Báo Phương Đông: "Việt Nam chính thức gia nhập câu lạc bộ UAV"

04/05/2013 07:32
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông, TQ, Vietnamplus)
(GDVN) - Đây là một phần của xu thế hiện đại hóa quân sự nhanh và lớn hơn của toàn khu vực, đáng chú ý Việt Nam đã ghi tên mình vào câu lạc bộ UAV.
Máy bay do thám không người lái Wulung của Indonesia
Máy bay do thám không người lái Wulung của Indonesia

Tờ “Phương Đông” Trung Quốc ngày 3/5 có bài viết cho biết, Indonesia tuyên bố năm nay sẽ bắt đầu sản xuất máy bay trinh sát (do thám) không người lái quy mô lớn.

Theo các nhà phân tích, Indonesia nghiên cứu phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV) là một phần của xu thế hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, rộng mở hơn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 30/4, trang mạng Đài tiếng nói Hoa Kỳ cho biết, bằng nguồn vốn của Bộ Quốc phòng, năm 2004, Indonesia đã khởi động chương trình nghiên cứu phát triển máy bay do thám không người lái.

Dưới sự hợp tác chung sức giữa một số cơ quan chính phủ, năm nay Indonesia chuẩn bị sản xuất hàng loạt máy bay không người lái Wulung cho không quân nước này.

Máy bay không người lái Wulung do Indonesia tự nghiên cứu phát triển và sản xuất, ban đầu được sử dụng cho mục đích phi quân sự, như theo dõi núi lửa, theo dõi các hoạt động chặt rừng bất hợp pháp và tiến hành tuần tra các vùng biển rộng lớn của nước này.

Samudro, người phụ trách Cục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Indonesia và tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển loại máy bay này cho biết, loại máy bay không người lái này sẽ giúp Indonesia tiến hành giám sát 17.000 hòn đảo cùng nhiều đường biên giới của họ.

Tuy hiện nay tất cả máy bay không người lái đều không mang theo vũ khí, nhưng Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết, kế hoạch lâu dài của họ là muốn nghiên cứu chế tạo được máy bay vũ trang không người lái có thể phóng tên lửa và ném bom.

Máy bay không người lái Wulung do Indonesia tự chế
Máy bay không người lái Wulung do Indonesia tự chế

Theo bài báo, hiện nay, quân đội các nước chủ yếu đều sở hữu máy bay phi vũ trang không người lái với các hình thức nhất định, những máy bay này được mua từ các nhà cung ứng hàng hóa quan trọng như Israel và Mỹ.

Cùng với việc mở rộng vai trò ảnh hưởng kinh tế và tình hình căng thẳng địa-chính trị trầm trọng thêm, xu thế ứng dụng máy bay không người lái của khu vực châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ tăng nhanh.

Richard Bitzinger, một cựu quan chức của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và là nhà nghiên cứu cấp cao Viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore cho biết, hoạt động nghiên cứu phát triển máy bay không người lái của Indonesia là một phần của xu thế rộng mở hơn trong khu vực.

Bitzinger nói: “Ý tôi muốn nói, điều này hoàn toàn là một phần của xu thế tăng cường khả năng quân sự của toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trong thời điểm quân đội các nước tới tấp đổi mới trang bị, trang bị mới cần tiên tiến hơn nhiều trang bị cũ, khả năng mới này là thứ mà một số quân đội trước đây chưa từng có.

Vì vậy, cá nhân tôi không cho rằng chỉ máy bay không người lái là có thể trở thành người làm thay đổi quy tắc trò chơi, nhưng tôi thực sự cho rằng, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có xu thế chung hiện đại hóa quân sự, khả năng quân đội của khu vực này đang không ngừng tăng lên về chất”.

UAV Wulung, Indonesia
UAV Wulung, Indonesia

Bài báo chỉ ra, hiện nay, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đều đang tiến hành các chương trình máy bay không người lái. Năm 2011, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chi 590 triệu USD cho các chương trình máy bay không người lái, theo dự đoán của Công ty tư vấn Frost-Sulivan, đến năm 2017, khoản đầu tư này có thể sẽ tăng lên đến 1,4 tỷ USD.

Việt Nam chính thức gia nhập “câu lạc bộ UAV”

Báo Phương Đông của TQ dẫn nguồn của trang mạng Vietnamplus (Việt Nam) cho hay, bắt đầu từ năm 2008, Việt Nam cũng đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái.

Sáng ngày 3/5/2013, tại bãi thử nghiệm Viện Công nghệ không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao Viễn thông-Tin học (HTI) - km27 Đại Lộ Thăng Long Hà Nội, nhóm thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học” đã tiến hành thành công bay thử nghiệm 3 mẫu máy bay không người lái trong số 5 mẫu máy bay chuyên dụng khác đã hoàn thiện tại Viện Công nghệ Không gian.

Máy bay không người lái của Việt Nam được đưa ra ngoài bãi phóng thử
Máy bay không người lái của Việt Nam được đưa ra ngoài bãi phóng thử

Cả 5 loại máy bay trên đều được thiết kế chế độ điều khiển bay tự động theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Máy bay được trang bị camera máy ảnh tác nghiệp trong cả ban ngày và ban đêm cùng các trang bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác.

Đối với loại AV.UAV.S3, AV.UAV.S4 có thể mở rộng tầm bay xa hơn khi sử dụng liên lạc vệ tinh dẫn đường hoặc các trạm chuyển tiếp mặt đất. Các máy bay này có thể cất cánh từ đường băng, từ nóc ôtô, trên bệ phóng di chuyển hoặc phi bằng tay.

Sự kiện bay thử nghiệm thành công khẳng định các nhà khoa học, các kỹ sư thuộc Viện Công nghệ không gian – HTI thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chính thức ghi danh mình là những người Việt Nam đầu tiên tự nghiên cứu chế tạo thành công máy bay không người lái mang thương hiệu Việt Nam.hoàn toàn bằng sự sáng tạo của người Việt Nam” - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng nhấn mạnh.

Theo tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng, trong thời gian tới, nhóm đề tài tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các loại máy bay mới có trần bay cao hơn, tốc độ bay lớn hơn và mở rộng tầm bay trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Ngay sau khi chương trình bay thử nghiệm, Viện Công nghệ không gian sẽ hoàn thiện kỹ thuật và đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và đáp ứng nhu cầu chuyên dụng trong nước.

Máy bay không người lái Việt Nam được chuẩn bị cho cất cánh
Máy bay không người lái Việt Nam được chuẩn bị cho cất cánh

Tính năng kỹ thuật cơ bản:

- AV.UAV.MS1: Chiều dài 1,0m; sải cánh 1,2m; khối lượng tối đa 4kg; tải có ích 1kg; bán kính hoạt động 2km; trần bay 200m; tốc độ lớn nhất 70 km/h; thời gian hoạt động trên không 1,0h; được trang bị camera chuyên dụng, cự ly truyền 2km.

- AV.UAV.S1: Chiều dài 1,80m; sải cánh 2,70m; khối lượng tối đa 12,0kg; khối lượng tải có ích 1,5kg; bán kính hoạt động 15km; trần bay 3000m; động cơ 45 cm3; tốc độ lớn nhất 120km/h; thời gian hoạt động trên không 2h; đường cất hạ cánh 50m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; truyền ảnh online từ camera khoảng cách 15km.

- AV.UAV.S2: Chiều dài 2,60m; sải cánh 3,20m; khối lượng tối đa 45kg; tải có ích 15kg; động cơ 80cm3; tốc độ lớn nhất 150km/h; trần bay 3000m; đường cất, hạ cánh 200m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; thời gian hoạt động trên không 3h.

- AV.UAV.S3: Chiều dài 3m; sải cánh 3,4m; khối lượng tối đa 115kg; khối lượng tải có ích 35kg; bán kính hoạt động 70km; trần bay 3000m; động cơ 350 cm3; tốc độ nhanh nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không tối đa 5h.

- AV.UAV.S4: Chiều dài 4,20m; sải cánh 5,0m; khối lượng tối đa 170kg; khối lượng tải có ích 50kg; bán kính hoạt động 100km; trần bay 3000m; động cơ 400 cm3; tốc độ lớn nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không 6h; bay cả ban ngày và ban đêm.

UAV Việt Nam - khởi động cho máy bay
UAV Việt Nam - khởi động cho máy bay
UAV Việt Nam được lắp camera
UAV Việt Nam được lắp camera
UAV Việt Nam được điều khiển bằng thiết bị vô tuyến
UAV Việt Nam được điều khiển bằng thiết bị vô tuyến
UAV Việt Nam được phóng bằng nhiều cách, trong hình là phóng từ nóc ô tô
UAV Việt Nam được phóng bằng nhiều cách, trong hình là phóng từ nóc ô tô
Dàn máy bay không người lái Việt Nam sau khi bay thử
Dàn máy bay không người lái Việt Nam sau khi bay thử
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông, TQ, Vietnamplus)