Bảng xếp hạng đại học Việt Nam nên lấy dữ liệu từ Scopus thay vì Web of Science

22/02/2023 06:46
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, chỉ nên xem bảng xếp hạng đại học là một công cụ, một nguồn thông tin để tham khảo và đó không phải nguồn tham khảo duy nhất.

Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 73 Quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung với Thông tư 04/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tuy nhiên, đã gần 10 năm qua, chưa có một bảng xếp hạng cấp quốc gia nào được duy trì, thực hiện định kỳ hằng năm.

Mới đây, sau khi Bảng xếp hạng các đại học Việt Nam (VNUR) công bố top 100 trường đại học hàng đầu của Việt Nam, có nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến thứ hạng của các trường cũng như các tiêu chuẩn để đo lường, đánh giá. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ kỳ vọng về việc có một bảng xếp hạng đại học mang “thương hiệu Việt Nam”.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - đồng trưởng nhóm Khoa học giáo dục và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

Tiến sĩ Phạm Hiệp - đồng trưởng nhóm Khoa học giáo dục và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

Không nên mong chờ một bảng xếp hạng hoàn hảo

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - đồng trưởng nhóm Khoa học giáo dục và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng, việc xếp hạng là một nhu cầu tất yếu của bất kỳ nền giáo dục đại học nào, vì vậy, những nỗ lực cố gắng, những đóng góp của nhóm chuyên gia thực hiện Bảng xếp hạng VNUR cũng cần được ủng hộ và đáng ghi nhận.

“Làm bảng xếp hạng mất nhiều thời gian, công sức và thật khó để thoả mãn ý muốn của tất cả các bên liên quan. Để duy trì được bảng xếp hạng qua từng năm lại là một việc không hề đơn giản.

Chính vì vậy, tôi trân trọng những đồng nghiệp của mình, những người đã sẵn sàng bỏ công sức suốt 2 năm dù rằng về góc độ chuyên môn vẫn có thể chỉ ra ở bảng xếp hạng này những vấn đề nhất định ”, Tiến sĩ Phạm Hiệp bày tỏ.

Cũng theo ông Hiệp, không có bảng xếp hạng đại học nào là hoàn hảo, kể cả những bảng xếp hạng đại học lâu đời đã vận hành từ 20-30 năm như QS, THE hay Thượng Hải. Vì vậy, không nên nhìn vào một bảng xếp hạng để đánh giá hết về một trường đại học và cũng không nên mong chờ có một bảng xếp hạng hoàn hảo.

Một bảng xếp hạng vừa mới ra đời như VNUR hẳn nhiên sẽ còn nhiều hạn chế cần được khắc phục, cải thiện để hoàn thiện và vận hành tốt hơn.

Cụ thể, VNUR còn thiếu một số chỉ số quan trọng: Chỉ số Quốc tế hoá chưa được thể hiện vì chưa có dữ liệu cập nhật đầy đủ. Bảng xếp hạng chưa có những chỉ số riêng liên quan đến hoạt động tương tác với cộng đồng của trường đại học, dù chỉ số này cũng đã được thể hiện phần nào thông qua chỉ số “chất lượng được công nhận” (tiêu chí kiểm định).

Về chỉ số “công bố bài báo khoa học”, cụ thể là số lượng bài báo khoa học của toàn trường, VNUR lấy dữ liệu từ Web of Science, với số lượng 191 trường, nên lấy dữ liệu từ Scopus sẽ bao trùm hơn.

Hay về tiêu chí Nhiệm vụ khoa học công nghệ, bảng xếp hạng này mới cập nhật dữ liệu ở những đề tài do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố là cũng chưa đầy đủ; bởi các trường vẫn còn nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ làm với doanh nghiệp, quốc tế mà không khai báo tại Cục.

Về việc VNUR xếp hạng chung các trường đào tạo đơn ngành với các trường đa ngành, các trường theo định hướng ứng dụng với các trường theo định hướng nghiên cứu, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, bên cạnh bảng xếp hạng đại học chung thì có thể bổ sung thêm các bảng xếp hạng đặc thù như Bảng xếp hạng các trường trường đơn ngành, Bảng xếp hạng các trường Trung ương/địa phương hay Bảng xếp hạng các trường theo định hướng nghiên cứu,…

“Những quy định, hành lang pháp lý về xếp hạng đại học đã có gần chục năm nay nhưng chúng ta chưa duy trì được một bảng xếp hạng nào hàng năm. Đó cũng là một điều đáng tiếc, vì vậy, khi VNUR ra đời, điều tôi mong mỏi nhất là giờ này năm sau họ tiếp tục công bố xếp hạng lần thứ 2”, Tiến sĩ Hiệp bày tỏ kỳ vọng.

Bảng xếp hạng chỉ là một nguồn thông tin tham khảo

Về việc VNUR độc lập trong khai thác dữ liệu, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho biết, cách tiếp cận này gần giống với bảng xếp hạng Thượng Hải. Còn bảng xếp hạng QS hay THE là vừa lấy dữ liệu trực tiếp từ các cơ sở giáo dục, vừa lấy từ nguồn dữ liệu độc lập.

Cách tiếp cận của nhóm VNUR là dễ hiểu vì xếp hạng đại học chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam, nên sẽ khó nhận được nhiều sự ủng hộ của nhiều trường.

Vì vậy, trong năm đầu tiên, nhóm chuyên gia sử dụng các nguồn thông tin trong báo cáo công khai hay đề án tuyển sinh, …. - là những thông tin mà các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch với xã hội, với người học. Nguồn dữ liệu này là minh bạch và chính thống nên việc sử dụng, tổng hợp và tính toán là hoàn toàn hợp lý.

“Nếu ai đó nói rằng những nguồn này (Báo cáo công khai hay Đề án tuyển sinh …) là chưa tin cậy, thông tin chưa chính xác thì cũng có thể đúng. Nhưng nếu thông tin đó chưa đúng thì vấn đề là nằm ở các trường và Bộ (nếu có) khi thông qua các nội dung này chứ không phải ở người sử dụng nó (Nhóm VNUR)”.

Hơn thế nữa, khi có thêm đơn vị thứ 3 như VNUR ghi nhận và tổng kết dữ liệu này sẽ vô tình tạo ra sức ép từ xã hội để bản thân các trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện nghiêm túc, tốt hơn các thông tin này. Nghĩa là bảng xếp hạng đang tạo động lực cải tiến liên tục và giúp cho cơ chế quản lý tốt hơn”, ông Hiệp nêu quan điểm.

Về vấn đề thứ hạng của trường đại học khác nhau ở những bảng xếp hạng khác nhau, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, điều này phụ thuộc vào chỉ số và trọng số của các bảng xếp hạng.

Nếu cơ sở giáo dục đại học nào thấy bảng xếp hạng quốc tế uy tín hơn thì họ sẽ theo bảng xếp hạng đó, còn nếu trường nào cảm thấy chỉ số thành phần của trường mình không được VNUR phản ánh đúng thì hãy chất vấn nhóm thực hiện, nhóm VNUR sẽ có trách nhiệm giải trình với các trường và với xã hội về những vấn đề này.

Cũng theo Tiến sĩ Hiệp, chúng ta không nên xem bảng xếp hạng như mục tiêu mà chỉ là một công cụ, một nguồn thông tin để tham khảo, hỗ trợ cho quyết định của mình.

Ví dụ người học tham khảo bảng xếp hạng cho quyết định chọn trường, doanh nghiệp tham khảo bảng xếp hạng để chọn đối tác và Chính phủ cũng tham khảo để chọn cơ sở giáo dục đại học cho ưu tiên đầu tư. Và dĩ nhiên, bảng xếp hạng không bao giờ là căn cứ duy nhất để đánh giá một trường đại học.

Còn với các trường đại học, thông qua bảng xếp hạng để có thêm một kênh đánh giá chất lượng của trường mình, từ đó có những điều chỉnh, cải tiến để ngày một hoàn thiện và phát triển hơn.

Để duy trì bảng xếp hạng đại học của Việt Nam, Tiến sĩ Hiệp cho rằng, bất cứ bảng xếp hạng nào cũng phải đảm bảo được tính độc lập, không bị thương mại hóa.

Bên cạnh đó, xét về góc độ quản lý, Nhà nước cần tạo cơ chế quản lý các đơn vị xếp hạng đại học, bao gồm yêu cầu giải trình về phương pháp xếp hạng, quá trình lấy dữ liệu, công thức tính toán phải tường minh. Khi nhìn rộng ra, đã có những bảng xếp hạng tương tự trong các ngành khác còn khó xếp hạng hơn đã được triển khai, trong đó có sự tham gia của Nhà nước như bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI … thì không có lý do gì một bảng xếp hạng đại học không thể thực hiện được tại Việt Nam.

“Một hệ thống giáo dục đại học có một bảng xếp hạng chưa hoàn hảo còn hơn là một hệ thống giáo dục đại học không có nổi một bảng xếp hạng nào cả” – Tiến sĩ Hiệp kết luận.

Nguyên Phương