Trung Quốc lên tiếng về việc giành thầu khai thác dầu trên Biển Đông

08/08/2011 03:41
(GDVN) - 3 công ty dầu khí lớn của TQ đã bác bỏ thông tin cho rằng họ đã trả tiền cho Chính phủ Philippines để giành quyền khai thác dầu khí ở Biển Đông.

(GDVN) - Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 8/8 đưa tin cho biết, ba công ty dầu mỏ Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin được các phương tiện truyền thông gần đây đăng tải cho rằng họ đã trả tiền cho chính phủ Philippines để giành các hợp đồng thăm dò dầu khí trên Biển Đông.

Trước đó, ngày 2/8, hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Jose Layug - Thứ trưởng Bộ Năng lượng Philippines cho biết, Philippines đã thành lập 15 khu thăm dò dầu khí trên vùng lãnh hải rộng 100.000 km2 cách không xa quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), mà ông cho rằng thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (370km) của Philippines, và cho đấu thầu thăm dò và khai thác.

Dàn khoan lớn nhất thế giới của CNOOC dự kiến sẽ được đưa ra khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Dàn khoan lớn nhất thế giới của CNOOC dự kiến sẽ được đưa
ra khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Ông Layug không tiết lộ địa điểm cụ thể của 15 thăm dò trên nhưng khẳng định thêm rằng: "Đây không phải là khu vực tranh chấp. Khu vực chúng tôi đấu thầu chắc chắn nằm trong phạm vi lãnh thổ của Philippines".

Ông Layug cũng tiết lộ thêm rằng, một vài công ty nước ngoài, bao gồm tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc CNOOC và hai công ty Trugn Quốc khác muốn khai thác ở vùng biển phía tây đảo Palawan.

Ngay sau đó, các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin cho biết, 3 công ty khai thác dầu khí của Trung Quốc đã trả tiền cho Chính phủ Philippines để giành hợp đồng thăm dò dầu khí tại các địa điểm trên, trong đó có tập đoàn khai thác dầu khí quốc gia Trung Quốc - tên tiếng Anh là China National Offshore Oil Corporation (CNOOC).

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc sau đó tiết lộ hai tên công ty dầu khí tham gia đấu thầu còn lại là: BGP Ltd, một công ty con của CNOOC, và Polyard Petroleum International Group Ltd (PPIG).

Tuy nhiên, theo Nhân dân Nhật báo, cả ba công ty trên đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng họ đã tham gia đấu thầu khai thác dầu khí ở Biển Đông. Tờ báo này cũng đã liên lạc với đại diện của CNOOC, nhưng ông này đã từ chối bình luận và nói rằng ông không được nhận được báo cáo về sự việc trên.

Một nhà quản lý cấp cao của BGP, người từ chối tiết lộ danh tính, cho biết: công ty của ông không nằm trong số các nhà thầu. "Tôi chưa bao giờ nghe nói về điều đó. Chúng tôi chỉ đọc được thông tin về việc đấu thầu từ các phương tiện truyền thông" - ông nói.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo, Lai Chun Liang - giám đốc điều hành của PPIG, nói rằng công ty của ông có biết về vụ đấu thầu trên nhưng PPIG không tham gia vào đó.

 

Tuy nhiên, một quan chức Trung Quốc giấu tên nói với tờ Nhân dân Nhật báo rằng, một vài trong số 15 khu thăm dò dầu khí do Philippines đưa ra đấu thầu hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc và 4 trong số các khu còn lại nằm trong vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cũng đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Chính phủ Philippines vào hôm 4/8 sau khi có thông báo mời thầu. Chính phủ Trung Quốc cũng đã gửi yêu cầu đề nghị Chính phủ Philippines cho biết thêm thông tin về sự việc trên.

Ông Lưu Kiến Siêu, Đại sứ Trung Quốc đến Philippines một lần nữa đã lên tiếng tuyên bố Trung Quốc là quốc gia sở hữu quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa, thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam) và kêu gọi các nước trong khu vực ngừng thăm dò dầu tại đây khi chưa có sự đồng thuận của Trung Quốc - tờ Nhân dân hàng ngày cho biết.

Trong khi đó, quần đảo Trường Sa, nơi các nước Philippines, Đài Loan, Brunei, Malaysia, Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền, vốn thuộc quyền chủ quyền và quyền lãnh hải của nước CHXHCN Việt Nam.

{iarelatednews articleid='8538,8450,8449,8411,8405,8105,8088,7927,7829,7649,7750,7628,7524,7539,7547,7414,7411,7218'}


Nguyễn Hường (Theo Nhân dân Nhật báo)
  

Trung Quốc lên tiếng về việc giành thầu khai thác dầu trên Biển Đông ảnh 3