Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường rà soát, cấp mã số Bảo hiểm xã hội

15/11/2017 17:09
Vũ Phương
(GDVN) - Toàn quốc đã cấp mã số Bảo hiểm xã hội đồng bộ cho 62 triệu người đang tham gia, đạt 83,4%, còn 12,4 triệu người chưa có mã số Bảo hiểm xã hội chiếm 16,6%.

Ngày 15/11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thu nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; rà soát, hoàn thiện cấp mã số Bảo hiểm xã hội, cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội.

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Thu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Nguyễn Trí Đại cho biết: Đến tháng 10 toàn quốc thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đạt 82% kế hoạch. Số nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp chiếm 6,3% số phải thu.

Trong đó, nợ dưới 6 tháng chiếm tỷ lệ cao với 7.300 tỷ đồng; nợ Bảo hiểm y tế các đơn vị sử dụng lao động là 1.569 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội tự nguyện, toàn quốc mới chỉ phát triển được hơn 20.000 đối tượng từ đầu năm đến nay…

Nhận định, từ nay đến cuối năm nhiệm vụ đặt ra với công tác thu là rất lớn và không ít thách thức, ông Nguyễn Trí Đại đề nghị, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tập trung công tác thu, đôn đốc thu nợ Bảo hiểm xã hội; trong đó tập trung vào những doanh nghiệp nợ dưới 6 tháng và thanh tra chuyên ngành đối với những doanh nghiệp nợ trên 6 tháng.

Trong phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần giao chỉ tiêu cụ thể cho Bảo hiểm xã hội cấp huyện và các đại lý thu. Phối hợp với cơ quan Thuế rà soát gần 600 nghìn doanh nghiệp đang đóng thuế, nhưng đơn vị tham gia Bảo hiểm xã hội chỉ trên 250 nghìn để phát triển đối tượng.

Qua việc thanh tra, kiểm tra và phản ánh của các đơn vị khi triển khai quy trình thu và quản lý sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế, Trưởng Ban Thu cho rằng, hiện Phòng Thu ở nhiều địa phương không thực hiện hết chức năng, dẫn đến nhiều đơn vị nợ trên 3 tháng mới chuyển sang phòng thu nợ đôn đốc, đây là một trong những nguyên nhân để tình trạng nợ đọng cao.

Theo báo cáo của các tỉnh, đến hết tháng 10/2017, đã có 2.328 cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng, nộp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Tất cả các địa phương đều đã có quyết định thanh tra chuyên ngành nhưng chưa nhiều.

Việc khởi kiện theo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn không thể thực hiện được. Khởi kiện dân sự chỉ là biện pháp tình thế trong lúc chưa có công cụ thanh tra.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo rà soát, hoàn thiện cấp mã số Bảo hiểm xã hội, cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo rà soát, hoàn thiện cấp mã số Bảo hiểm xã hội, cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH. 

Nhấn mạnh, tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế còn diễn ra phổ biến, trong khi công tác thanh tra và khởi kiện còn nhiều vướng mắc, số lượng các cuộc thanh tra chuyên ngành nhưng chưa nhiều; Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chỉ đạo, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tập trung hơn nữa vào công tác thanh tra chuyên ngành, thu, khai thác và phát triển đối tượng, giảm thấp nhất nợ đọng Bảo hiểm xã hội.

“Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp với Tòa án xây dựng thông tư hướng dẫn, việc thanh tra, xử phạt, doanh nghiệp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì chuyển hồ sơ sang công an và tòa án theo quy định của Luật Hình sự. Nếu không thanh tra thì không có cơ sở để xử lý hình sự. Không thanh tra là lỗi của ngành Bảo hiểm xã hội" - Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nêu rõ.

Về việc  rà soát, cấp mã số Bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Trưởng ban Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, toàn quốc đã thực hiện cấp mã số Bảo hiểm xã hội đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quản lý thu, sổ - thẻ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình cho 62 triệu người đang tham gia, đạt 83,4%, còn 12,4 triệu người chưa có mã số Bảo hiểm xã hội, chiếm 16,6% (không bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và khối lực lượng vũ trang).

Trong đó, 23 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ cao từ 85% trở lên như: Hà Nam, Cao Bằng, Đồng Nai, Bình Dương, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Lào Cai, Vĩnh Long, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, An Giang.

Hiện có trên 7,2 triệu người được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội, đạt 9,6%. Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng là những địa phương cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội có số lượng lớn.

Trong cấp mã số Bảo hiểm xã hội, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chỉ đạo: Các Ban Thu, Ban Sổ - Thẻ cần thống nhất quy trình, nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện tốt nhiệm vụ. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tăng cường đẩy nhanh công tác rà soát cấp mã số Bảo hiểm xã hội, cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội các tỉnh khẩn trương phối hợp với đơn vị quản lý đối tượng và các đơn vị có liên quan tiến hành in, đổi thẻ Bảo hiểm y tế mới theo mã số Bảo hiểm xã hội kẹp cùng với Thư cảm ơn gửi tới người tham gia; chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế để đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu Bảo hiểm y tế hộ gia đình, chuẩn bị phương án cho năm 2018 cùng với Ngành Bảo hiểm xã hội trả sổ Bảo hiểm xã hội đầy đủ các thông tin quá trình công tác, tiền lương, mức đóng…

Thực hiện nghiêm việc 06 tháng phải in tờ rời, 1 năm sau khi trả sổ phải thông báo kết quả đóng hằng năm gửi đến từng người tham gia Bảo hiểm xã hội.

Phải có tiêu chí đánh giá, quản lý các đại lý bưu điện để thực hiện tốt công tác phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện và Bảo hiểm y tế; nhất là việc tuyên truyền, vận động và chăm sóc khách hàng; tạo điều kiện người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giao dịch tại bất cứ đại lý thu Bưu điện trên toàn quốc.

Vũ Phương