Báo Mỹ: "Mỹ làm tốt chuẩn bị cho chiến tranh Thái Bình Dương"

21/08/2014 16:35
Việt Dũng
(GDVN) - Hiện nay, không chỉ lực lượng đột kích Seals, mà còn đặc nhiệm của Thủy quân lục chiến và Lục quân đều đang tham gia huấn luyện thực hiện chiến dịch trên biển.
Thủy quân lục chiến Mỹ (ảnh minh họa)
Thủy quân lục chiến Mỹ (ảnh minh họa)

Trang mạng "Strategy Page" Mỹ ngày 14 tháng 8 đăng bài viết nhan đề "Làm tốt chuẩn bị cho chiến tranh Thái Bình Dương" cho rằng, trước đây, Quân đội Mỹ phát động tập kích trên biển và thực hiện các hành động đặc biệt khác hầu như hoàn toàn do lực lượng đột kích "báo biển" Hải quân (Navy Seals) thực hiện.

Nhưng, hiện nay, Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt Thủy quân lục chiến (MARSOC) và lực lượng đặc biệt/đặc nhiệm Lục quân Mỹ (bao gồm lực lượng tác chiến đặc biệt Delta - Delta Force) cũng đang tiến hành huấn luyện phát động chiến dịch trên biển.

Lực lượng Navy Seals có thể sẽ tiếp tục "độc quyền" các hành động tác chiến mang theo thiết bị/máy thở dưới nước, bởi vì họ đã trải qua rất nhiều huấn luyện trên lĩnh vực riêng này.

Nhưng, do Mỹ đã chuyển sự tập trung chú ý tới Thái Bình Dương, trong tương lai, khả năng phát động các chiến dịch/hành động trên biển ngày càng lớn, nhiều đơn vị đột kích hơn của Mỹ cần tiếp nhận huấn luyện như vậy.

Theo bài báo, để hỗ trợ cho nhu cầu gia tăng của các hành động đột kích trên biển, Hải quân Mỹ đang chế tạo tàu chi viện đột kích riêng và triển khai nhiều tàu chiến mặt nước hơn để tiến hành chuẩn bị cho hỗ trợ các hành động đột kích.

Lực lượng đặc nhiệm đột kích Seals Hải quân Mỹ tiến hành huấn luyện nhảy dù (ảnh minh họa)
Lực lượng đặc nhiệm đột kích Seals Hải quân Mỹ tiến hành huấn luyện nhảy dù (ảnh minh họa)

Công tác chuẩn bị như vậy ngày càng cần nhiều hơn lực lượng đột kích Seals, MARSOC và lực lượng đặc biệt Lục quân tiến hành huấn luyện.

Có thể thông qua tàu vận tải cỡ nhỏ để vận chuyển tới tàu sân bay, rồi tiếp tục thông qua máy bay trực thăng đưa họ tới tàu cỡ nhỏ (tàu khu trục, phương tiện vận chuyển đổ bộ hoặc tàu tuần duyên mới) để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể (thông qua tàu cỡ nhỏ đến bờ biển).

Đơn vị đột kích còn tập luyện thông qua máy bay trực thăng bay thấp để xâm nhập địa điểm thực hiện nhiệm vụ, lực lượng đột kích Seals thì tập luyện sử dụng tàu ngầm mini riêng để đổ bộ.

Theo bài báo, mấy năm trước, Hải quân và Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt đã bắt đầu tính toán đến sự thay đổi này, trong đó bao gồm chế tạo một số tàu chi viện riêng cho lực lượng đột kích.

Cuối năm 2013, Hải quân bắt đầu cải tạo một tàu container 30.000 tấn thành căn cứ trên biển của lực lượng đột kích tác chiến đặc biệt và lực lượng chi viện, đã cấp trên 100 triệu USD cho công tác cải tạo này. Điều thú vị là điều này hoàn toàn không phải là ý tưởng mới.

Theo bài báo, ngay từ năm 2004, Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt đã yêu cầu Hải quân nghiên cứu kế hoạch cải tạo tàu container thành căn cứ trên biển của lực lượng tác chiến đặc biệt. Nguồn cảm hứng của kế hoạch này rõ ràng đến từ kinh nghiệm 10 năm qua khi lực lượng tác chiến đặc biệt dùng tạm tàu chiến hải quân làm căn cứ.

Binh sĩ lực lượng Navy Seals
Binh sĩ lực lượng Navy Seals

Năm 1996, ở vùng biển Haiti, năm 2001 ở Afghanistan, Hải quân đều đã cung cấp tàu sân bay, nhưng đã rút đi phần lớn lực lượng không quân. Tuy cách làm này đã chứng minh tính linh hoạt to lớn của Hải quân, nhưng đây hoàn toàn không phải là kế lâu dài, bởi vì điều này đã chiếm dụng một phần tài sản quý báu nhất của Hải quân (tàu sân bay và nhân viên trên tàu).

Sau đó, vào năm 2001, Hải quân bắt đầu cải tạo 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo để mang theo 154 quả tên lửa hành trình và lực lượng đột kích tác chiến đặc biệt (đến nay chủ yếu là lực lượng đột kích Seals). Ở đây bao gồm trang bị của lực lượng đột kích và hỗ trợ tàu đặc nhiệm đổ bộ.

So với cách làm truyền thống chế tạo tàu chiến mới, cải tạo có vài ưu thế chính. Tàu dân dụng, cho dù là tàu cỡ lớn có quy mô tương đương tàu sân bay (tàu chở dầu cỡ lớn và tàu container), thì tàu cần đến thường ít hơn 50 người, trong khi đó, tàu chiến có quy mô tương tự cần đến trên nghìn thậm chí vài nghìn người.

Tàu container cỡ lớn dùng cho mục đích quân sự cần không đến 100 thủy thủ, trong khi đó tàu tấn công đổ bộ cần 1.100 người, tàu sân bay lớp Nimitz cần tới 3.200 người. Ngoài ra, loại tàu này cũng dễ nâng cấp hơn, khoang tàu có thể được gỡ bỏ hoặc thay thế.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (ảnh minh họa)
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (ảnh minh họa)

Những tàu này sẽ thuộc về Bộ tư lệnh vận tải đường biển Hải quân và sử dụng các thuyền viên không thuộc quân đội. Hải quân sẽ giữ 1 – 2 chiếc đợi lệnh bất cứ lúc nào.

Chương trình tàu chi viện trên biển hiện nay sử dụng tàu container cỡ khá nhỏ (30.000 tấn), sẽ vận chuyển vài trăm nhân viên tác chiến đặc biệt và lực lượng chi viện, không đến 12 máy bay trực thăng cộng thêm một số tàu cỡ nhỏ dành cho lực lượng đột kích.

Việt Dũng