Bản thân thầy cô cũng lo mình chỉ là ...thợ dạy

25/02/2019 07:00
Phương Linh
(GDVN) - Giáo viên dạy học theo lối cũ đang sợ bị nhàm chán, giống như là một người thợ dạy.

Đó là e ngại của một số giáo viên Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Dạy học 4.0”, do nhà trường tổ chức vào ngày 23/2/2019.

Diễn giả của buổi tọa đàm này là ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du.

Phát biểu chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm này, thầy Hoàng Sỹ Đăng (giáo viên của trường) cho biết, không giống như những công việc khác, nghề giáo khá êm ả.

Sau nhiều năm dạy học, các kiến thức và bài giảng lặp đi lặp lại, có thể làm cho giáo viên chán với công việc này.

Quang cảnh buổi tọa đàm "Dạy học 4.0" tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Du (ảnh: P.L)
Quang cảnh buổi tọa đàm "Dạy học 4.0" tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Du (ảnh: P.L)

Đồng quan điểm này, với tư cách là người đã có gần 20 năm trong nghề giáo, thầy Nguyễn Tường Thịnh (giáo viên Toán) nói rằng, sau khoảng 10 năm đi dạy, thầy Thịnh đã từng có cảm giác nhàm chán.

Đã từng có lúc, thầy Thịnh tự hỏi rằng, mình là thầy giáo, hay là thợ dạy? Chỉ đến khi thầy Thịnh nhận ra một điều rằng, cần phải kích thích cho học sinh có được tư duy phản biện, có quan điểm sống riêng, thầy Thịnh mới cảm thấy rằng mình lại có cảm hứng trong dạy học.

Thầy Nguyễn Tường Thịnh nhấn mạnh: Cách dạy học theo lối cũ, truyền tải cho hết chương trình, lặp đi lặp lại thì cảm giác nhàm chán là đương nhiên. Nếu giáo viên tổ chức lớp học, thu hút học sinh tham gia, khiến học sinh cảm thấy hứng thú với giờ học.

Theo thầy Thịnh, tổ chức hoạt động nhóm, thì học sinh sẽ là thủ lĩnh sáng tạo, biết phân chia nhiệm vụ cho các bạn, hoàn thành rất tốt bài tập được giao. Nhờ điều này, thầy Thịnh đã phát hiện ra năng khiếu, sở trường của từng học sinh, phát huy được sự sáng tạo của các em.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 (ảnh: P.L)
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 (ảnh: P.L)

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du cho rằng, giáo viên nào mà soạn giáo án để đi dạy trong vòng từ 5 – 10 năm là lạc hậu, là không có tình thương với học trò.

Các kiến thức in trong sách là cũ, nên người thầy cần bắt được hơi thở của thời đại, qua từng bài học. Ngay trong cùng ngày, ở từng tiết học khác nhau thì cũng cần có chất liệu của đời sống khác nhau.

Ông Phú ví von: Sự sáng tạo trong tiết dạy học cũng giống như là người đầu bếp nêm gia vị trong món ăn. Cùng nguyên liệu, nhưng nêm gia vị khác nhau thì sẽ tạo ra sự khác biệt, giá trị khác nhau.

Với người thầy dạy học trong thời buổi công nghiệp 4.0 cần có 4 yếu tố: Đạo đức, trí tuệ, công nghiệp và sáng tạo.

Cụ thể: Đạo đức là yêu cầu bắt buộc với mọi ngành nghề, công nghệ là người giáo viên cần mày mò để không bị lạc hậu, sáng tạo là biết đưa điều gì bên ngoài vào bài học cho nó hấp dẫn.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, có 4 kinh nghiệm sáng tạo mà giáo viên có thể áp dụng.

Đó là: Thay đổi cách sắp xếp bàn học theo từng cụm, nhóm; giáo viên cần có cái nhìn đa chiều để đánh giá học sinh; thúc đẩy động lực cho học sinh bằng các điểm khuyến khích; giáo viên Văn nói riêng hay giáo viên môn xã hội nói chung cần đổi mới quan điểm, cách nhìn môn học.

Người học hiện đại, ông Huỳnh Thanh Phú chia sẻ là cần có 4 phẩm chất: Tư duy sáng tạo và đổi mới, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng hợp tác.

Phương Linh