Nên chăng chấm lại môn Lịch sử?

08/08/2011 23:52
(GDVN) - Có nên chăng chấm lại môn Lịch sử? Điểm 0 Sử liệu có phải không biết chút gì về môn học này? Số phận của môn Lịch sử hiện nay?

(GDVN) - Có nên chăng chấm lại môn Lịch sử? Điểm 0 Sử liệu có phải không biết chút gì về môn học này? Số phận của môn Lịch sử hiện nay sẽ ra sao? Đó là những vấn đề được các báo đi sâu khai thác trong ngày hôm nay.

Nên chăng chấm lại môn Lịch sử?

Tờ Tiền Phong đặt vấn đề: Nếu đề thi và đáp án không chuẩn, nên chăng chấm lại môn lịch sử?

Nếu điểm Sử thấp, trực tiếp do đề thi và đáp án, vấn đề lại khác. Ngoài rút kinh nghiệm tổ chức ra đề, thống nhất đáp án, tổ chức chấm thi…, rất cần thiết phải có cách xử lý và chính sách đảm bảo quyền lợi công bằng cho thí sinh.

Vào thời điểm này, việc khẳng định đề thi và đáp án môn Sử có chuẩn hay không đang là cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà khoa học. Đó là điều đáng tiếc, bởi đề thi cho học sinh phổ thông, cho dù là tuyển sinh ĐH, mà đến các thầy, các giáo sư còn chưa thống nhất, thì học trò biết xử lý ra sao? Vì thế, thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần khẩn trương xem xét lại đề thi và đáp án.

Nếu đề thi và đáp án thực sự có vấn đề (không chuẩn, sai sót, thiếu rõ ràng, không phù hợp với trình độ học sinh, ảnh hưởng đến điểm thi của thí sinh) thì nên chấm lại môn Sử. Bởi đây không chỉ là đòi hỏi của công bằng, mà còn là vấn đề của niềm tin.

Vì nhiều lý do, các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Sử, đang mất dần sự hấp dẫn và sự lựa chọn của thí sinh trong các kỳ thi. Nếu mất thêm niềm tin vào sự công bằng, thì e rằng năm sau, người thi Sử ít hơn và điểm thi Sử có thể còn thấp hơn nữa. Đấy là chưa kể những hệ lụy liên quan hàng vạn giáo viên dạy Sử, khi công sức của họ, niềm tin và danh dự nghề nghiệp của họ bị đổ xuống sông, xuống biển.

Nhiều phụ huynh nhờ khuyên học sinh… bỏ sử

Kết quả môn Lịch sử kém không ngờ trong kỳ thi đại học vừa qua là một thực tế. Học sinh thời nay không mặn mà với môn lịch sử cũng là một thực tế. Đó là những điều trăn trở của cô giáo Nguyễn Thị Loan ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương có 100% học sinh đỗ đại học được đăng tải trên Vietnamnet.

Cô Nguyễn Thị Loan (giữa) và học trò
Cô Nguyễn Thị Loan (giữa) và học trò
 Cô Loan chia sẻ: Hầu như không có phụ huynh nào muốn con thi vào chuyên sử và lại còn theo sử. Nhiều phụ huynh còn đến gặp tôi than thở, lo lắng hoặc nhờ khuyên nhủ các em…bỏ sử.

Thậm chí, khóa vừa ra trường đây, có một phụ huynh cũng là giáo viên, con đỗ chuyên sử mà tìm đến nhà tôi khóc lóc, tâm sự rằng: “Con đỗ chuyên sử, em xấu hổ với cả cơ quan. Cứ nói đến nó học chuyên sử, người ta lại chê bai: học chuyên gì chứ ai lại cho nó học chuyên sử.” Cho đến năm nay, khi con mình đỗ Học viên An ninh, phụ huynh mới nhẹ nhõm để cảm ơn và nói với tôi: “Coi như công sức của cô và trò không phải đổ đi. Bây giờ thì em có thể ngẩng cao đầu rồi!”.

Mình là người dạy sử, mình nghe những điều đó cũng buồn lắm chứ! Người ta cứ coi môn sử như một môn ngoài phạm vi của học sinh giỏi vậy.

Nếu gặp những em yêu sử, chúng tôi phải cảm ơn các thầy cô ở cấp 2 nhiều lắm

Theo chia sẻ của cô Loan: Chuyên sử hàng năm luôn có điểm đầu vào thấp nhấp trong tất cả các lớp chuyên. Số lượng học sinh đăng ký thi chuyên sử bao giờ cũng ít nhất.

Trước kia, chuyên sử còn như một bến trung chuyển để các em vào được trường. Sau đó, tìm cách để chuyển sang các lớp không chuyên để theo khối khác. May mắn cho những năm gần đây, Sở GD-ĐT quy định em nào vào chuyên gì phải theo chuyên đó, và không có chuyện di chuyển nên chuyên sử mới tồn tại được như vậy.

Chính vì vậy nên khi các em vào học, nếu gặp những em yêu sử, chúng tôi phải cảm ơn các thầy cô ở cấp 2 nhiều lắm. Còn lại, chúng tôi phải chinh phục các em bằng chuyên môn.

Điểm 0 không có nghĩa là không biết gì về Lịch sử

Tờ Quân đội Nhân Dân tiếp tục khẳng định: Đề thi sử vào đại học năm nay là một cú sốc lớn.  Vậy nhưng, kết quả chấm thi với quá nhiều thí sinh đạt được điểm “0” thì lại là một cú sốc thứ hai, lần này là đối với cả xã hội. 

Đúng là lối dạy và học “đọc-chép”, kể lể biên niên, ít chú trọng đến liên kết, liên hệ, suy luận lâu nay làm cho lớp học sinh đương thời bị đột ngột trước đề thi khó. Đúng là nhiều bậc ông bà, cha mẹ, người trưởng thành có thể coi đề thi trên là khó cả với chính họ, nhưng không ai không thất vọng khi thế hệ con cháu mình có điều kiện đến trường, ăn học tử tế hơn hẳn mà kết quả học tập lại kém đến thế.

a
Du khách tham quan nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân An, QĐND
Tác giả bài viết chia sẻ: "Gốc tích nước nhà, hồn cốt dân tộc do máu xương, mồ hôi nước mắt, trí tuệ ngàn đời hun đúc mà nên. Tôi không nghĩ rằng những thí sinh điểm “0” về sử trong cuộc thi tuyển chọn vào một số trường đại học là không hiểu biết chút gì về lịch sử. Tôi cũng không cực đoan để nghĩ những đứa trẻ điểm “0” ấy không có chất, có hồn vía dân tộc, giống nòi trong bầu máu và khối óc. Nhưng rõ ràng, càng được học, càng có thêm hiểu hiết và phương pháp hệ thống, suy luận về lịch sử thì dòng máu dân tộc càng thêm thắm đượm trong mỗi đứa trẻ, trong mỗi công dân.
Và nữa, phương pháp luận lô-gic và phương pháp luận lịch sử sẽ giúp mỗi công dân càng thêm vững vàng để hiểu thời cuộc, để biết lựa chọn cách sống, hướng đi. Học sử cho ta biết ta là ai, từ đâu sinh ra, lớn lên, đó là một cơ sở quan trọng để hiểu và ứng xử thông minh trong hiện tại và tương lai. Học sử là để biết giá trị cuộc sống hòa bình, xây dựng hôm nay. Học sử là để thấm mối hận mất nước, nô lệ, hận đói nghèo, lạc hậu.

Tôi không tán thành nhiều ý kiến cho rằng tuổi trẻ Việt Nam hôm nay giỏi sử Trung Hoa hơn sử nước nhà. Phim ảnh, sách truyện chỉ phản ảnh những thời đoạn, những lát cắt, những tuyến riêng lẻ về hoạt động và sự kiện của một số nhân vật lịch sử qua lăng kính có hư cấu của văn học nghệ thuật.

Dạy và học sử là dạy và học sự thật, là phương pháp hệ thống, là nắm bắt quy luật. Nhưng tôi cũng rất mong mỏi phim ảnh, sân khấu cùng các hoạt động văn học nghệ thuật, rộng ra là các hoạt động xã hội, văn hóa, bảo tồn bảo tàng, du lịch nước nhà được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa để thêm nhiều kênh, nhiều cách đưa lịch sử thẩm thấu sinh động vào trong tiềm thức của các thế hệ trẻ.

Hải Hà (tổng hợp)

{iarelatednewsarticleid='8577,9827,9734,9651,9621,9608,9523,9394,9437,9411,9330,9247,9242,9868,9068,8853,8775,8701,7671,6961,1372'}