Hậu thông tư 17… giáo viên buồn, phụ huynh mệt, gia sư cười

25/11/2012 07:07
Theo song moi
Sau khi thông tư 17 của Bộ Giáo dục được ban hành, đặc biệt là cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm với bậc tiểu học. Các lớp học thêm do các thầy cô đóng cửa hàng loạt vì sợ sự kiểm tra, lập biên bản của các đoàn thanh tra. Các bậc cha mẹ cuống cuồng tìm chỗ học khác cho con. Các trung tâm gia sư vì thế cũng có thêm nhiều “đất” sống.
Trên thực tế, nhu cầu cho trẻ đi học thêm là có thực "cho con đi học thêm ở nhà cô giáo để nhờ cô trông giùm" cho cha mẹ yên tâm làm việc. Có hàng trăm lý do để các bậc cha mẹ chọn lớp học thêm là nơi gửi gắm con cái họ.
Thế nhưng đùng một cái, các lớp học  đóng cửa. Một số thầy cô dù rất muốn mở lớp dạy cũng chẳng thể được vì quy định hiện hành quá gắt gao. Trẻ không có lớp học thêm nên tối về dù bận như thế nào phụ huynh cũng cố mà hướng dẫn con học. Vài phụ huynh quá bận hay không thể đủ kiên nhẫn để dạy cho con thì cuống cuồng tìm lớp học thêm khác cho con học hoặc lựa chọn tìm gia sư riêng.
Chính vì thế cái nghề gia sư đã có nhiều “đất” sống hơn.
Những năm gần đây các trung tâm gia sư mọc lên như nấm sau mưa, lên Google gõ từ khóa “trung tâm gia sư” và đặt lệnh tìm kiếm chưa đầy 1 giây đã cho ra trên 7 triệu kết quả. Việc mở trung tâm gia sư cũng đơn giản vô cùng: chỉ cần địa điểm, vài cái bàn, ghế, một cái điện thoại, mấy mẫu đơn, một cái bảng ghi “trung tâm gia sư uy tín” hoặc tên của một thầy cô nổi tiếng là… xong.
Có vô số các trung tâm, dịch vụ gia sư, tuy nhiên chất lượng gia sư của các trung tâm này đang hoàn toàn bị thả nổi chưa có ai quản lý. Chỉ một số ít những trung tâm gia sư hoạt động một cách quy củ, nghiêm túc nhằm giữ uy tín, họ tuyển chọn đội ngũ gia sư có trình độ, có tâm và được đào tạo các phương pháp giáo dục.
Phần nhiều các trung tâm gia sư chỉ tập trung vào việc thu hút người đến nộp hồ sơ xin làm gia sư và các phụ huynh đến tìm thầy dạy cho con. Muốn được các trung tâm gia sư này giới thiệu việc làm chỉ cần có bằng hoặc đang theo học các trường cao đẳng hoặc đại học, nộp một bộ hồ sơ, ghi yêu cầu được dạy lớp mấy và quan trọng nhất là nộp tiền lệ phí để có thể được giới thiệu đi dạy. Thông thường lệ phí sẽ vào khoảng 40-60% một tháng lương hoặc nộp cứng một khoản từ 400- 600 nghìn đồng.
Người làm gia sư khá đa dạng nhưng nhiều nhất là những sinh viên đang học tại các trường đại học, hầu hết không có chuyên môn sư  phạm và chất lượng gia sư vì thế cũng không có gì để đảm bảo.
Các trung tâm gia sư thường giới thiệu lớp và yêu cầu các bạn sinh viên nói mình đang học trường sư phạm năm 3-4, hoặc đã ra trường nhằm tạo sự tin tưởng của các bậc phụ huynh. Thậm chí các trung tâm gia sư còn làm nhiều cách để qua mặt khách hàng như: khai gian tuổi, giả thẻ sinh viên… nhằm đáp ứng đủ các yêu cầu của các phụ huynh và đồng ý để gia sư của họ được nhận lớp.
Vì vậy, không hiếm những trường hợp phụ huynh dở khóc dở cười vì gia sư mình thuê. Khi còn là sinh viên, có lần tôi cũng nhận được tin nhắn cầu cứu của cô bạn đang đi dạy gia sư vì không thể giải một bài toán cho học sinh của cô ấy đang học lớp 4.
Chị Hà Thủy- Triều Khúc có  con đang học lớp 4 trường tiểu học Tân Triều cho biết “Cháu nhà mình học rất yếu nhất là môn toán, nên buổi tối các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 mình đều thuê gia sư về kèm cho cháu. Cũng qua vài trung tâm gia sư, hầu hết là thuê sinh viên về dạy, nhưng người dạy lâu nhất cũng chỉ 3 tháng, còn lại toàn hơn tháng là cho nghỉ. Các cô chỉ chữa bài, có cô toàn làm hộ cháu rồi đọc chép, không cải thiện học lực được bao nhiêu. Giờ mình đang nhờ một cô giáo kèm cháu buổi tối, đắt gấp đôi so với trước nhưng an tâm”.
Mặc dù từ năm 2005, Chính phủ  đã ban hành Nghị định 19/2005/NĐ-CP quy định việc xử lý các trung tâm giới thiệu, trung tâm gia sư không đủ giấy phép. Nhưng hiện nay, nhiều trung tâm trung tâm giới thiệu, trung tâm gia sư không giấy phép vẫn thoải mái, ngang nhiên tồn tại, hiện tượng lừa đảo người lao động và các bậc phụ huynh vẫn diễn ra thường xuyên.
Vẫn biết cấm dạy thêm, học thêm là  nhằm mục đích tránh cho học sinh phải học thêm tràn  lan mà không có chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khâu quản lý chất lượng như thế nào chứ không phải không quản được thì cấm. Và biết đâu đấy, nếu chất lượng gia sư cũng bị kêu ca để rồi Bộ không quản nổi cũng ra lệnh cấm nốt cả dạy gia sư thì lúc đó đúng là tất cả cùng… mếu.
Theo song moi