò ở các thôn bên cũng xin qua học. Cụ dạy cho đến năm 80 tuổi mới nghỉ hẳn.
Được học trò “thờ” sống ở tuổi 80

Ở làng Nhân Lý, dòng họ Nguyễn Trung là một dòng họ lớn. Tuy không có nhiều người đỗ đạt làm quan nhưng lại có truyền thống về giáo dục và làm thuốc Đông y. Chính vì thế dòng họ này rất được người dân trong làng vị nể, kính trọng. Ấy thế nhưng ngôi đền thờ cụ giáo Hương lại có rất ít người biết đến. Ngay cả thế hệ lãnh đạo địa phương đương chức và một số thầy cô giáo của hai trường THCS và tiểu học cũng rất ít người biết.
Nằm cách nhà cụ giáo Lẫm khoảng 150m, ngôi đền thờ cụ giáo Hương nép mình khiêm tốn trong khuôn viên nhà ông Nguyễn Trung Mẫn, hậu duệ đời thứ 5 của cụ. Đây cũng chính là nền đất cũ của lớp học nghèo mà hơn hai thế kỷ trước cụ giáo Hương dạy học.
Ông giáo Lẫm cho hay, đồng thời với việc dạy học, vào năm 50 tuổi, cụ giáo Hương còn kiêm cả nghề bốc thuốc cứu người. Chính vì thế cụ giáo Hương được tôn là “Hương Thân” - “Văn Thân” (danh hiệu người dân dành cho những người có học thời trước) ở địa phương. Cụ thường được chính quyền hàng tổng thời bấy giờ mời đi giảng “Thập điều” ở khắp nơi. Thập điều là 10 điều vua Tự Đức ban dạy dân chúng.
Hơn nửa thể kỷ mở lớp dạy học, học trò của cụ giáo Hương dù không có ai đỗ đạt cao, hầu hết chỉ học thầy để biết chữ “thánh hiền” và trở thành người biết lễ nghĩa nhưng đều rất biết ơn thầy. Năm cụ 80 tuổi, để mừng thượng thọ cũng như bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với người thầy giáo đã một đời hết lòng với học trò nghèo, các thế hệ học trò trong làng đã chung tay làm 3 gian nhà gỗ lim với đủ sập gụ tủ chè, hoành phi câu đối để “thờ” sống thầy.
“Ngày xưa, thường chỉ có các người thầy đỗ đạt cao, nổi tiếng, dạy được nhiều học trò thành đạt như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Duệ… mới được các học trò nhớ ơn bằng cách lập đền thờ sau khi thầy qua đời. Việc cụ nhà tôi được “thờ sống” là một trường hợp đặc biệt. Và không chỉ thờ sống, khi cụ tôi mất ở tuổi 82, rất nhiều học trò đã để tang thầy đúng 3 tháng 10 ngày như lễ nghĩa mà tiền nhân đã dạy. Thế mới thấy được cái Đức, cái ân của cụ tôi đối với lớp hậu sinh lớn lao dường nào. Rồi vào 19/6 âm lịch hàng năm, các thế hệ học trò lại tụ hội về trước đó 3 ngày để cùng nhau bàn chuyện làm giỗ thầy. Lễ giỗ đầu thậm chí có cả lễ tế hẳn hòi…” – ông giáo Lẫm nói.

Thế hệ học trò của cụ giáo Hương nay không còn ai tại thế. Nhưng con cháu của cụ vẫn khói hương đều đặn trong đền.
Thế hệ học trò của cụ giáo Hương nay không còn ai tại thế. Nhưng con cháu của cụ vẫn khói hương đều đặn trong đền.

Những dòng chữ ý nghĩa mãi còn
Đúng 10 năm sau khi cụ giáo Hương qua đời, học trò lại cùng tôn tạo ngôi nhà thờ cũ thành ngôi đền thờ đúng nghĩa. Tuy nhiên, ngôi đền vẫn chỉ là vách gỗ mái lá. Đến đầu năm 1920, khi có điều kiện hơn, con cháu trong họ đã xây tường và lợp ngói để nhà thờ bền vững lâu dài.
Đến năm 2007, do nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng nên con cháu trong dòng họ lại góp công và của trùng tu lại như hôm nay. Để tăng vẻ đẹp cảnh quan cho ngôi đền, một bức bình phong đã được xây thêm ở trước sân. Trên sân và quanh nhà trồng thêm nhiều cây bóng mát và cây cảnh có hoa nở và hương thơm quanh năm như ý nguyện thể hiện trong cái tên nhân dân trân trọng mỗi khi nhớ đến thầy Hương.
Hiện trong đền vẫn giữ được bức hoành phi “Củ Phạm Di” bằng chữ Hán, lạc khoản đề là “Long Phi Thành Thái Thư” do các học trò mừng thọ cụ giáo Hương khi thượng thọ 80 tuổi. Ý của bức hoành phi là: những quy củ của nghề sự phạm được di truyền mãi muôn đời. Bên cạnh đó, còn có một đôi câu đối bằng gỗ, cũng do các học trò làm tặng thầy. Câu đối ghi “Xuân Tọa, Quân triêm thời vũ nhuận/Khánh đường hợp chúc giáp ba chu”. Nghĩa là “Lời dạy của thầy được thấm ướt như mưa móc mùa xuân – mừng nhà mới hợp cùng lễ chúc thọ thầy 80 tuổi”.
Ngoài ra, phía ngoài hiên còn thêm câu đối chữ nôm của cụ khóa Khôi (học trò cũ) gửi tặng: "Trăm vẻ mây hồng trên vách gấm/Bốn mùa hương ngát dưới thềm hoa".
Cũng theo ông giáo Lẫm, trước đây, cùng với ngôi đền còn có một số ruộng hương hỏa và một cái ao rộng 10 thước. Ngôi đền được con cháu bốn đời hương khói quanh năm. Ruộng hương hỏa do điều kiện lịch sử, đến nay không còn nữa.
Theo GĐXH