Bắt phải nghe lời, người lớn luôn luôn đúng khiến trẻ bị xâm hại tình dục

20/12/2018 06:49
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, nhiều vụ xâm hại tình dục xảy ra thời gian dài mới được phát hiện có nguyên nhân từ sai lầm trong cách chúng ta giáo dục trẻ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” đối với ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn.

Trước đó, như báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, nhiều nam sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Thanh Sơn kể đã nhiều lần được hiệu trưởng gọi lên phòng nói chuyện.

Sau đó vị hiệu trưởng yêu cầu các em thực hiện một số hành vi phục vụ nhu cầu tình dục cá nhân. Mỗi lần hiệu trưởng gọi lên phòng sẽ cho kẹo và tiền từ 20.000 - 30.000 đồng. Vì tâm lý ngại ngùng, lo sợ nên không ai dám tiết lộ câu chuyện.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương chỉ ra những sai lầm khiến các vụ xâm hại tình dục thường xảy ra thời gian dài mới được phát hiện. Ảnh Tiến sĩ Vũ Thu Hương cung cấp
Tiến sĩ Vũ Thu Hương chỉ ra những sai lầm khiến các vụ xâm hại tình dục thường xảy ra thời gian dài mới được phát hiện. Ảnh Tiến sĩ Vũ Thu Hương cung cấp

Thực tế, không phải đến vụ việc này mà thời gian qua nhiều vụ việc tương tự thường xảy ra khá lâu trước khi bị đưa ra ánh sáng.

Theo chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, một phần nguyên nhân xuất phát từ chính sai lầm trong cách giáo dục trẻ của chúng ta.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương phân tích, sai lầm đầu tiên là chúng ta chưa bao giờ dạy trẻ biết rõ ràng về luật pháp liên quan đến các con.

Các con không được biết chính xác việc gì được làm và không được làm.

“Thông thường, việc được làm và không được làm của trẻ được định nghĩa là phải nghe lời người lớn.

Phải tuân thủ những gì người lớn nói và không được phản kháng khi người lớn bảo làm bất cứ điều gì.

Đây là cách mà hầu hết chúng ta đang giáo dục trẻ. Đó là dạy chúng phải nghe lời.

Điều này hằn sâu vào suy nghĩ của người lớn. Ngay cả khi chúc trẻ nhân dịp gì đó, chúng ta cũng chúc “Chúc con học giỏi, nghe lời thầy cô, bố mẹ, ông bà”…Điều này dẫn đến trẻ quan niệm việc trẻ con phản kháng những sai lầm của người lớn là điều không được phép”.

Chính những điều đó khiến học sinh không dám phản kháng chứ không phải trẻ không làm được. Dẫn đến, trẻ bị xâm hay lạm dụng tình dục không dám tố cáo vì chúng coi việc phải chịu đựng là bình thường.

Lạm dụng tình dục học sinh là hành vi không thể chấp nhận

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giáo dục của chúng ta không giúp cho các con biết các con có quyền được làm gì.

Nếu chúng ta dạy trẻ thượng tôn pháp luật thì các con biết các con có quyền gì. Nội quy, quy định  là như thế, ai sai dù là người lớn hay trẻ nhỏ, thầy cô hay học sinh đều phải chịu phạt như nhau.

Nếu chúng ta luôn dạy trẻ và nhấn mạnh điều đó thì đứa trẻ sẽ có khả năng phản kháng rất là rõ.

Bởi các con nhận ra tất cả mọi người đều công bằng về mặt pháp luật. Ai vi phạm phát luật người đó sai dù hiệu trưởng, giáo viên hay học sinh.

“Tôi đã thử dạy như thế với học sinh của mình và các con phản kháng rất tốt trước những cái sai, vi phạm. Chính tâm lý “phải nghe lời” khiến các con không dám phản kháng”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nêu quan điểm.

Một điểm nữa theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương là chính quan niệm ăn sâu trong suy nghĩ của người lớn khiến nạn nhân không dám lên tiếng.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương dẫn chứng là khi trẻ em gái khi bị xâm hại mất trinh, các em cảm thấy mình là tội phạm nên các con không dám nói.

“Tâm lý này tồn tại dai dẳng trong xã hội từ người lớn ảnh hưởng đến các con. Nó khiến các con thấy mình sai khi không tự bảo vệ được bản thân chứ không hiểu một điều là kẻ xâm hại mới là kẻ sai.

Điều đó là một phần lý giải cho việc nhiều vụ xâm hại tình dục thường rất lâu mới bị đưa ra ánh sáng”, Tiến sĩ Hương nói.

Theo chuyên gia tâm lý, rất may, sau năm 2016, khi một số vụ xâm hại được báo chí quan tâm, các chuyên gia đã nỗ lực làm rất nhiều hoạt động dần dần trẻ đã biết tự bảo vệ bản thân. Đặc biệt là các em gái.

Tuy nhiên, trẻ trai lại không được quan tâm vì nhiều bố mẹ nghĩ rằng có làm gì thì cũng không tổn hại đến cơ thể trẻ nam. Thậm chí nhiều vị còn nghĩ rằng các em đi xâm hại người khác chứ chúng không phải nạn nhân.

“Nhưng thực tế, trẻ nam lại là nạn nhân của xâm hại, lạm dụng tình dục rất nhiều. Các con bị rủ rê vào các hoạt động đồng tính, rủ xem phim đen…nhiều hơn trẻ gái.

Nhiều trường hợp phụ huynh khi đã xảy ra chuyện với con trai mình mới tìm đến chia sẻ với tôi đầy hốt hoảng. Họ không nghĩ con trai của họ lại là nạn nhân”, Tiến sĩ Hương chia sẻ.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn. Ảnh: Giáo dục và thời đại
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn. Ảnh: Giáo dục và thời đại

Quay trở lại với vụ việc ông Đình Bằng My – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Thanh Sơn xâm hại tình dục học sinh nam được cho là xảy ra từ lâu gây nhiều bất bình cho dư luận.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương muốn trẻ phản kháng trong các trường hợp này thì trước hết phải dạy cho trẻ khả năng tự vệ.

“Khi tôi dạy trẻ về việc tự vệ, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ rất nhỏ so với người lớn sẽ không tự vệ được.

Tuy nhiên, mọi người không hiểu vấn đề bài học lớn nhất ở đây là con được quyền tự vệ. Trẻ biết quyền đó thì chúng sẽ biết sử dụng nhiều cách để tự vệ.

Cách chúng ta hướng dẫn chỉ là một cách chứ chưa hẳn con đã sử dụng hòa toàn theo cách đó.

Điều các con học được lớn nhất là các con có quyền tự vệ. Và chúng không sai khi tự vệ. Các con nhận thức được điều đó chúng sẽ có nhiều cách để làm”, Tiến sĩ Hương chỉ rõ.

Tiếp đó là trẻ cần được giáo dục giới tính kỹ để hiểu về các vấn đề chúng có thể gặp phải.

“Bản chất đồng tính nhiều trẻ nam không biết. Chính vì vậy, nếu trẻ bị rủ rê đôi khi các em cũng không biết đó là hoạt động đồng tính. Đấy là vấn đề nghiêm trọng.

Tôi đọc chia sẻ của một số em nam sinh là nạn nhân trong vụ việc ở Thanh Sơn. Có thể việc hiệu trưởng bắt các em sờ nắn bộ phận sinh dục của ông ta đó với nhiều người là để thỏa mãn cho Hiệu trưởng. Nhưng đó cũng là hoạt động xâm hại trẻ chứ không nhất thiết là phải đến khi trẻ bị xâm hại về cơ thể.

Đó là những điều chúng ta cần phải dạy các con. Các con phải hiểu rất rõ bản chất của xâm hại và nếu bị xâm hại thì phải làm gì.

Trẻ biết được hai điều đó thì trong các trường hợp đó trẻ có thể phản kháng”, Tiến sĩ Hương nhấn mạnh.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết, chúng tôi hướng dẫn trẻ những số điện thoại trẻ có thể kêu cứu như số đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 chẳng hạn. Bởi khi các cháu sợ người xung quanh chê cười thì các cháu có thể tìm đến nơi hoàn toàn xa lạ để tố cáo.

Các trung tâm bảo trợ trẻ em ở địa phương cũng là nơi người ta có thể trợ giúp nếu các cháu có đủ niềm tin để tìm đến. Đấy là cách dạy trẻ tự vệ và dám tố cáo

Bắt phải nghe lời, người lớn luôn luôn đúng khiến trẻ bị xâm hại tình dục ảnh 3Khởi tố bị can, bắt tạm giam hiệu trưởng lạm dục tình dục học sinh

Vị chuyên gia này chia sẻ, thông thường, cô vẫn dạy học sinh của mình là nếu bị xâm hại, các con phải mách với bố mẹ. Việc này muốn hợp tác tốt thì bố mẹ cũng phải biết cách bảo vệ con.

Đáng buồn, rất nhiều trường hợp, con nói với bố mẹ thì bố mẹ lại mắng ngược lại chúng hoặc có trường hợp nếu trẻ bị người thân xâm hại mẹ có ý định tố cáo thì cả mẹ và con bị đuổi ra khỏi nhà.

“Những phản ứng bao che rất là tồi tệ có thể xuất hiện ngay trong chính gia đình. Vì thế, nếu phản ánh đến số điện thoại 111, trẻ sẽ được sự trợ giúp tối đa nhất.

Chúng ta muốn thay đổi thì bản thân phải thay đổi, phải dạy các con những điều cần thiết trên”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Đỗ Thơm