Bảo hiểm xã hội tự nguyện - lợi ích lâu dài của người dân

10/12/2020 08:39
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là giải pháp ưu việt cho mọi người để sẵn sàng với cuộc sống an nhàn và chủ động tài chính lúc về già hoặc ốm đau bệnh tật.

Thời gian qua, có nhiều thông tin đã so sánh lợi ích giữa tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu với tham gia bảo hiểm nhân thọ với gửi tiết kiệm, trong đó có ý kiến cho rằng việc tham gia bảo hiểm nhân thọ sẽ có lợi hơn cho người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tác động lớn đến cuộc sống người lao động khi về già và gia tăng tình trạng tái nghèo.

Quyền lợi khác biệt

Theo bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, tại nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển, nhưng chính sách bảo hiểm xã hội vẫn được các quốc gia duy trì một cách bền vững và luôn coi đây là chính sách quan trọng Nhà nước phải duy trì thực hiện, bên cạnh hệ thống bảo hiểm tư nhân, thương mại.

Quan trọng hơn, lương hưu nhận từ bảo hiểm xã hội vẫn là nguồn thu nhập cơ bản với mọi người già ở các quốc gia phát triển trong khi đó nguồn thu từ bảo hiểm thương mại hay tiền tiết kiệm từ ngân hàng chưa bao giờ đủ để bảo đảm duy trì an sinh cho cả cộng đồng ở mọi quốc gia.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định: Các tính toán cho rằng việc tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu mang lại quyền lợi khi về hưu thấp hơn quyền lợi khi họ gửi tiết kiệm hoặc tham gia bảo hiểm nhân thọ trong 20 năm là hoàn toàn sai lầm, bởi lẽ giữa bảo hiểm xã hội và gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm nhân thọ có sự khác biệt rất lớn.

Sự khác biệt lớn nhất là ở mục đích, cụ thể bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận và quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, nghĩa là không bị phá sản.

Khi gửi tiết kiệm, người tham gia được hưởng một khoản tiền lãi theo kỳ hạn của tiền gửi, sau thời gian khoảng 2 đến 3 chục năm thì giá trị của khoản tiền gốc còn lại rất ít.

Đây là điều ngược lại với bảo hiểm xã hội khi tiền đóng bảo hiểm xã hội được trả lại bằng việc điều chỉnh tăng theo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua từng năm theo quy định của Chính phủ và trở thành căn cứ để tính lương hưu.

Trong thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, khi qua đời thì thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đều được ghi nhận để tính hưởng chế độ tử tuất.

Khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo CPI và mức tăng trưởng kinh tế. Trong thực tế, gần như hàng năm Nhà nước đều điều chỉnh tăng lương hưu.

Chỉ tính riêng cho giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Chính phủ nhiều lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần (tùy theo nhóm đối tượng) so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002.

Trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội trả kinh phí để cấp thẻ Bảo hiểm Y tế và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội trả kinh phí để cấp thẻ Bảo hiểm Y tế và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Những con số chứng minh

Ngoài ra, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội trả kinh phí để cấp thẻ Bảo hiểm Y tế và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh...

Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp hàng tháng hoặc một lần). Đây là ưu điểm vượt trội của bảo hiểm xã hội.

Đối với gửi tiết kiệm thì số tiền lãi là mức xác định và giá trị của khoản tiền lãi sẽ ngày càng thấp do tác động của yếu tố trượt giá.

Theo bảo hiểm xã hội Việt Nam, đóng bảo hiểm xã hội và gửi tiết kiệm 20 năm tính từ năm 2008 (năm 2008 là năm đầu tiên thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện) với số tiền gửi tiết kiệm bằng số tiền đóng bảo hiểm xã hội duy trì trong suốt 20 năm và số tiền đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng tỷ lệ % theo quy định của từng thời kỳ tính trên số tiền người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng.

Kết quả, cùng với số tiền đầu tư là 249.600.000 đồng, nhưng nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được hưởng an sinh xã hội trọn đời với tổng số tiền được hưởng là 2.160.690.000 đồng đối với nữ và đối với nam là 1.786.019.000 đồng.

Nhiều hơn gửi tiết kiệm với số tiền rất lớn là 973.333.000 đồng đối với nữ và đối với nam là 598.303.000 đồng, trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì lợi ích là vô cùng lớn do số tiền người lao động phải bỏ ra đóng bảo hiểm xã hội chỉ là 90.763.600 đồng, vì phần còn lại do đơn vị đóng.

Ngoài ra, người lao động trong suốt thời gian hưởng lương hưu được khám, chữa bệnh do quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả với số tiền không thể thống kê được bởi lẽ ai cũng biết, khi đã ở dốc bên kia của cuộc đời, chi phí cho chăm sóc y tế đối với hầu hết người già là rất lớn.

Bảo hiểm xã hội bảo đảm an sinh xã hội

Các tính toán cho rằng việc tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu mang lại quyền lợi khi về hưu thấp hơn quyền lợi khi gửi tiết kiệm hoặc tham gia bảo hiểm nhân thọ trong 20 năm là hoàn toàn sai lầm.

Bởi lẽ, giữa bảo hiểm xã hội và gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm nhân thọ có sự khác biệt rất lớn. Sự khác biệt lớn nhất là ở mục đích. bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận. Theo đó, quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, nghĩa là không bị phá sản.

Trong khi đó, các ngân hàng, công ty bảo hiểm thương mại hoạt động kinh doanh với mục đích sinh lời và có thể bị phá sản. Trong trường hợp ngân hàng, công ty bảo hiểm thương mại phá sản, tiền gửi tiết kiệm có thể bị mất trắng.

Ngoài ra, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội trả kinh phí để cấp thẻ bảo hiểm y tế được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh bình đẳng mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh...

Để hiểu hơn về lợi ích của việc đầu tư khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so gửi tiết kiệm, chúng tôi đã làm một bài toán với các giả định thực tế về trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội và gửi tiết kiệm như sau:

Nếu đóng bảo hiểm xã hội và gửi tiết kiệm 20 năm, tính từ năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện), số tiền gửi tiết kiệm bằng số tiền đóng bảo hiểm xã hội duy trì trong 20 năm.

Số tiền đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng tỷ lệ phần trăm theo quy định của từng thời kỳ, tính trên số tiền người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 5 triệu đồng/tháng.

Cụ thể: Lãi suất tiết kiệm 7%/năm, tính theo lãi gộp qua từng năm; chỉ số điều chỉnh tiền đóng bảo hiểm xã hội theo CPI tăng 5%/năm, tính từ năm thứ nhất (từ năm 2008 đến nay, chỉ số CPI tăng bình quân 8,1%/năm); người tham gia hưởng lương hưu từ năm 2028 khi đủ 55 tuổi.

Đối với nữ, tỷ lệ % hưởng lương hưu theo quy định là 55%; nam giới đủ 60 tuổi, tỷ lệ là 45%; Mức điều chỉnh lương hưu bình quân tăng 7%/năm (lấy thấp hơn mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993 - 2017).

Kỳ vọng sống sau tuổi về hưu là 20 năm; mức lương cơ sở tại thời điểm năm 2048 là 10 triệu đồng, tăng 8,27%/năm (từ năm 2008 - 6-2017, mức tăng lương cơ sở bình quân là 13,7%/năm); trợ cấp tuất một lần bằng ba tháng lương hưu tại thời điểm người tham gia bảo hiểm xã hội qua đời (mức thấp nhất theo quy định); mức hưởng lương hưu tính theo quy định hiện hành.

Kết quả, với số tiền đầu tư 249,6 triệu đồng, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng an sinh xã hội trọn đời với tổng số tiền được hưởng là hơn 2,16 tỷ đồng đối với nữ và hơn 1,78 tỷ đồng đối với nam; nhiều hơn gửi tiết kiệm 973,333 triệu đồng đối với nữ và 598,303 triệu đồng đối với nam.

Trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, lợi ích sẽ rất lớn, do người lao động chỉ phải bỏ ra 90,763 triệu đồng để đóng bảo hiểm xã hội, phần còn lại do đơn vị sử dụng lao động đóng. Ngoài ra, người lao động trong suốt thời gian hưởng lương hưu còn được khám, chữa bệnh do quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả.

Mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đều có thể tham gia hình thức Bảo hiểm tự nguyện. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đều có thể tham gia hình thức Bảo hiểm tự nguyện. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện có những lợi ích gì?

Có một cuộc sống an nhàn lúc về già, sống vui vẻ quây quần bên con cháu, với nguồn thu nhập ổn định dù đã hết tuổi lao động luôn là ước muốn của nhiều người. Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là giải pháp tối ưu cho mọi người để đạt được ước muốn ấy khi về già.

Người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đáp ứng điều kiện và về số năm tham gia và độ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí và hưởng nhiều ưu quyền lợi khác. Sau đây là một số lý do để chúng ta nên tham gia loại hình Bảo hiểm ưu việt này.

-Khoản tiền tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện luôn được đảm bảo

Với đặc thù là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, hoàn toàn vì mục tiêu an sinh xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận như các loại hình bảo hiểm do các Doanh nghiệp tổ chức nên khoản tiền tham gia Bảo hiểm luôn được Nhà nước đảm bảo.

-Mọi người đều có thể tham gia Bảo hiểm để được hưởng nhiều quyền lợi khi về già

Mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đều có thể tham gia hình thức Bảo hiểm này.

Bất kì người lao động tự do, thợ thủ công, người làm trong các ngành xây dựng, đi biển, người không ký hợp đồng lao động với tổ chức, doanh nghiệp nào đều có thể tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện một cách dễ dàng.

-Mức tham gia Bảo hiểm thấp

Số tiền tham gia hàng tháng chỉ bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập này tối thiểu ở mức 700 nghìn đồng và tối đa đến 27,8 triệu đồng mỗi tháng.

Đặc biệt, người tham gia Bảo hiểm được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước với mức từ 10% đến 30% trong vòng 10 năm, tương ứng số tiền được hỗ trợ đóng hàng tháng từ 15.400đ đến 46.200đ

Tùy thuộc vào điều kiện và thu nhập của mình, người tham gia có thể linh hoạt lựa chọn mức thu nhập. Tương ứng mức thu nhập thấp nhất là 700 nghìn đồng, người tham gia chỉ đóng số tiền 138 nghìn đồng mỗi tháng (tương ứng chưa đến 5 nghìn đồng mỗi ngày).

Với mức thu nhập lựa chọn càng cao thì mức hưởng lương hưu càng cao khi về già.

-Người tham gia được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm

Người tham gia được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện hưởng, với số tiền lên đến 75% mức thu nhập lựa chọn đóng hàng tháng. Đặc biệt, mức thu nhập lựa chọn khi tính lương hưu cho người tham gia luôn được Nhà nước điều chỉnh mức bù trượt giá theo thời gian.

Người tham gia khi đủ tuổi nhận lượng hưu sẽ được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, với mức chi trả bằng 95% chi phí khám chữa bệnh.

Người tham gia được hưởng mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ bản và tuất 1 lần nếu không may qua đời.

Người tham gia được thanh toán số tiền đã đóng nếu không tiếp tục tham gia.

-Phương thức đóng cực kỳ linh hoạt

Người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tùy chọn phương thức đóng theo định kỳ hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 5 năm một lần cho nhiều năm về sau, đến 10 năm một lần cho những năm còn thiếu. Khi người tham gia có nhu cầu, nhân viên Bưu điện sẽ đến tận nhà để hỗ trợ thu phí, giúp người tham gia giảm thời gian đi lại.

-Thủ tục tham gia cực kỳ đơn giản, thuận tiện ở mọi lúc, mọi nơi

Thủ tục tham gia Bảo hiểm cực kỳ đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện với mạng lưới điểm phục vụ bao phủ rộng khắp 63 tỉnh , thành phố và đội ngũ nhân viên Bưu điện nhiệt tình, chuyên nghiệp.

Với những lợi ích nêu trên, tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là giải pháp ưu việt cho mọi người để sẵn sàng cho cuộc sống an nhàn và chủ động tài chính lúc về già.

Tùng Dương