Bảo vệ chủ quyền, chúng ta hết sức kiềm chế, mềm mỏng nhưng rất cứng rắn

23/08/2019 06:34
Vũ Phương
(GDVN) - Buổi Hội thảo giúp thế hệ trẻ nhận thức về chủ quyền biển, đảo, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Ngày 22/8, tại Phú Thọ, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương tổ chức Hội thảo “Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông”.

Tham gia buổi hội thảo đặc biệt này có hàng trăm sinh viên, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hùng Vương.

Diễn giả trong buổi hội thảo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, chuyên gia hàng đầu về biên giới lãnh thổ và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982.

Tiến sĩ Trần Công Trục, diễn giả buổi Hội thảo đưa ra các khái niệm pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Trần Công Trục, diễn giả buổi Hội thảo đưa ra các khái niệm pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển. Ảnh: Vũ Phương. 

Mở đầu buổi Hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ với các bạn sinh viên, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hùng Vương, chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông luôn là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, có nhiều khái niệm pháp lý chuyên ngành chưa được hiểu đúng, dẫn đến những trở ngại cho những ai quan tâm khi tiếp cận các thông tin và đánh giá các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển...

Những hình ảnh trực quan, sinh động cùng cách diễn thuyết hấp dẫn giúp thầy và trò Đại học Hùng Vương hiểu một cách hệ thống, khoa học về Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương.
Những hình ảnh trực quan, sinh động cùng cách diễn thuyết hấp dẫn giúp thầy và trò Đại học Hùng Vương hiểu một cách hệ thống, khoa học về Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương. 

Liên tục trong 2 giờ đồng hồ, Tiến sĩ Trần Công Trục đã giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường nắm được các đảo ven bờ, đó chính là vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển nước ta được quy định thành 5 vùng: Nội thủy nằm bên trong đường cơ sở; lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở; riêng thềm lục địa có thể kéo dài ra tới 350 hải lý.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển nói trên.

Tiến sĩ Trần Công Trục giải thích rất chi tiết về 7 khái niệm giúp cán bộ, sinh viên, giảng viên Trường Đại học Hùng Vương hiểu sâu sắc gồm: Nội thủy, Đường cơ sở, Lãnh hải, Vùng tiếp giáp lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa, Quyền tài phán của quốc gia ven biển.

Đặc biệt, Tiến sĩ Trần Công Trục không ngại phân tích, đánh giá về những sự kiện nóng gần đây diễn ra trên Biển Đông như sự kiện Bãi Tư Chính, về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hay xa hơn nữa là sự kiện đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014…

Hội trường Đại học Hùng Vương chật kín cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hùng Vương tham dự buổi hội thảo. Ảnh: Vũ Phương.
Hội trường Đại học Hùng Vương chật kín cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hùng Vương tham dự buổi hội thảo. Ảnh: Vũ Phương. 

Buổi hội thảo diễn ra rất hấp dẫn khi Tiến sĩ Trần Công Trục ngoài việc phân tích các khái niệm pháp lý chuyên ngành, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Luật Biển Việt Nam 2012.. còn kết hợp những sự kiện thực tế, sự kiện nóng để người nghe hiểu đúng.

Nữ sinh Triệu Hương Quỳnh, K17, ngành Giáo dục tiểu học cho biết, trước đây những kiến thức về biển đảo em biết được một phần qua sách vở từ bậc trung học phổ thông, nhưng qua buổi hội thảo hôm nay em đã biết được nhiều kiến thức mới, những khái niệm về biển đảo.

Điều này giúp bản thân em và thế hệ trẻ nhận thức về chủ quyền biển, đảo, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, qua đó có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Những cánh tay nối tiếp giơ lên đặt câu hỏi dành cho Tiến sĩ Trần Công Trục trong phần giao lưu, giải đáp giữa diễn giả và cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hùng Vương có lẽ là phần được nhiều sinh viên chờ đợi nhất.

Sinh viên Trần Thị Mỹ Huyền đặt câu hỏi về hành vi vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương.
Sinh viên Trần Thị Mỹ Huyền đặt câu hỏi về hành vi vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương. 

Em Nguyễn Thị Mỹ Huyền, sinh viên K17, ngành Giáo dục mầm non mạnh dạn đặt câu hỏi về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (Trung Quốc) cũng như trước đây họ cũng vi phạm, vậy chúng ta phải làm gì?

Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Hành vi xâm phạm vùng biển và cản trở các hoạt động kinh tế của Việt Nam của nhóm tàu Trung Quốc phải bị lên án, lên án mạnh mẽ trong thời gian qua. Cộng đồng quốc tế cũng lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời thấu đáo nhiều câu hỏi của sinh viên Đại học Hùng Vương về những vấn đề nóng trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời thấu đáo nhiều câu hỏi của sinh viên Đại học Hùng Vương về những vấn đề nóng trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương. 

Tiến sĩ Trần Công Trục cũng nhấn mạnh: “Chúng ta đã hết sức kiềm chế, Việt Nam khá cứng rắn, nhưng rất mềm mỏng, thông minh phù hợp với Công ước quốc tế.

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Còn nam sinh viên Phạm Tuấn Anh, K17, ngành Sư phạm Âm nhạc bày tỏ sự băn khoăn trước những thông tin nhiễu trên mạng xã hội về tình hình trên Biển Đông, vậy làm sao để tiếp nhận, xử lý thông tin?

Tiến sĩ Trần Công Trục đánh giá rất cao câu hỏi này và khuyên sinh viên, cán bộ, giáo viên trước tình trạng tin nhiễu, tin giả về tình hình Biển Đông rất nhiều.

Để tiếp nhận thông tin đúng đắn, chính xác, cần lựa chọn thông tin từ các kênh chính thống.

Đặc biệt, mỗi người tự trang bị cho mình những kiến thức, khái niệm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển...từ đó sẽ phân tích, xử lý được thông tin.

Còn rất nhiều những cánh tay giơ lên, những câu hỏi hay về Biển Đông, sinh viên đặt ra đều được Tiến sĩ Trần Công Trục giải đáp một cách thấu đáo.

Tiến sĩ Phan Thị Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho rằng, kiến thức diễn giả chia sẻ, phân tích giúp thầy và trò Đại học Hùng Vương hiểu một cách hệ thống, khoa học về Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Phan Thị Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho rằng, kiến thức diễn giả chia sẻ, phân tích giúp thầy và trò Đại học Hùng Vương hiểu một cách hệ thống, khoa học về Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương. 

Kết thúc buổi hội thảo, Tiến sĩ Phan Thị Tình – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc Tiến sĩ Trần Công Trục, Báo Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo rất bổ ích, hấp dẫn.

Tiến sĩ Trần Công Trục đã cung cấp, giúp cho cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Đại học Hùng Vương hiểu một cách hệ thống, khoa học về Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông.

Bà Phan Thị Tình cũng cho biết, sinh hoạt chính trị đầu năm học cũng là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong nhiều năm qua. Những giờ sinh hoạt chính trị như Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ hết sức ý nghĩa, bổ ích và vô cùng quan trọng đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Điều này giúp toàn thể nhà trường nâng cao nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Qua đó, hiểu rõ được trách nhiệm của mình đối với quê hương, biển đảo đất nước.

Nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: 

Diễn giả Trần Công Trục nhận quà lưu niệm từ lãnh đạo Trường Đại học Hùng Vương.
Diễn giả Trần Công Trục nhận quà lưu niệm từ lãnh đạo Trường Đại học Hùng Vương. 
Tiến sĩ Phan Thị Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương phát biểu chia sẻ cảm nhận về hội thảo, ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Phan Thị Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương phát biểu chia sẻ cảm nhận về hội thảo, ảnh: Vũ Phương.
Chia sẻ của Tiến sĩ Trần Công Trục nhận được sự quan tâm rất lớn từ sinh viên Đại học Hùng Vương, ảnh: Vũ Phương.
Chia sẻ của Tiến sĩ Trần Công Trục nhận được sự quan tâm rất lớn từ sinh viên Đại học Hùng Vương, ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Trần Công Trục chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò Trường Đại học Hùng Vương, ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Trần Công Trục chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò Trường Đại học Hùng Vương, ảnh: Vũ Phương.
Vũ Phương