“Bạn không dùng thì đem đến, bạn cần thì lấy đi”

29/05/2018 06:09
Đào Linh
(GDVN) - “Ngôi nhà thiện nguyện” lần đầu tiên được ra đời tại Đại học Khoa học Thái Nguyên, với mong muốn chia sẻ và giúp đỡ các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Thấu hiểu được nỗi lo của các sinh viên, đặc biệt là các tân sinh viên sắp nhập học, nhằm làm giảm phần nào áp lực tài chính đặt lên vai các em khi tiếp tục con đường học vấn, bên cạnh những chính sách ưu đãi và học bổng hỗ trợ chi phí học tập, lần đầu tiên mô hình “Ngôi nhà thiện nguyện” được ra đời tại Ký túc xá Đại học Khoa học Thái Nguyên.

Nhà trường đã kêu gọi các thầy cô giáo, sinh viên và các nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm khô, vật phẩm, đồ dùng học tập, quần, áo…

“Bạn không dùng thì đem đến, bạn cần thì lấy đi”

Với thông điệp trên ngôi nhà thiện nguyện được coi là địa chỉ đỏ, nơi tiếp nhận, trao gửi những món quà tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, góp phần sẻ chia yêu thương, nhân lên những hoạt động thiện nguyện trong sinh viên, cộng đồng.

"Ngôi nhà thiện nguyện" đặt tại tầng 1 khu ký túc xá K13 – Trường đại học Khoa học, được mở cửa vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần.

Ngôi nhà thiện nguyện đầu tiên đặt tại kí túc xá Trường đại học Khoa Học.
Ngôi nhà thiện nguyện đầu tiên đặt tại kí túc xá Trường đại học Khoa Học.

Ngay trong buổi đầu tiên, nhiều sinh viên trong ký túc xá đã đến ủng hộ, lựa chọn đồ dùng.

Tại đây, các bạn có thể đến nhận các nhu yếu phẩm về học tập và sinh hoạt của mình như: lương thực, thực phẩm khô, vật phẩm, đồ dùng học tập, quần, áo…

Tại gian hàng này, Nhà trường đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị như giá treo, tủ đựng quần áo, máy giặt…

Do vậy, các sản phẩm luôn đảm bảo sạch sẽ, ngăn nắp, được chính tay các bạn sinh viên của các câu lạc bộ trong Nhà trường chăm chút giặt, là ủi một cách cẩn thận.

Và đặc biệt hơn cả, là tất cả các sản phẩm tại đây đều được cung cấp một cách hoàn toàn miễn phí.

Rất nhiều bạn sinh viên đến ủng hộ ngôi nhà thiện nguyện.
Rất nhiều bạn sinh viên đến ủng hộ ngôi nhà thiện nguyện.

Những năm qua trường có nhiều học sinh ở nhiều vùng quê ngheo đi học đại học các ngành như: Luật, Du lịch, Công tác xã hội..

Nhà trường có nhiều chính sách ưu tiên cho sinh viên Tây bắc và miền núi khó khăn, nhà trường luôn là đơn vị thực hiện tốt nhất các chế độ chăm sóc cho sinh viên miền núi, nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo để các em có thể tiếp tục được đến trường.

Các gian hàng quần áo được giặt sạch, gấp cẩn thận trước khi trao đến các bạn sinh viên.
Các gian hàng quần áo được giặt sạch, gấp cẩn thận trước khi trao đến các bạn sinh viên.

Mang yêu thương đi mọi miền tổ quốc

Với mong muốn giúp đỡ học sinh, sinh viên khó khăn, Trường đại học Khoa Học đã đem ngôi nhà thiện nguyện thứ hai đặt tại Trường trung học phổ thông Tủa Chùa – tỉnh Điện Biên.

Sau một cuộc hành trình vất vả, đoàn làm việc của Đại học Khoa học Thái Nguyên đã đặt chân tới Tủa Chùa - Điện Biên.

Sáng ngày 21/5/2018 tại Trường trung học phổ thông Tủa Chùa đã tổ chức thành công lễ kí kết biên bản ghi nhớ và cắt băng ra mắt ngôi nhà từ thiện giữa Đoàn Trung học phổ thông Tủa Chùa - Điện Biên và Đoàn trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên.

Là ngôi trường thuộc một tỉnh xa xôi của Tây Bắc, điều kiện học tập còn khó khăn và thiếu thốn, các em học sinh chủ yếu là người dân tộc, đa số các em đều ở những xã xa với trường học từ 10km – 40km đường xá đi lại vô cùng khó khăn, đường rừng núi ảnh hưởng rất lớn tới tính chuyên cần của các em học sinh.

Gia đình của các em học sinh đa số là làm ruộng, kinh tế không ổn định, nhiều em có thành tích học tập tốt nhưng không có điều kiện để đi học.

Với ước muốn được chung tay giúp sức một phần nào đó để giúp đỡ những ngôi trường khó khăn về điều kiện kinh tế và địa lí để mong các em có thể yên tâm đến trường, Trường đại học Khoa học đã đề xuất và quyết tâm thực hiện ngôi nhà thiện nguyện để có thể mang được con chữ lên vùng cao Tây Bắc.

Lễ cắt băng khánh thành ngôi nhà thiện nguyện thứ 2 tại Trung học phổ thông Tủa Chùa.
Lễ cắt băng khánh thành ngôi nhà thiện nguyện thứ 2 tại Trung học phổ thông Tủa Chùa.

Nhiều năm qua đoàn Trường đại học Khoa học đã có nhiều hoạt động quyên góp nhưng với mong muốn giúp đỡ trao tận tay những món đồ người cần sử dụng, thiết thực và có ích.

Sau khi ngôi nhà được thành lập với ý tưởng ban đầu chỉ là phục vụ sinh viên tại kí túc xá, tuy nhiên nhiều đồ dùng sinh viên không dùng đến, khối lượng ủng hộ lớn.

Nhiều sinh viên của trường đã đề xuất muốn lấy các đồ dùng đó về ủng hộ cho người dân quê mình và mong muốn mô hình gian hàng này sẽ được đặt ở các trường phổ thông ở các huyện miền núi khó khăn để các em học sinh đến lấy về dùng hoặc lấy về cho người thân của mình dùng như vậy sẽ thiết thực hơn.

Với sự mong muốn của sinh viên và theo đề xuất của một số sinh viên của huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã giới thiệu để hai đoàn thanh niên của 2 trường kết nối và được sự đồng ý của Ban giám hiệu 2 trường, trường Đại học Khoa học đã đề nghị xúc tiến việc ký kết hợp tác toàn diện giữa Đoàn thanh niên 2 đơn vị nhằm giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong các hoạt động và phong trào đoàn.

Sau khi đặt tại Tủa Chùa, đoàn thanh niên Trường đại học Khoa Học sẽ thường xuyên gửi đồ thiết yếu lên theo yêu cầu và đề xuất của đoàn thanh niên Trường trung học phổ thông Tủa Chùa.

“Bạn không dùng thì đem đến, bạn cần thì lấy đi” ảnh 5
Các em học sinh Trường trung học phổ thông Tủa Chùa nhận đồ dùng học tập.

Tức là theo mùa, theo nhu cầu của học sinh nghèo và người dân sẽ cần đòi dùng gì thì Trường đại học Khoa học sữ ưu tiên gửi những đồ dùng đó để phần nào hỗ trợ các em trong quá trình học tập tại trường.

Kết hợp với việc xây dựng ngôi nhà thiện nguyện trường Khoa học cũng đã trao 15 suất quà và tặng một phần quà vào quỹ khuyến học để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với niềm hy vọng có thể giúp đỡ được thật nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng đam mê được cắp sách tới trường, với tình yêu thương từ những người thầy cô thương học sinh nghèo không có điều kiện học tập.

Ngôi nhà thiện nguyện mong được là cầu nối có thể giúp đỡ được các em một phần nào đó.

Đào Linh