Bộ trưởng NG: Phải xây dựng cho được bộ quy tắc ứng xử biển Đông

08/08/2011 00:13
Tân bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đang quyết tâm để các bên xây dựng được bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào năm 2012.
Tân bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đang quyết tâm để các bên xây dựng được bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào năm 2012, nhân kỷ niệm 10 năm ra Tuyên bố ứng xử DOC.
Thưa bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về việc ASEAN và Trung Quốc vừa đạt được thống nhất các nguyên tắc thực hiện DOC ở Bali tháng trước?
Chúng ta đã thỏa thuận được với nhau về hướng dẫn cách thực hiện Tuyên bố ứng xử DOC, vấn đề là làm sao thực hiện theo hướng dẫn đó vì DOC có từ 2002, nhưng suốt 9 năm qua chưa có hướng dẫn để làm. Vì thế, điều quan trọng sắp tới là triển khai xây dựng cho được bộ quy tắc ứng xử (COC) trên biển Đông, mang tính pháp lý ràng buộc hơn. Để cho DOC thực hiện được thì phải thực hiện đúng theo hướng dẫn đó.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
Vậy Việt Nam và ASEAN đang có động thái, chuẩn bị như thế nào để đảy nhanh tiến độ xây dựng bộ quy tắc ứng xử COC, thưa ông?
Bây giờ Việt Nam cũng như ASEAN đang chuẩn bị. Tại hội nghị ngoại giao cấp cao vừa qua tại Bali, Indonesia, các bên đã thống nhất cố gắng xây dựng bộ quy tắc này vào 2012, nhân kỷ niệm 10 năm đưa ra tuyên bố DOC. Nội hàm của nó cụ thể ra sao thì hiện nay các quan chức, các cấp của những bên có liên quan phải đưa ra ý tưởng, nội dung, phạm vi của nó để xây dựng.
Điều gì có thể tạo ra “đột phá” sắp tới trong giải quyết vấn đề biển Đông giữa các bên liên quan, theo quan điểm của ông?
Khó có thể nói cái nào là đột phá được. Song quan trọng nhất là duy trì hòa bình ổn định trong khu vực biển Đông, bởi đó là lợi ích của tất cả các nước, và vấn đề giải quyết tranh chấp thì phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc (UNCLOS).
Bất cứ giải pháp nào cũng phải là giải pháp hòa bình chứ không thể là giải pháp quân sự, không được dùng vũ lực. Tuy nhiên, giải quyết các tranh chấp bất đồng trong vấn đề này không phải được trong ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình của các bên liên quan.
Xét trên bình diện tổng thể thì chính sách ngoại giao của ta đã thu được gì trong sự tranh thủ ủng hộ của cộng đồng quốc tế, và tới đây cần đẩy mạnh thế nào để tiếp tục được dư luận thế giới đồng thuận?
Chúng ta đang thực hiện ngoại giao trên tất cả các lĩnh vực trụ cột: kinh tế, chính trị, văn hóa…; mở rộng quan hệ với tất cả các nước, nhất là thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu trên từng lĩnh vực. Chúng ta có ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, ngoại giao quốc hội. Chính sách nhất quán của ta là triển khai đồng thời toàn bộ các hoạt động ngoại giao để đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Từ trước đến nay chính sách đối ngoại của ta là luôn tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới, nhất là trong thời gian chống Mỹ cứu nước, bởi lập trường của ta là chính nghĩa. Chúng ta có lập trường chính nghĩa thì chúng ta luôn được ủng hộ.
Xin cảm ơn ông!
Theo CHÍ HIẾU/Sài Gòn Tiếp thị