Bất cập trong đào tạo, dạy nghề tại các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ

09/01/2013 07:11
Xuân Trung
(GDVN) - Trong chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ của Chính phủ đã đề ra, từ nay đến 2020 khu vực này cần tập trung nguồn nhân lực cho sự phát triển con người.
Số liệu được Bộ GD&ĐT công bố mới đây cho thấy, thực trạng phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở khu vực trên giai đoạn 2006-2011 còn một số bất cập cần khắc phục. Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho biết có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan, các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ bị chia cắt mạnh bởi núi cao, nhiều sông suối, mạng lưới giao thông còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa, bão; dân cư phân bố phân tán làm ảnh hưởng đến việc huy động học sinh đến trường. Người dân tộc thiểu số của vùng chiếm tỷ lệ 50,4% người dân tộc thiểu số cả nước; còn nhiều hộ dân cư thuộc diện nghèo, toàn vùng có tới 42 trong tổng số 63 huyện nghèo của cả nước (gần 67%). Việc phổ cập giáo dục và xây dựng trường lớp vận động con em đến trường còn nhiều khó khăn.
Hơn nữa, vấn đề chủ quan có sự phối hợp giữa hai Bộ, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH với các bộ, ngành, địa phương trong phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề chưa thật đồng bộ; chưa xây dựng được một quy hoạch tổng thể, dài hạn về phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; chưa lồng ghép đồng bộ các chương trình, mục tiêu để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại khu vực Trung du miền núi đến năm 2020 phải đạt 40% qua đào tạo. Ảnh minh họa
Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại khu vực Trung du miền núi đến năm 2020 phải đạt 40% qua đào tạo. Ảnh minh họa

Tuy vậy, kết quả trong giai đoạn trên cũng đã đạt được những bước tiến cụ thể. Đáng chú ý, tính đến năm 2010 toàn vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi: mẫu giáo đạt 85 - 90%, tiểu học đạt 97 - 99%; trung học cơ sở đạt 85 - 90%; trung học phổ thông đạt 45 - 50%; củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông bán trú. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25 - 30% và 100% cán bộ xã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ vào năm 2010.
Cơ sở vật chất, mạng lưới trường học các cấp được đầu tư bài bản từ mầm non tới đại học. So với năm 2006 hiện nay số trường mầm non tăng 24,5%. Quy mô giáo dục mầm non tăng cả về số trẻ và tỷ lệ huy động, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước, đặc biệt đã chú trọng, tuyên truyền huy động trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật ra lớp. So với năm học 2006 – 2007, năm học 2011- 2012, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 22.5%, tăng 2,8% (tỉ lệ bình quân cả nước 22%); mẫu giáo đạt 91.9%, tăng 11,7% (bình quân cả nước 82,2%); trẻ năm tuổi 98.7%, tăng 3,1% (bình quân chung cả nước 96,4%). 
Đối với lực lượng lao động nông thôn, vùng Trung du miền nui Bắc Bộ cơ bản được đào tạo, toàn vùng theo đánh giá đã có 105.250 người, trong đó 47.250 người học nghề nông nghiệp và 58.000 người học nghề phi nông nghiệp (trong đó khoảng 7,5 ngàn người học nghề theo hình thức đặt hàng dạy nghề). Theo đó, tỷ lệ lao động  qua đào tạo nghề đã đạt gần 25%.
Theo Bộ GD&ĐT hiện vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đã có 56 trường đại học, cao đẳng, so với năm 2006 tăng 15 trường. Theo Báo cáo rà soát Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng mà Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ thì từ nay đến năm 2015, ưu tiên thành lập từ 1 đến 2 trường đại học và từ 1 đến 2 trường cao đẳng cho vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, để tạo điều kiện cho con em địa phương, con em người nghèo, miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học. 
Trong thời gian tới,  mục tiêu của chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng này được Bộ GD&ĐT cho biết, ở bậc  giáo dục thường xuyên – một trong những bậc học có nguồn lao động cao từ nay tới năm 2015, phấn đấu 100% huyện, thị xã có trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, đẩy mạnh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, phấn đấu đến năm 2020 số nhân lực qua đào tạo đạt 55% tổng nhân lực lao động. Tăng cường phân luồng sau THCS, quy mô tuyển sinh đào tạo trung cấp chuyên nghiệp tăng bình quân 5%/năm.

Kiên quyết đặt mục tiêu ở bậc dạy nghề, từ nay tới 2015-2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo phải đạt từ 30%-40%. Đến năm 2015, toàn vùng có 24 trường cao đẳng nghề, 38 trường trung cấp nghề và 182 trung tâm dạy nghề. Đến năm 2020, toàn vùng có 30 trường cao đẳng nghề (trong đó: 03 trường chất lượng cao, 01 trường đẳng cấp quốc tế), 48 trường trung cấp nghề và 175 trung tâm dạy nghề. Tăng cường phân luồng sau trung học cơ sở để hàng năm thu hút bình quân 7% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề.

Theo Dự thảo Quyết định về việc phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề tại các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ của Chính phủ giai đoạn 2012-2020 cho thấy, đây là mục tiêu nhằm tạo bước phát triển giáo dục toàn diện ở các cấp học, nhất là giáo dục mầm non,phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực tại chỗ, phục vụ phát triển KT-XH…

Việc này sẽ giao cho Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng chỉ đạo. 
Xuân Trung