Bạo lực học đường, có phải chúng ta đang đổ lỗi?

24/04/2019 06:57
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Chúng ta đang đổ lỗi, nguyên nhân tình trạng bạo lực đang bùng phát là do “khoảng trống tư vấn tâm lý học đường”...

LTS: Gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra khiến nhiều người lo lắng về vấn đề giáo dục học sinh.

Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến kiến nghị cách xử lý bạo lực học đường như thế nào.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện bạo lực học đường không chỉ riêng Việt Nam mình có, nó xảy ra ở mọi quốc gia. Tại các nước có nền giáo dục phát triển, bạo lực học đường vẫn luôn tồn tại và là vấn đề khó giải quyết.

Như tại nước Mỹ, mỗi ngày có khoảng 160.000 học sinh không đến trường vì bị bạo lực hoặc sợ bị bạo lực; 83% các bé gái và 79% các bé trai cho biết từng là nạn nhân của bạo lực học đường.

Điều đáng nói, có tới 64% trong số các em này dù bị bạo lực nhưng lại không dám chia sẻ với ai.

Việt Nam chưa có thống kê chi tiết như Mỹ, trong 2018 có gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học; khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau.

Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Tất nhiên, thống kê này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, thực tế còn “khủng khiếp” hơn nhiều.

Ảnh minh họa về bạo lực học đường trên vkscantho.vn.
Ảnh minh họa về bạo lực học đường trên vkscantho.vn.

Chúng ta đã xử lý bạo lực học đường như thế nào?

Bạo lực do giáo viên gây ra

Với “loại bạo lực giáo viên đối với học sinh”, mức độ kỉ luật là chấm dứt hợp đồng (với giáo viên đang hợp đồng), khiển trách, cảnh cáo, chuyển công tác khác (với giáo viên biên chế).

Trong xu thế hội nhập với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, việc giáo viên bạo hành với học sinh là không thể chấp nhận được.

Với loại bạo lực này, đã xử lý triệt để, đủ làm gương, răn đe; giáo viên nào không “tự thay đổi”, “tự giáo dục bản thân” nên chuyển đổi nghề nghiệp; còn mang tư tưởng “thương cho roi, cho vọt” là tự đào thải khỏi ngành giáo dục trong thời đại 4.0 hôm nay.

Có một số người có ý kiến, kỉ luật giáo viên bạo lực như thế là đang “tước mất uy, quyền” của giáo viên. Thực ra uy quyền của giáo viên với học sinh không phải là “cây thước” mà chính là nhân cách, trí tuệ, tình yêu thương của họ với học trò.

Tuy nhiên, cứ có bạo lực xảy ra (clip phát tán trên mạng xã hội) là đình chỉ hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm ngay, khi chưa điều tra cụ thể, gây áp lực không đáng có cho giáo viên; dẫu sao cũng cần đối xử công bằng với giáo viên, vi phạm mức độ nào, xử lý đúng người đúng tội.

Bạo lực giữa học sinh với học sinh

Bạo lực học đường, có phải chúng ta đang đổ lỗi? ảnh 218 trưởng phòng Giáo dục ký cam kết chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo

Với học sinh gây ra bạo lực, chúng ta đang có cách xử lý “nhân văn”, đáng thương hơn đáng trách!

Các học sinh gây bạo lực, phần lớn nhìn thấy cái sai, phục thiện, đó chính là mục đích của giáo dục.

Không ít ý kiến đề nghị “phạt thật nặng” mới đủ sức “răn đe” học trò gây bạo lực học đường!

Phạt gì học sinh, những đứa trẻ đang cần chúng ta giáo dục, định hướng, bồi dưỡng nhân cách; kẻ đáng phạt, chính là người lớn, bất lực, không tìm ra phương pháp giáo dục hoặc đang là “tấm gương tối” cho chúng soi, làm mất niềm tin của học trò vào công lý!

Bạo lực học đường, phòng hơn chống!

Chúng ta đang đổ lỗi, nguyên nhân tình trạng bạo lực đang bùng phát là do “khoảng trống tư vấn tâm lý học đường”, một nguyên nhân “ai cũng chấp nhận được”; kiểu AQ, không có mình trong đó, vì chưa hoặc rất ít trường có tư vấn được đào tạo bài bản!

Phần lớn các trường đều đã có “Phòng tư vấn tâm lý học đường” nhưng thực chất chỉ là hình thức, không hoạt động hiệu quả; có nơi mời “chuyên gia tư vấn” được đào tạo bài bản, thế nhưng … không có đối tượng tư vấn. Một khi không có “tự nguyện”, tư vấn không thể có kết quả.

Học sinh bạo lực hay bị bạo lực cần được tư vấn? Nếu đã biết đối tượng bạo lực, bị bạo lực lúc đó đã đến giai đoạn “xử lý”, giáo dục chứ không phải tư vấn.

Cần tư vấn tập thể, thông qua chào cờ, hoạt động ngoại khóa, chỉ rõ các hành vi bạo lực, kĩ năng phòng và chống.

Vì vậy, “khoảng trống tư vấn tâm lý học đường” có phải là đối tượng để chúng ta đổ lỗi? Nước Mỹ, công tác tư vấn tâm lý đâu có thiếu? Bạo lực học đường vẫn diễn ra đó thôi!

Bạo lực do giáo viên gây ra, cần giáo dục cho giáo viên, yêu cầu giáo viên tự giáo dục bản thân, tuyệt đối không dùng bạo lực với học trò dưới bất cứ hình thức nào; với đối tượng này, dễ giải quyết, đuổi ra khỏi hệ thống bất cứ “giáo viên” nào vi phạm, sau khi đã được “giáo dục lại”!

Bạo lực giữa học sinh với học sinh, lấy yêu thương, tha thứ làm vũ khí; giáo dục làm phương tiện ngăn chặn.

Vậy làm sao phòng bạo lực học đường xảy ra?

Tạo môi trường học tập dân chủ, thân thiện với học sinh ngày từ đầu năm học, trên cơ sở minh bạch hóa với phụ huynh, học sinh.

Bạo lực học đường, có phải chúng ta đang đổ lỗi? ảnh 3Giáo dục trẻ chỉ mình ngành giáo dục thôi chưa đủ

Minh bạch đầu tiên phải kể đến là tiền đóng góp, bất cứ khoản thu nào cũng phải đúng pháp luật!

Phụ huynh chưa hiểu thì giải đáp, tuyệt đối không gây tâm lý “bức xúc” với bố mẹ học trò.

Chỉ cần phụ huynh có thái độ “bất mãn” với nhà trường, đèn xanh đã bật với con họ bộc lộ bản năng xấu và ngược lại.

Các trường tư họ làm rất tốt vấn đề này, nhất trí đồng lòng với nhà trường thì gửi con học, không thì thôi!

Minh bạch thứ hai là nội quy; phương thức, trách nhiệm xử lý vi phạm nội quy.

Trong nội quy có đầy đủ các hành vi cấm học sinh và cả giáo viên làm; có địa chỉ (điện thoại, mail tiếp nhận thông tin tố cáo vi phạm, đảm bảo các em bị bạo lực có thể tố cáo, chia sẻ với người có trách nhiệm).

Mọi vi phạm phải được xử lý, có lý, có tình, có giáo dục, có thử thách; yêu thương, tha thứ với học trò; kiên quyết với giáo viên, nhân viên.

Giáo dục nêu gương, ngay từ hiệu trưởng, nếu hiệu trưởng có tác phong chững chạc, chấp hành thời gian, nề nếp, quán xuyến công việc; hy sinh vì nhà trường, vì học trò; nói đi đôi với làm, có niềm tin, uy tín với học trò, đồng nghiệp; không độc đoán chuyên quyền, không bòn rút công quỹ … là hiệu trưởng tốt, truyền được đam mê, động lực hy sinh cho giáo viên, bạo lực học đường tự biến mất trong những ngôi trường này!

Căn cơ hơn nữa, phải thực sự coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đảm bảo giáo viên sống được bằng lương như trong các trường tư; lúc đó đãi ngộ tương xứng với cống hiến, kì vọng.

Xử lý các tiêu cực trong giáo dục phải đúng theo hiến pháp, pháp luật, không có vùng cấm, làm gương, răn đe; lấy lại niềm tin cho người tốt.

Cho dù bên ngoài cổng trường còn quá nhiều vấn đề, không thể ngày một ngày hai giải quyết được; cho dù cuộc sống của giáo viên còn nhiều gian khó khi đòi hỏi của xã hội cao, đãi ngộ chưa tương xứng; thế nên rất cần một chút hy sinh, cống hiến, yêu thương của thầy cô với học trò.

Chỉ có yêu thương mới hóa giải hận thù, xua tan bạo lực, kết nối con người với con người; học trò hạnh phúc, thầy cô giáo mới hạnh phúc!                                                             

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/y-kien/ky-luat-thay-co-de-dep-bao-luc-hoc-duong-la-bao-hanh-giao-vien-3905638.html

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bao-luc-hoc-duong-khong-nen-xu-ly-bang-cach-tang-hinh-phat-hoc-sinh-898106.vov

Sơn Quang Huyến